Tăng trưởng tín dụng sẽ không "cứng nhắc" tỉ lệ?

Tại cuộc họp vừa qua của Hội đồng Tư vấn tiền tệ quốc gia, liên quan đến vấn đề chính sách tiền tệ, lãi suất cơ bản được đề nghị không thay đổi, tăng trưởng tín dụng nên xoay quanh 30% không cố định ở mức 25-27%.
Nên nới lỏng tín dụng tiêu dùng có kiểm soát (ảnh minh họa). Nên nới lỏng tín dụng tiêu dùng có kiểm soát (ảnh minh họa).

Nếu ý kiến này được chấp thuận, việc thắt chặt tiền tệ sẽ chưa được đặt ra (ít nhất là đến quý IV năm nay).

 

Cân nhắc chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng

 

Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2009 từ 25%-27%  được coi là khá thấp so nhu cầu vốn để tạo động lực cho kinh tế phát triển mạnh, đồng thời cũng khó khả thi vì mức tăng dư nợ mới đến cuối tháng 7 đã 22,67%. Vì vậy, điều chỉnh mức tăng tín dụng lên khoảng trên 30% theo đề nghị của một số thành viên Hội đồng Tư vấn tiền tệ quốc gia chắc cũng được cân nhắc.

 

Nhìn sang Trung Quốc, chỉ số giá tiêu dùng và SXCN của Trung Quốc tháng 7/2009 giảm (tương ứng là 1,8% và 8,2%) so với 1 năm trước. Nhiều phân tích cho rằng, những tín đồn về thắt chặt cho vay tín dụng thời gian qua đã khiến 2 chỉ số quan trọng  trên của Trung Quốc đã giảm trong tháng và  có thể  bó buộc tiêu dùng và đầu tư trong thời gian tới trong khi kỳ vọng của Trung Quốc vẫn là đạt tốc độ tăng trưởng GDP cao năm nay (Goldman Sachs dự báo có thể lên 9,4%).

 

Vì vậy quan chức cao cấp ngành tài chính Trung Quốc đã tuyên bố chính phủ không thay đổi định hướng chính sách kinh tế vĩ mô, tiếp tục tục coi việc  duy trì kinh tế phát triển bình ổn và khá nhanh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tiếp tục kiên trì chính sách tài chính tích cực và chính sách tiền tệ (CSTT) nới lỏng vừa phải.

 

Trong bối cảnh hậu khủng hoảng, kinh tế Việt Nam vẫn đang và sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn xuất phát từ cả yếu tố nội tại lẫn những bất ổn chưa thể giải quyết của của kinh tế thế giới thì nhiều khả năng Chính phủ sẽ xem xét lại mức tăng trưởng tín dụng cho phù hợp hơn và chưa sớm quyết liệt thắt chặt  CSTT.

 

Nên nới lỏng tín dụng tiêu dùng có kiểm soát

 

Dù không đưa ra hạn mức tín dụng cho vay tiêu dùng, nhưng những chỉ đạo của NHNN luôn khá chặt chẽ với tín dụng tiêu dùng. Điều này là đúng nếu xét trên khía cạnh tiềm ẩn rủi ro khi các NHTM không kiểm soát chặt  mục đích sử dụng tiền vay của khách hàng.

 

Tuy nhiên, cho vay tiêu dùng mới làm tăng sức cầu của XH. Trong giai đoạn vừa qua, khi Chính phủ thực hiện chính sách kích cầu, hỗ trợ lãi suất... thì tác động trước tiên là đến lĩnh vực sản xuất và lưu thông hàng hoá, như thế cung được kích thích trước. Tuy nhiên sản xuất vẫn là để tiêu thụ và cầu tiêu thụ sẽ được gia tăng nếu XH có thêm tiền từ vay NH để chi tiêu.

 

Việc giảm cho vay tiêu dùng cũng đồng nghĩa làm giảm sức cầu của XH là một việc không nên làm. Ví dụ, Chính phủ đang kích cầu xây dựng, trong đó sẽ xây hàng loạt nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp. Vì vậy, chủ đầu tư nếu không có nguồn tín dụng thì cũng xoay được nguồn vốn từ ngân sách.

 

Tiền xây dựng sẽ có để trả cho bên thi công, nhưng sản phẩm làm ra sẽ khó tiêu thụ nếu người mua không vay được vốn NH (do thắt chặt cho vay BĐS). Sản phẩm làm ra không bán được/hay không bán được cho đúng đối tượng hoặc sẽ rơi vào tay giới đầu cơ/hoặc sẽ bị ế. Đằng nào XH cũng bị thiệt. Vậy nên mở ra cho vay BĐS dành riêng cho mua nhà XH trong chương trình kích cầu. Có như thế sản phẩm mới đến tay người tiêu dùng, NĐT mới hăng hái tham gia dự án vì thu hồi được vốn.

 

Về quản lý nhà nước, nếu NHNN dùng các biện pháp kỹ thuật để giới hạn tín dụng tiêu dùng tăng trưởng cũng đồng nghĩa là can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của NHTM.

 

Còn nếu sợ các NHTM buông lỏng kiểm soát chặt chẽ cho vay tiêu dùng để dòng tiền vay bổ sung vào dòng vốn đầu cơ trên TTCK, vàng, BĐS làm các thị trường này phát sinh tình trạng "bong bóng" gây tác hại cho nền kinh tế thì nên áp dụng các biện pháp như: Buộc việc cho vay tiêu dùng phải có hợp đồng mua bán (ví dụ mua bán nhà đất), có hóa đơn tài chính, có đóng thuế/hay có giấy tờ chứng minh nhu cầu vay  là thật.

 

Ngoài ra đối với NHTM cho vay, NHNN thông qua số liệu giám sát từ xa hay qua công tác thanh tra tại chỗ nếu thấy tình trạng cho vay tiêu dùng không chặt chẽ, không phục vụ cho mục đích tiêu dùng thì NHNN vẫn có thể khuyến cáo trực tiếp bằng văn bản hay xử phạt hành chính.

 

Việc gia tăng tín dụng tiêu dùng còn làm cho NHTM xử lý hiệu quả được phần nào đầu ra của nguồn vốn huy động với lãi suất cao, không gây áp lực khiến  NHNN phải tăng LSCB, giúp cho nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh vẫn ở mức như hiện nay trong một khoảng thời gian dài, không ảnh hưởng đến chính sách kích cầu mà Chính phủ đang thực hiện.


Tin cùng chuyên mục