Tăng trưởng tín dụng ngân hàng chững lại

Càng về cuối năm, dự báo hiệu ứng của chính sách thắt chặt tiền tệ càng rõ rệt. Thực tế tăng trưởng tín dụng của một số NH nửa sau 2008 đang chững lại trong khi mức lãi suất huy động vẫn chưa thể giảm ngay.
Tăng trưởng tín dụng ngân hàng chững lại

Huy động vốn tăng chậm

 

Số liệu thống kê của NHNN cho thấy, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng trong tháng 8 ước tăng 0,94% so với tháng trước, cao hơn mức tăng 0,28% của cùng kỳ năm trước nhưng thấp hơn mức tăng 1,47% của tháng 7. Trong đó, số dư tiền gửi VND ước tăng 1,14% và số dư tiền gửi ngoại tệ ước tăng 0,37%.

 

So với cuối năm 2007, tổng số dư tiền gửi ước tăng 10,62%. Còn tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tháng 8 ước tăng 0,79% so với tháng 7. Trong đó, dư nợ cho vay bằng VND ước tăng 0,97% và dư nợ cho vay bằng USD ước tăng 0,19%. So với cuối năm 2007, dư nợ cho vay nền kinh tế ước tăng 16,78%.

 

Các NHTM đã bắt đầu giảm LS huy động bằng VND và USD (giảm trên dưới 1%/năm so với trần 21%/năm đối với VND và giảm từ 1 - 2%/năm đối với USD). Tuy nhiên, so với năm trước lãi suất đầu ra vẫn được các NH áp dụng ở mức phổ biến tương đối cao trên dưới 20%/năm.

 

Nguyên nhân khiến LS đầu ra chưa thể giảm mạnh sau khi NHNN tăng lãi suất cho khoản tiền gửi dự trữ bắt buộc từ 1,2%/năm lên 3,6%/năm vì chi phí đầu vào vẫn duy trì ở mức độ tương đối cao.

 

Theo tổng giám đốc một NH, nếu giảm mạnh LS tiền gửi lúc này cũng khó có thể giữ được chân khách hàng gửi tiết kiệm. Bên cạnh đó, kênh CK ấm lại, cộng với việc sụt giảm mạnh của giá vàng thời gian gần đây đã tạo áp lực đối với NH trong huy động vốn nhàn rỗi. Khi chi phí vốn huy đông vẫn cao, chênh lệch ròng giữa lãi huy động và lãi cho vay không đáng kể, thậm chí có thể âm.

 

DN chưa mặn mà

 

Trong những ngày qua, LS tiền gửi dần ổn định, huy động vốn tuy không tăng mạnh, nhưng vốn khả dụng tại các NH dồi dào trở lại và bắt đầu đẩy mạnh cho vay. Đặc biệt là với DN trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu được nhiều NH ưu tiên vốn giá rẻ.

 

Chẳng hạn Eximbank giảm LS cho vay đối với DN xuất khẩu chiết khấu bộ chứng từ bằng USD LS cho vay giảm từ 8,4%/năm xuống còn 6,6%/năm. DN nhập khẩu vay USD có kỳ hạn 6 tháng trở xuống LS cũng giảm còn 6,6%/năm. ACB nâng hạn mức tài trợ vốn cho các nhà nhập khẩu lên 50 triệu USD, thay vì 20 triệu USD. ACB cũng quyết định giảm LS tài trợ DN sau khi xuất khẩu bằng VND xuống còn từ 7,3%-8,5%/năm và LS tài trợ trước khi xuất khẩu còn từ 9% -10%/năm.

 

Nhìn chung phía NH đã và đang từng bước gia tăng hạn mức vốn hỗ trợ khách hàng và rộng cửa cho vay, nhưng có sự kiểm soát chặt hơn so với trước để hạn chế rủi ro. Tuy nhiên, với LS đầu ra được hầu hết các NH áp dụng ở mức phổ biến hiện nay 20 - 21%/năm (tương đương khoảng 1,7 - 1,75%/tháng) là bài toán khiến nhiều khách hàng phải tính toán kỹ trước khi quyết định vay vốn NH sản xuất, kinh doanh cũng như sử dụng vào các mục đích khác.

 

Với chủ trương kiềm chế tăng trưởng tín dụng dưới 30% trong năm nay của NHNN đã khiến nhiều NH phải thận trọng hơn trong cho vay và lúc này chủ yếu triển khai kỳ hạn ngắn ngày.

 

Sẽ có sự phân hóa

 

Rõ ràng trong bối cảnh hoạt động kinh doanh chính của NH là cho vay tăng trưởng chậm, mức lợi nhuận nửa cuối 2008 dự kiến sẽ giảm. Tuy nhiên sự phân hóa sẽ sâu sắc giữa khối NH lớn - vốn có khả năng đa dạng hóa các nguồn thu - với nhóm NH chỉ tập trung vào hoạt động cơ bản khi hoạt động cho vay chính có thể bị lỗ do chênh lệch biên bị âm.

 

Điều này cũng thấy khá rõ trong các con số lợi nhuận nửa đầu 2008 khi một số NH lớn có được nguồn thu khác như từ trái phiếu hay giao dịch vàng, ngoại hối. Một khoản khác là danh mục đầu tư CP ngắn hạn, tùy theo diễn biến thị trường từ nay đến cuối năm có thể đem lại những lợi nhuận nhất định hoặc giúp hoàn nhập các khoản dự phòng. Tuy nhiên khi thông tin chưa rõ ràng thì không thể ước đoán được thu nhập từ hoạt động này.

 

Biện pháp hỗ trợ mang tính kỹ thuật từ NHNN là tăng lãi suất dự trữ bắt buộc cũng có thể có lợi nhất định đối với các NH có mức huy động vốn cao. Các NH nhỏ chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn để đạt mục tiêu lợi nhuận cả năm khi không tìm được các nguồn thu khác để bù đắp cho lợi nhuận giảm từ hoạt động cho vay.

 

Dù vậy, nhiều NH lớn vẫn tỏ ra thận trọng. Theo đại diện một NHCP, với tình hình hiện nay các NH vẫn khó có thể hoàn thành được mục tiêu lợi nhuận đề ra đầu năm. NH đã phải điều chỉnh lợi nhuận từ 2.000 tỷ đồng theo kế hoạch ban đầu xuống còn 1.500 tỷ đồng. Một số NH khác cũng đã âm thầm cắt giảm mục tiêu lợi nhuận vì nếu tiếp tục duy trì chỉ tiêu lợi nhuận ở mức cao, trong khi kết quả kinh doanh thu về khó có thể hoàn thành sẽ càng làm cho cổ đông mất tin tưởng.


Tin cùng chuyên mục