Tài chính nông nghiệp - nông thôn: Hướng đến sự bền vững tài chính cho người nghèo

(ĐTCK) Do còn những tồn tại, hạn chế, hoạt động tài chính nông nghiệp - nông thôn, đặc biệt là các hoạt động vì người nghèo, vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Do đó, việc giải quyết các tồn đọng, hướng đến sự bền vững tài chính cho các khách hàng lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, nhất là người nghèo, là mục tiêu của Chính phủ và các cơ quan, ban ngành liên quan đặt ra.
Tài chính nông nghiệp - nông thôn: Hướng đến sự bền vững tài chính cho người nghèo

Những tồn tại, hạn chế

Tại Hội thảo “Những thông lệ tốt nhất về tài chính nông nghiệp, nông thôn dành cho người nghèo - Kinh nghiệm của Việt Nam” do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phối hợp với Hiệp hội Tín dụng nông nghiệp nông thôn châu Á - Thái Bình Dương (APRACA), Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tổ chức, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng phòng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết,

Sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, sự thay đổi của thị trường…, nhưng vẫn thiếu các biện pháp, công cụ phòng ngừa để hạn chế những rủi ro này; tổ chức sản xuất theo các mô hình liên kết vẫn bộc lộ yếu kém; người dân cũng như doanh nghiệp chưa có nguồn lực tài chính tốt, chưa thực sự sẵn sàng tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một cách bài bản…

Theo ông Tuấn Anh, đây là khó khăn đối với các tổ chức tín dụng trong quá trình thẩm định cho vay, cũng như thu hồi nợ.

Đặc biệt, chia sẻ tại Hội thảo, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú nói: “Chúng ta trao cho người nghèo cần câu để câu cá, nhưng lại phải giúp bán con cá ở đâu”.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho rằng, đầu tư vào khu vực nông nghiệp nông thôn còn hạn chế.

Chẳng hạn, đầu tư công cho khu vực nông nghiệp nông thôn chiếm tỷ trọng thấp, dàn trải, chưa đáp ứng được nhu cầu (vốn đầu tư toàn xã hội cho nông nghiệp giai đoạn 2011-2015 đạt 304.500 tỷ đồng, bằng 1,71% GDP và bằng 5,4 % tổng vốn đầu tư toàn xã hội).

Vốn đầu tư tư nhân ít, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng dưới 2%), chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, quy mô sản xuất kinh doanh còn nhỏ lẻ, manh mún, năng lực sản xuất hạn chế, đầu tư thiếu đồng bộ, máy móc thiết bị sản xuất, chế biến chậm đổi mới; cơ sở hạ tầng nông thôn thiếu đồng bộ; sản xuất nông nghiệp thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, khí hậu, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiếu minh bạch... khả năng xảy ra rủi ro lớn.           

Đồng thời, công tác quy hoạch theo phong trào, sự tuân thủ quy hoạch thấp, chưa xây dựng được các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, dẫn đến thường xuyên xảy ra tình trạng được mùa, mất giá.

Đặc biệt, việc giải ngân một số dự án ODA còn chậm, đối tượng vay khó tiếp cận nguồn vốn dự án do khách hàng là tổ hợp tác hoặc hợp tác xã năng lực yếu, không đủ điều kiện vay vốn, không có vốn góp của xã viên… 

Chủ động trước vướng mắc

Ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc NHCSXH cho biết, NHCSXH có độ bao phủ rộng lớn nhất trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam, đảm bảo cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng, với 63 chi nhánh cấp tỉnh, 631 phòng giao dịch cấp huyện và 10.962 điểm giao dịch được mở tại trụ sở UBND cấp xã trong cả nước.

Điểm giao dịch xã góp phần tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, tiết giảm chi phí giao dịch và thời gian đi lại cho bà con.

Bên cạnh đó, NHCSXH đã phối hợp với chính quyền cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội thành lập và quản lý trên 183.000 tổ tiết kiệm và vay vốn tập hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn.

Thông qua mô hình này, người nghèo và đối tượng chính sách không chỉ có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ, mà còn được tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng như tiền gửi tiết kiệm, thanh toán...

Hiện đang có trên 6,7 triệu khách hàng là người nghèo, đối tượng chính sách ở khu vực nông thôn sử dụng dịch vụ tiết kiệm và có quan hệ tín dụng với NHCSXH.

“Ngoài ra, NHCSXH còn triển khai sản phẩm tiết kiệm dân cư tại điểm giao dịch xã, sản phẩm đem lại sự tiện lợi cho người dân sống trên địa bàn, đồng thời đưa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng về nông thôn”, ông Thắng nói.

Còn tại Agribank, những thông lệ tốt được bà Nguyễn Thị Phượng chia sẻ, đó là chủ động xây dựng nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, góp phần bảo vệ an toàn người tiêu dùng và uy tín, thương hiệu mặt hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Đến nay, Agribank đã đầu tư hơn 5.100 tỷ đồng với hơn 2.300 khách hàng. Các mô hình sản xuất này bước đầu đã tạo sự đồng thuận cao giữa các doanh nghiệp và người dân, qua đó dần hình thành “làn sóng” đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, có đóng góp tích cực đối với quá trình triển khai tái cơ cấu nền nông nghiệp.

“Đặc biệt, chủ động đối diện và có giải pháp kịp thời trước rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu, triển khai gói sản phẩm bảo hiểm trong nông nghiệp”, bà Phượng cho biết. 

Hướng đến sự bền vững tài chính cho người nghèo

Ông Trần Hữu Ý, Giám đốc Trung tâm Đào tạo NHCSXH cho biết, chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã thể hiện định hướng nhằm vào sự bền vững của khách hàng trước tiên.

Khi khách hàng đạt được sự bền vững về tài chính thì ngân hàng sẽ đạt được sự bền vững dài hạn, dịch vụ của NHCSXH phải giúp khách hàng làm quen với kinh tế thị trường, có vay có trả, mạnh dạn vay vốn nâng cao năng lực sản xuất, học hỏi cách làm ăn hiệu quả cao hơn, tiến tới chịu được lãi suất tiệm cận thị trường...

“Dần dần, NHCSXH sẽ thay thế ưu đãi về lãi suất bằng các ưu đãi khác phù hợp như điều kiện vay vốn, phương thức phục vụ...”, ông Ý nói.

Về phía Agribank đề xuất đối với Chính phủ, NHNN và các bộ, ngành, nhà tài trợ tăng cường đầu tư cho khu vực nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là đầu tư từ ngân sách nhà nước về cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ, các yếu tố đầu vào, trợ giá..., xem xét mở rộng đối tượng đầu tư một số dự án tài trợ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng số lượng khách hàng được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.

Xây dựng quy hoạch và định hướng ngành, các vùng sản xuất nông nghiệp. Kiên quyết và có lộ trình từng bước nâng cao tính minh bạch của thị trường nông nghiệp, xử lý nghiêm những trường hợp cạnh tranh không lành mạnh.

Đối với bảo hiểm nông nghiệp, hỗ trợ ngân sách cần mở rộng đối tượng, đơn giản hóa thủ tục, tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia.

Từ phía cơ quan quản lý, NHNN cho biết, tiếp tục xác định nông nghiệp - nông thôn là lĩnh vực ưu tiên và chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đề xuất các giải pháp phù hợp để phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục thực hiện các công cụ điều hành chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ vốn cho các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn.

Đẩy mạnh đầu tư tín dụng góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo mô hình liên kết, sản xuất hàng hóa lớn và ứng dụng công nghệ cao.

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng phù hợp với đặc thù lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho các đối tượng khách hàng trong lĩnh vực này.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục