Tăng trưởng tín dụng vượt trội, nên mừng hay lo?

(ĐTCK) Tín dụng của ngành ngân hàng đã tăng trưởng dương ngay những tháng đầu năm nay và lũy kế 4 tháng qua là 2,78%, theo số liệu vừa được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố trong Báo cáo tình hình kinh tế tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2015.
Tăng trưởng tín dụng vượt trội, nên mừng hay lo?

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế - tài chính, vẫn có nhiều rủi ro cần được kiểm soát.

Mức tăng trưởng này là cao nhất trong 3 năm gần đây (4 tháng đầu năm 2013 và năm 2014, tín dụng toàn ngành tăng tương ứng là 1,04% và 0,53%). Qua đó cho thấy một tín hiệu khả quan rằng, tăng trưởng tín dụng không còn bị dồn áp lực vào những tháng cuối năm.

Trên địa bàn TP. HCM, thậm chí dư nợ tín dụng cho vay còn cao hơn tỷ lệ huy động vốn. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) TP. HCM cho biết, tính đến cuối tháng 4/2015, tổng vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn thành phố tăng 1,91%; dư nợ cho vay tăng 4,14% so với cuối năm 2014.

Báo cáo của Cục Thống kê Hà Nội cũng cho thấy, 4 tháng đầu năm, tín dụng của các NHTM trên địa bàn Hà Nội tăng tới 6,6%, đạt phân nửa chỉ tiêu cả năm, trong khi tăng trưởng huy động vốn tăng 5,5% so với cuối năm 2014.

Các ngân hàng cũng cho hay, tín dụng đang có dấu hiệu khả quan và có xu hướng cải thiện dần trong những tháng đầu năm. Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank cho biết, tăng trưởng dư nợ tín dụng có dấu hiệu tích cực trong hơn 4 tháng qua. Trong đó, phải kể đến là nguồn vốn cho vay đối với khách hàng cá nhân có nhu cầu thực sự mua nhà để ở.

Tại một số ngân hàng khác như: OCB, Nam A Bank, Sacombank, dư nợ tín dụng cũng tăng trưởng khả quan ngay trong quý đầu năm. Tại Nam A Bank, chỉ trong 4 tháng đầu năm, tín dụng đã hết hạn mức chỉ tiêu NHNN cấp cho cả năm nay nên lãnh đạo nhà băng này cho biết, đang trình NHNN xin thêm “hạn ngạch” để có thêm dư địa cho vay từ nay đến cuối năm.

Sacombank, ACB, Techcombank xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 13% trong năm nay. Nhưng 4 tháng đầu năm, tại ACB, Sacombank, tăng trưởng dư nợ tín dụng của các nhà băng này đã trên dưới 4% so với cuối năm 2014. Đánh giá về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế năm nay, chuyên gia tài chính – ngân hàng ông Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, sẽ có cải thiện so với năm ngoái, song trước hết cần quyết liệt hơn trong việc xử lý nợ xấu để khơi thông tín dụng, vì chính cục “máu đông” nợ xấu làm nghẽn dòng chảy vốn. Ngân hàng chùn tay trong cấp tín dụng nên doanh nghiệp khó có thể tiếp cận được nguồn vốn cho vay.

TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, cầu tín dụng năm nay sẽ cải thiện so với năm 2014, song muốn khơi được dòng chảy tín dụng, yêu cầu trước hết đối với các ngân hàng là xem xét giảm thêm lãi suất cho vay vốn trung, dài hạn ít nhất khoảng 1,5 - 2%/năm.

Theo TS Lịch, dự báo lạm phát năm 2015 ở mức 3%, lãi vay vốn trung - dài hạn phải giảm xuống khoảng 9 - 10%/năm là hợp lý. “Tuy nhiên, nguồn vốn tín dụng cũng phải được kiểm soát chặt chẽ để hạn chế rủi ro, tránh chảy ồ ạt vào bất động sản để lặp lại tình trạng bong bóng như trước đây. Bởi thực tế, bất động sản chưa thể nói đã ấm lên và được kỳ vọng sẽ tan băng trong thời gian sớm”, TS Lịch nhấn mạnh.

Trong khi đó, PGS TS Trần Hoàng Ngân, Hiệu trưởng trường Đại học Tài chính – Marketing lại tỏ ra lo ngại, việc NHNN phải điều chỉnh tăng thêm 1% biên độ tỷ giá vừa qua phải chăng do tăng trưởng dư nợ tín dụng trong 4 tháng đầu năm cải thiện so với cùng kỳ.

Theo lý giải của PGS TS Ngân, hiện nay, dư nợ tín dụng cả nước tăng khoảng 4 triệu tỷ đồng và riêng địa bàn TP. HCM 4 tháng đầu năm nay, dư nợ tăng trưởng khoảng 1 triệu tỷ đồng. Một khi tín dụng tăng, doanh nghiệp vay được vốn, trong đó có các nhà nhập khẩu đã vay được vốn tiền đồng lãi suất thấp, sau đó mua USD để nhập khẩu hàng hóa.

Vì thế, theo PGS TS Ngân, cần có chính sách giảm lãi suất, kích thích tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng phải kiểm soát được rủi ro.

Báo cáo của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho thấy, kinh tế quý I/2015 phục hồi và tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, ở mức 6,03%. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dù tổng cầu của nền kinh tế chuyển biến tích cực làm tăng nhu cầu giải ngân vốn tín dụng, nhưng cũng cần theo dõi chặt chẽ hoạt động tín dụng đối với thị trường bất động sản, nhằm ngăn chặn những tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Năm 2015, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành cao hơn so với năm 2014, ở mức 13 - 15%. Tín dụng tăng trưởng dương ngay từ những tháng đầu năm và dự báo lạm phát quanh mức 3 - 4% cho thấy, sự phối hợp giữa hai chính sách tài khoá và tiền tệ đã hài hoà hơn. Đây được coi là tiền đề tốt trong tăng trưởng tín dụng nói riêng và điều hành chính sách tiền tệ nói chung năm 2015.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, tài chính, tín dụng tập trung nhiều cho lĩnh vực bất động sản có thể sẽ tạo áp lực cho thị trường này quay trở lại chu kỳ bong bóng. Do vậy, tăng trưởng tín dụng cần có sự kiểm soát của NHNN cũng như của các cơ quan Chính phủ, để làm sao tín dụng phải tăng trưởng lành mạnh, đảm bảo sự cạnh tranh và phù hợp với nhu cầu cũng như quy mô, nhằm phát triển kinh tế một cách bền vững.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục