Tái cơ cấu Sacombank, bài học lớn của một hậu M&A

(ĐTCK) Theo Đề án tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã chứng khoán STB) trình Ngân hàng Nhà nước, thời gian hoàn thành tái cơ cấu là 10 năm (2015 - 2025), nhưng nội bộ Ngân hàng đặt mục tiêu rút ngắn thời gian xử lý các vấn đề cơ bản xuống còn 3 - 5 năm, nếu các điều kiện về kinh tế, vĩ mô và hệ thống ngân hàng thuận lợi, ổn định.
Tái cơ cấu Sacombank, bài học lớn của một hậu M&A

Thương hiệu lớn

Sacombank là ngân hàng lớn, nằm trong nhóm 5 ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam, tổng tài sản đứng thứ 6, số lượng điểm giao dịch xếp thứ 4 toàn hệ thống.

Tính đến cuối năm 2016, toàn hệ thống Sacombank có 564 điểm giao dịch; tổng tài sản 332.023 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm; huy động vốn từ khách hàng tăng 12%, đạt hơn 291.654 tỷ đồng, trong đó 87% huy động từ dân cư và 13% từ các tổ chức kinh tế. Điều này cho thấy, niềm tin từ khách hàng, nhất là khách hàng cá nhân dành cho thương hiệu Sacombank rất lớn.

Trong năm 2016, Sacombank đã kéo giảm thành công lãi suất huy động tại các đơn vị mới sáp nhập (Sacombank sáp nhập Southernbank từ tháng 10/2015) xuống ngang bằng với mặt bằng lãi suất chung (từ 6,15%/năm xuống 5,77%/năm), tiếp tục tăng trưởng bền vững nguồn vốn, đảm bảo thanh khoản, đáp ứng được nhu cầu sử dụng vốn đa dạng của khách hàng.

Nhưng nợ xấu ở mức cao sau sáp nhập Southernbank

Dư nợ tín dụng tại Sacombank cuối năm 2016 là 237.981 tỷ đồng, tăng 18,3%. Ngân hàng đã giảm dần tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản, chứng khoán. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 6,68%.

Đại diện Sacombank cho biết, trong năm 2016, Ngân hàng đã tự xử lý nợ được 1.992 tỷ đồng, thu hồi được 516 tỷ đồng trái phiếu VAMC, thu hồi các khoản phải thu quá hạn trong hoạt động đầu tư, thanh lý tài sản đã nhận cấn trừ nợ, thu hồi 540 tỷ đồng.

Theo đại diện Sacombank, trên cơ sở nội lực của Ngân hàng, có thể xử lý được các vấn đề tồn đọng, nhưng cần có cơ chế hỗ trợ. Nếu được, dự kiến sau 3 năm, Ngân hàng có thể giải quyết được 70% và sau 5 năm sẽ giải quyết được khoảng 90% các vấn đề tồn đọng hiện nay.

Nợ xấu của Sacombank phần lớn liên quan đến bất động sản và có tài sản đảm bảo đầy đủ. Thị trường bất động sản tiếp tục có diễn biến khả quan sẽ giúp Sacombank thu hồi nợ gốc và một phần tương đối lãi dự thu.

Các vấn đề chính của Đề án tái cơ cấu đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt cho Sacombank là khoanh lãi dự thu từ năm 2015, trích lập dự phòng và bán nợ cho VAMC, xử lý tài sản cấn nợ và được cơ chế phân bổ chênh lệch theo năng lực tài chính của Ngân hàng.

Theo đề án, Sacombank cần tiếp tục phát huy thế mạnh như hệ thống hoạt động, mạng lưới, uy tín, thương hiệu, niềm tin khách hàng, đặc biệt là hoạt động ngân hàng bán lẻ. Đồng thời, tập trung nguồn lực xử lý nhanh, hiệu quả tài sản tồn đọng, nợ xấu, bởi nếu đẩy nhanh quá trình xử lý thì từ tài sản không sinh lời sẽ thành tài sản sinh lời.

Bên cạnh đó, trước nhu cầu thay đổi để áp dụng chuẩn mực Basel, tăng cường quản lý rủi ro cũng như năng lực tài chính, Sacombank phải sử dụng một phần nguồn lực để đáp ứng các yêu cầu này nhằm hỗ trợ cho quá trình phát triển của Ngân hàng.

Đại diện Sacombank chia sẻ, dựa trên cơ sở nền tảng của Sacombank nên Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận Đề án tái cơ cấu của Ngân hàng.

2016: Các mảng hoạt động đều tăng trưởng

Theo báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2016, thu nhập từ lãi và khoản tương tự của Sacombank đạt 17.868 tỷ đồng, giảm khoảng 1.000 tỷ đồng so với báo cáo tài chính trước kiểm toán.

Về vấn đề này, đại diện Sacombank cho biết, Ngân hàng nhận thấy các hoạt động cốt lõi vẫn có thể sinh lời đủ để bù đắp nên kế hoạch ban đầu của Sacombank là dừng các khoản lãi dự thu đến tháng 3/2016.

Trong khi đó, theo Đề án tái cơ cấu được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, các khoản dự thu từ năm 2015 trở về trước được khoanh lại và phân bổ dần qua các năm. Do vậy, Ngân hàng điều chỉnh lại trên báo cáo tài chính và có sự chênh lệch so với trước kiểm toán. Đây chỉ là vấn đề hạch toán. Thu nhập lãi thuần vẫn đạt hơn 4.020 tỷ đồng.

Đáng chú ý, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của Sacombank tăng 22%, đạt 1.430 tỷ đồng, chiếm 22% tổng thu nhập, chủ yếu tăng ở mảng khách hàng cá nhân, ngân hàng điện tử, thẻ. Bên cạnh đó, kinh doanh ngoại hối tăng 69%, đạt 265 tỷ đồng.

Hoạt động thẻ của Sacombank vẫn nằm trong Top 5 thị trường, lượng khách hàng hiện hữu hơn 3,3 triệu người, tăng 23%. Thu từ dịch vụ thẻ rút ngắn khoảng cách đáng kể so với thu dịch vụ các mảng khác, đạt 395 tỷ đồng, tăng 28%.

Đối với mảng ngân hàng điện tử, năm 2016, Sacombank có hơn 1,5 triệu lượt ủy thác thanh toán hóa đơn thành công. Thu từ dịch vụ ngân hàng điện tử của Sacombank đạt 171 tỷ đồng, tăng 47%. Hoạt động thanh toán nội địa của Ngân hàng đạt doanh số 7.85 triệu tỷ đồng, tăng 22%, phí thanh toán nội địa đạt 451 tỷ đồng, tăng 23%.

Tổng thu nhập hoạt động năm 2016 đạt hơn 6.530 tỷ đồng. Tổng chi phí 5.678 tỷ đồng, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng ở mức 696 tỷ đồng. Kết quả, Sacombank lãi trước thuế gần 156 tỷ đồng.

Đáng chú ý, năm 2016, Sacombank dừng hết các lãi dự thu của những tài sản có không sinh lời, nhưng hoạt động Ngân hàng vẫn có lãi. Theo đại diện Sacombank, đây là điểm đặc biệt tích cực bởi nếu dừng dự thu mà lỗ thì cơ sở để tái cơ cấu thành công không cao.

Tính đến 31/12/2016, khoản phải thu và dự thu của Sacombank giảm mạnh so với trước kiểm toán, khoảng 1.500 tỷ đồng, cho thấy hiệu quả từng bước của Sacombank khi tập trung thu hồi nợ tồn đọng, gia tăng tài sản sinh lời của Ngân hàng.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục