Tăng lãi suất ngân hàng vẫn chưa hút được nhiều vốn

Lãi suất tăng cao ở các kỳ hạn dài từ 12 - 36 tháng. Thế nhưng các ngân hàng vẫn khó khăn trong việc thu hút vốn trung và dài hạn bởi người dân còn mang nặng tâm lý giữ tiền mặt để ứng phó với những biến động.
Nhu cầu về vốn tăng, các ngân hàng buộc tăng huy động vốn. Nhu cầu về vốn tăng, các ngân hàng buộc tăng huy động vốn.

Tìm thêm cách huy động vốn

 

Những tháng vừa qua, nguồn vốn huy động vào hệ thống ngân hàng tăng khá thấp. Số liệu thống kê tháng 4/2009 cho thấy, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 3,74% so với cuối tháng trước và tăng 9,88% so với cuối năm trước (số dư tiền gửi VND tăng 4,52% và số dư tiền gửi ngoại tệ tăng 1,07%). Đây được cho là mức tăng đáng kể nếu như so với tháng 3/2009, chỉ tăng 3,4%; tháng 2 tăng 1,62%; tháng 1 tăng 0,18%.

 

Trong khi đó, ở chiều ra, mức tăng trưởng tín dụng trong tháng 4/2009 của hệ thống ngân hàng lại có sự gia tăng đột biến. Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong tháng 4 vừa qua, nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế ước tăng tới 4,86% so với cuối tháng trước và tăng 11,16% so với cuối năm 2008.

 

Đây là tín hiệu tốt đối với cầu vốn của nền kinh tế nhưng sẽ là áp lực đối với các ngân hàng trong tình hình huy động vốn như trên. Vì thế, các ngân hàng đã tăng lãi suất huy động. Các đỉnh lãi suất lần lượt được vượt qua từ hơn 8% đầu tháng 4 đã nhanh chóng lên trên 9%. Và cao nhất hiện nay đã lên đến 9,3% tại một số ngân hàng cổ phần. Hầu hết là huy động vốn dài hạn 12 - 60 tháng.

 

Bên cạnh việc tăng lãi suất, các ngân hàng đang tìm nhiều cách khác để tăng huy động vốn cho nhu cầu dài hạn.

 

Mới đây, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) phát hành giấy tờ có giá dài hạn năm 2009 với tổng mệnh giá 5.000 tỷ đồng quy đổi. Không chỉ riêng VIB, đây cũng là cách mà nhiều ngân hàng áp dụng để huy động vốn trung và dài hạn.  Sacombank cũng vừa nhận được chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước huy động 10.000 tỷ đồng, Vietinbank nhận được hạn mức 10.000 tỷ đồng và 400 triệu USD. Lãi suất của các hình thức huy động này cũng khá cao, lên tới xấp xỉ 9%; thậm chí chứng chỉ tiền gửi của Vietcombank lên đến 9,7%.

 

Lãi suất cao chưa đủ hấp dẫn

 

Tăng lãi suất trong điều kiện hiện nay cũng có những rủi ro đối với các ngân hàng khi chưa rõ định hướng điều hành lãi suất cơ bản tiếp theo sẽ thế nào. Nếu lãi suất cơ bản tăng thì việc tăng lãi suất bây giờ sẽ có lợi. Nhưng điều này là khó hiện thực khi Chính phủ vẫn đẩy mạnh các chương trình kích cầu.

 

Ngược lại, nếu lãi suất cơ bản giảm như đề xuất gần đây thì sẽ có nhiều rủi ro đến với các ngân hàng, nhất là khi một phần của gói hỗ trợ lãi suất sẽ kết thúc vào 31/12. Trong khi đó, lãi suất đầu vào là 9% đã rất sát với trần 10,5% cho vay tối đa. Với khoảng cách sát đầu ra - vào rất sát thế này, các ngân hàng đều phải trông chờ vào cho vay hỗ trợ lãi suất, nếu không họ sẽ lỗ.

 

Tuy nhiên, tăng lãi suất chưa chắc đủ sức thu hút người dân gửi tiền vào các kỳ hạn dài như các ngân hàng kỳ vọng. Theo nhận định của các chuyên gia, việc thu hút vốn là một khó khăn đối với các ngân hàng vì người giữ tiền đang có nhiều lựa chọn khi chứng khoán và bất động sản bắt đầu ấm lại, đầu tư vàng, ngoại tệ vẫn còn sôi động.

 

Không chỉ vậy, khi kinh tế còn biến động, người gửi tiền thường có tâm lý gửi tiền ngắn hạn để dễ ứng phó với biến động thị trường. Hơn nữa, khi các ngân hàng tạo ra xu thế tăng lãi suất, người gửi tiền cũng có tâm lý gửi ngắn hạn để có thể quay vòng nhanh khi lãi suất tăng cao hơn trong các giai đoạn tiếp theo.


VNN

Tin cùng chuyên mục