Sửa Quy chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng

Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại ban hành kèm theo Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ảnh minh họa. Ảnh minh họa.

Theo đó, quy định về “Phí bảo lãnh tín dụng” được sửa đổi như sau: Phí bảo lãnh tín dụng bao gồm: a) Phí thẩm định hồ sơ đề nghị bảo lãnh tín dụng: 500.000 đồng cho một hồ sơ và được nộp cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam cùng với hồ sơ đề nghị bảo lãnh tín dụng; b) Phí bảo lãnh tín dụng: 0,5%/năm tính trên số tiền được bảo lãnh.

Phí bảo lãnh tín dụng thu được, Ngân hàng Phát triển Việt Nam được hạch toán toàn bộ vào Quỹ dự phòng rủi ro bảo lãnh.

Các trường hợp được xem xét miễn, giảm phí bảo lãnh tín dụng gồm:

a) Doanh nghiệp bị phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật hiện hành;

b) Chủ doanh nghiệp tư nhân và chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (đối với chủ sở hữu là cá nhân) bị mất năng lực hành vi dân sự, bị chết, mất tích không còn tài sản để trả nợ;

c) Doanh nghiệp đã dừng hoạt động, không còn tài sản và khả năng tài chính để thanh toán phí bảo lãnh còn nợ;

d) Doanh nghiệp bị thiệt hại về tài chính, tài sản do thiên tai, mất mùa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, rủi ro chính trị, chiến tranh gây ra;

đ) Doanh nghiệp gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan khác ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến hoạt động thua lỗ, tình hình tài chính khó khăn, không còn khả năng thanh toán phí bảo lãnh còn nợ.

Về thẩm quyền xem xét miễn, giảm phí bảo lãnh: Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định việc miễn, giảm phí bảo lãnh tại các trường hợp quy định tại điểm a, b nêu trên.

Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc miễn, giảm phí bảo lãnh tại các trường hợp quy định tại điểm c, d và đ nêu trên.

Trình tự xem xét, quyết định việc miễn, giảm phí bảo lãnh

Dự thảo nêu rõ: Đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định của Ngân hàng Phát triển Việt Nam:

Trong thời hạn tối đa 30 ngày làm việc sau khi nhận được đề nghị của doanh nghiệp, căn cứ tình hình hoạt động, khả năng tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp và quy định tại Quy chế bảo lãnh tín dụng quy định, Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định việc miễn, giảm phí bảo lãnh theo quy định tại Quy chế này.

Đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Sau khi nhận được đề nghị của doanh nghiệp, trong thời hạn tối đa 30 ngày làm việc, căn cứ tình hình hoạt động, khả năng tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp và quy định tại Quy chế bảo lãnh tín dụng quy định, Ngân hàng Phát triển Việt Nam có báo cáo đánh giá, thẩm định và gửi xin ý kiến tham gia của Bộ Tài chính.

Trong thời hạn tối đa 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo đánh giá, thẩm định của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Bộ Tài chính có ý kiến tham gia và gửi Ngân hàng Phát triển Việt Nam để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trong thời hạn tối đa 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến tham gia của Bộ Tài chính, Ngân hàng Phát triển Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.


Theo VGP

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục