Siết bảo đảm tiền vay và hệ lụy

(ĐTCK) Thông tư 19/2017/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước được ban hành cuối năm 2017 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, không được loại trừ những khoản bảo đảm tiền gửi khỏi giới hạn cấp tín dụng. Quy định này đang gây nên sự hoang mang cho giới ngân hàng.
Theo quy định mới, không được loại trừ những khoản bảo đảm tiền gửi khỏi giới hạn cấp tín dụng, kể cả tiền gửi tiết kiệm Theo quy định mới, không được loại trừ những khoản bảo đảm tiền gửi khỏi giới hạn cấp tín dụng, kể cả tiền gửi tiết kiệm

Tiền gửi tiết kiệm cũng không được loại trừ

Xét về lịch sử các quy định liên quan đến tỷ lệ giới hạn trong hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành tuần tự 3 văn bản pháp quy. Văn bản đầu tiên được ban hành năm 2005 là Quyết định 457/2005/QĐ-NHNN. Văn bản thứ 2 ra đời sau đó 5 năm là Thông tư 13/2010/TT-NHNN để thay thế Quyết định 457/2005. Thông tư 36/2014 hiện hành là văn bản thứ 3, thay thế cho Thông tư 13/2010. Thông tư 19/2017 chỉ là một văn bản sửa đổi, bổ sung cho Thông tư 36/2014.

Vấn đề tính giới hạn cấp tín dụng bảo đảm bằng tiền gửi được quy định tại các văn bản pháp quy trên theo xu hướng ngày càng chặt hơn. Khởi đầu tại Quyết định 457/2005, tiếp đó là Thông tư 13/2010, quy định có độ “thông thoáng” hơn, cho phép các tổ chức tín dụng được loại trừ ra khỏi giới hạn tín dụng không chỉ là tiền gửi tiết kiệm, mà còn các khoản tiền gửi nói chung.

Cụ thể, theo Khoản 4, Điều 10 - Thông tư 13/2010, những trường hợp không áp dụng đối với tỷ lệ cho vay, cấp tín dụng gồm cho vay bảo lãnh, bảo đảm bằng toàn bộ tiền gửi, kể cả tiền tiết kiệm, tiền ký quỹ tại tổ chức tín dụng. Như vậy, không phân biệt là tiền gửi của cá nhân hay tổ chức, thậm chí tiền ký quỹ đã được dùng để bảo đảm, đều được trừ khỏi các tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng.

Tuy nhiên, đến Thông tư 36/2014 đã loại trừ tất cả các khoản tiền gửi thông thường, mà chỉ thừa nhận tiền gửi tiết kiệm. Tại Điểm c, Khoản 3 Điều 13 - Thông tư 36/2014, mức dư nợ được loại trừ đối với các khoản cho vay bảo đảm đầy đủ bằng tiền gửi tiết kiệm của cá nhân về thời hạn và giá trị.

Sau đó, Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung nội dung này theo hướng chặt chẽ hơn, quy định “các khoản cho vay bảo đảm đầy đủ về thời hạn và giá trị bằng tiền gửi tiết kiệm của cá nhân tại thời điểm cho vay”. Như vậy, với quy định này, các khoản tiền gửi tiết kiệm được xác lập, bảo đảm sau khi khoản vay đã giải ngân cũng sẽ không được coi là khoản tiền được nằm trong phạm vi loại trừ khỏi giới hạn cấp tín dụng.

Cuối cùng, Thông tư 19/2017 với quy định sửa đổi Điều 13 và Điều 14 của Thông tư 36/2014, giới hạn liên quan đến bảo đảm bằng tiền gửi được loại trừ đã không còn tồn tại. Điều 13 “Giới hạn cấp tín dụng” tại Thông tư 36/2014 đã được đổi tên thành “Điều kiện giới hạn cấp tín dụng để đầu tư kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp” tại Thông tư 19/2017.

Kết hợp với Điều 14 về giới hạn cấp tín dụng để kinh doanh cổ phiếu, các quy định này hướng tới đối tượng cụ thể là cấp tín dụng đầu tư trái phiếu và cổ phiếu. Về quy định hạn chế, giới hạn cấp tín dụng chung, Thông tư 19/2017 đã đẩy lên Điều 11, với nội dung thực hiện theo Luật Các tổ chức tín dụng.

Nhìn nhận xu hướng thắt chặt và cách triển khai quy định như trên, có thể khẳng định, không được phép loại trừ ra khỏi tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng những khoản tiền bảo đảm bằng tiền gửi, kể cả 100% bằng tiền gửi tiết kiệm. Việc diễn giải một cách hiểu khác sẽ gây nên rủi ro pháp lý cho ngân hàng khi một hậu quả tín dụng phát sinh.

Kìm hãm tăng trưởng tín dụng

Chắc chắn một điều, nội dung này sẽ có tác động ngay lập tức và trực tiếp tới việc xác định tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng, hoặc một nhóm khách hàng mà các ngân hàng đang thực hiện.

Hiểu theo các quy định chung về giới hạn cấp tín dụng tại Điều 128 - Luật Các tổ chức tín dụng, tổng dư nợ cấp tín đụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng, đối với một nhóm khách hàng không được vượt quá 25% vốn tự có. Như vậy, với việc loại trừ các khoản tiền tiết kiệm ra khỏi giới hạn cấp tín dụng, việc xác định các tỷ lệ cấp tín dụng sẽ lập tức bị ảnh hưởng.

Trước đây, sau khi cấp tín dụng một khoản vốn cho khách hàng và loại trừ các tài sản bảo đảm bằng tiền gửi, ngân hàng có thể cấp cho khách hàng số vốn còn vượt quá các tỷ lệ giới hạn nêu trên và điều đó nằm trong sự cho phép của pháp luật. Thì nay, với quy định mới, không còn tồn tại thực tiễn nghiệp vụ và lợi thế trong việc cung cấp nguồn vốn này cho khách hàng. Hệ lụy là nguồn vốn cấp ra cho doanh nghiệp cũng như tăng trưởng tín dụng thực tế của ngân hàng sẽ bị kìm hãm.

Nhiều năm qua, bảo đảm bằng tiền gửi đã là một nghiệp vụ phổ biến của ngành ngân hàng. Thực tế cũng cho thấy, đây là dạng tài sản an toàn nhất trong các tài sản bảo đảm tiền vay. Hiện tại, dù chưa có đánh giá tác động chi tiết từ quy định này, nhưng sự ảnh hưởng của nó tới hoạt động nghiệp vụ của ngành ngân hàng là điều chắc chắn. 

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục