SHB mòn mỏi chờ ưu đãi thuế

Sáp nhập Habubank đã 2 năm, nhưng đến nay, Ngân hàng SHB vẫn chưa nhận được ưu đãi nào về miễn, giảm thuế thu nhập.
SHB đề nghị được hưởng mức lãi suất cho vay tái cấp vốn thấp hơn 2% so với lãi suất thông thường SHB đề nghị được hưởng mức lãi suất cho vay tái cấp vốn thấp hơn 2% so với lãi suất thông thường

Ngân hàng đề nghị giảm thuế

Mới đây, SHB lại gửi công văn kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong đó đề nghị các bộ, ngành liên quan xem xét chấp thuận cho SHB được giãn, miễn, giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp trong 5 năm đầu sau sáp nhập: được miễn 100% thuế TNDN trong 3 năm tài chính đầu tiên sau khi sáp nhập; được miễn 50% thuế TNDN trong 2 năm tài chính tiếp theo.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết, kiến nghị này đã được SHB đưa ra từ lâu, nhưng chưa nhận được câu trả lời từ các bộ, ngành liên quan.

Còn nhớ, tại buổi họp báo công bố về sáp nhập Habubank vào SHB vào tháng 8/2012, đại diện NHNN, Phó thống đốc Đào Minh Tú đã khẳng định, NHNN cam kết hỗ trợ tối đa cho SHB sau sáp nhập. Phó thống đốc khẳng định, NHNN đã đề nghị Bộ Tài chính xem xét miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho những ngân hàng thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngân hàng của NHNN như SHB và Habubank.

Tuy nhiên, sau 2 năm trôi qua, đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa ban hành văn bản nào về miễn giảm thuế TNDN cho các tổ chức tín dụng sau khi M&A và các ngân hàng vẫn đang ngóng giảm thuế.

Theo ông Trần Quốc Hùng, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hà Nội, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm mới đây, một số ngân hàng đã đề nghị NHNN kiến nghị Bộ Tài chính sớm ban hành thông tư hướng dẫn về việc miễn, giảm thuế TNDN đối với các tổ chức tín dụng sau khi thực hiện mua lại, sáp nhập, hợp nhất theo Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ để  hỗ trợ các tổ chức tín dụng tham gia tái cơ cấu.

Theo Quyết định 254/QĐ-TTg, trách nhiệm của Bộ Tài chính là phải chủ trì, phối hợp với NHNN xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách, quy định về miễn, giảm thuế, phí liên quan đến mua bán nợ xấu và các tài sản đảm bảo tiền vay của các tổ chức tín dụng được cơ cấu lại, miễn, giảm thuế TNDN đối với các tổ chức tín dụng sau khi thực hiện mua lại, sáp nhập hợp nhất.

Còn nhiều vướng mắc hậu M&A

Ông Keith Pogson, Phụ trách dịch vụ Tài chính - Ngân hàng của Ernst & Young khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, xu hướng M&A trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam đang phát triển mạnh. Tuy nhiên, để quá trình này được đẩy nhanh, các ngân hàng cần có thêm động lực, nhất là các chính sách ưu đãi và hành lang pháp lý thuận lợi.

Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần, chi phí các thương vụ hợp nhất, sáp nhập ngân hàng vô cùng tốn kém, nhất là việc sáp nhập ngân hàng yếu kém, mất thanh khoản. Với những trường hợp này, ngân hàng hậu M&A không chỉ cần giảm thuế, phí, mà còn cần được giảm lãi suất tái cấp vốn, giảm mức dự trữ bắt buộc…

TS. Cao Sĩ Kiêm, chuyên gia kinh tế cho rằng, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thông qua M&A là hình thức phù hợp và hiệu quả ở Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động này đang diễn ra khá chậm. Để đẩy nhanh hoạt động này, NHNN cần có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi kịp thời. 

Được biết, không chỉ đề nghị miễn, giảm thuế TNDN, trong kiến nghị gửi lên NHNN, SHB cũng đề nghị được hưởng mức lãi suất cho vay tái cấp vốn thấp hơn 2% so với lãi suất thông thường, để SHB có nguồn vốn lãi suất thấp phục vụ các lĩnh vực ưu tiên.

Thùy Liên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục