SHB - Habubank: Giá trị cộng hưởng nhờ hợp tác chủ động

(ĐTCK) 448 tỷ đồng nợ xấu của Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) đã được thu hồi chỉ trong vòng 1 tháng, sau khi Habubank sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).
SHB - Habubank: Giá trị cộng hưởng nhờ hợp tác chủ động

Kết quả này góp phần mang lại niềm tin lớn về khả năng hoàn thành mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu của riêng Habubank xuống dưới 10% đến cuối năm 2012 mà Chủ tịch SHB, ông Đỗ Quang Hiển đã đưa ra trước đó. Giá trị cộng hưởng đang được tạo ra, với sự chủ động từ cả hai phía.

SHB - Habubank: Giá trị cộng hưởng nhờ hợp tác chủ động ảnh 1SHB hiện có vốn điều lệ hơn 8.860 tỷ đồng

Thương vụ M&A trong hòa bình

Chưa khi nào trong lịch sử ngành ngân hàng nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung, các thương vụ M&A (mua bán, sáp nhập, hợp nhất) diễn ra nhiều và quy mô lớn như từ cuối năm 2011 đến nay. Trong đó, Habubank sáp nhập vào SHB là một trong những thương vụ điển hình.

Tại một số ngân hàng, đó không phải là sáp nhập, mà là sự thâm nhập hoạt động quản trị ngân hàng của nhóm cổ đông mới, thông qua việc trực tiếp và gián tiếp gia tăng sở hữu cổ phần. Với việc thâu tóm này, đã xuất hiện những hành động chống thâu tóm của nhóm cổ đông cũ đối với sự gia nhập của nhóm cổ đông mới, gây nên làn sóng tăng giá của cổ phiếu.

Ngược lại, với trường hợp SHB - Habubank, đó là việc chấp nhận sáp nhập và bị sáp nhập một cách tự nguyện của gần như tuyệt đối các cổ đông hai bên, thể hiện qua tỷ lệ biểu quyết thông qua giao dịch sáp nhập rất cao (HBB là 85,21%, SHB là 99,4%). Sáp nhập trên cơ sở yêu cầu bức thiết để tồn tại của cổ đông Habubank trong bối cảnh thanh khoản khó khăn, vốn chủ sở hữu giảm sút mạnh do vướng vào nợ xấu. Về phía SHB, dù phải đối diện trực tiếp với khó khăn về thực trạng nợ xấu của Habubank, nhưng trên cơ sở làm việc với đối tác để đưa ra các phương án khả thi nhằm thu hồi nợ xấu, SHB sẽ đạt được nhiều yếu tố thuận lợi về hệ thống khách hàng, mạng lưới…, mà trong điều kiện bình thường phải mất đến 5 năm thì SHB mới có thể có được.

Chấp nhận hy sinh thương hiệu Habubank đã gây dựng hơn 20 năm để tồn tại, chấp nhận chia sẻ khó khăn do “gánh” thêm Habubank để SHB có bước phát triển đột phá, bài toán lợi ích đã được cả cổ đông Habubank và SHB nhìn thấy và lựa chọn. Có thể nhận thấy, sáp nhập Habubank vào SHB không phải là phép cộng, khi nhiều giá trị thặng dư được tạo ra sau sáp nhập. Tự nguyện khi thực hiện M&A có lẽ là nguyên nhân quan trọng nhất khiến hoạt động của SHB sau ngày Habubank trở thành “người một nhà” (28/8/2012) hoạt động trơn tru, ổn định.

 

Tạo giá trị cộng hưởng

Đánh giá về thương vụ M&A SHB - Habubank, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), TS. Cao Sỹ Kiêm cho rằng, việc sáp nhập chủ động từ cả hai ngân hàng trong trường hợp này đã giúp thương vụ SHB - Habubank tránh được sự xung đột mà nhiều giao dịch M&A thường gặp phải. Bên cạnh đó, việc tham gia chỉ đạo, giám sát chặt chẽ của các ban, ngành liên quan như: NHNN, UBCK, Sở GDCK, UBND TP. Hà Nội… đã đảm bảo tiến trình sáp nhập được thực hiện bài bản, đúng quy định, tạo được niềm tin cho khách hàng, NĐT và xã hội. “Đây là thuận lợi ban đầu, ảnh hưởng rất tích cực đến quá trình hoạt động lâu dài của Ngân hàng”, ông Kiêm nói.

Tổng kết cả quá trình sáp nhập cho thấy, 6 tháng kể từ ngày ký biên Bản ghi nhớ giữa SHB và Habubank về phương án sáp nhập, các bước của tiến trình sáp nhập đã diễn ra nhanh gọn, dưới sự giám sát của cơ quan quản lý và công khai với các cổ đông. Không mất nhiều chi phí, đơn giản chỉ là việc “kết hôn” để trở thành “người nhà”, SHB đã nhanh chóng vươn tầm trở thành một NHTM có quy mô vốn điều lệ hơn 8.860 tỷ đồng - một mức vốn không dễ đạt được trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện tại. Quan trọng hơn, đó không chỉ là sự “to” lên về thể xác.

Ông Phan Xuân Cần, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính Việt Nam (TigerInvest), một chuyên gia trong lĩnh vực M&A nhận xét: “Habubank sáp nhập vào SHB là một thương vụ của lý trí. Trong bối cảnh NHNN hạn chế các NHTM mở chi nhánh mới, việc nhận sáp nhập Habubank sẽ giúp SHB có ngay hệ thống các chi nhánh để hình thành mạng lưới kinh doanh rộng hơn. Vốn điều lệ, tổng tài sản, nguồn nhân lực đã tăng lên đáng kể sau thương vụ này. Mặt khác, dưới góc độ thương hiệu, thương vụ này đã nâng thương hiệu Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội lên một vị thế khác, cao hơn, quy mô và chuyên nghiệp hơn”.

Trên thực tế, báo cáo tổng kết một số chỉ tiêu hoạt động của SHB 1 tháng sau ngày nhận sáp nhập Habubank, từ 28/8/2012 đến 28/9/2012 cho thấy, dù vẫn còn hơi sớm để khẳng định mức độ thành công của thương vụ, nhưng đã phần nào chứng minh tính hợp lý của việc sáp nhập này (xem bảng).

SHB - Habubank: Giá trị cộng hưởng nhờ hợp tác chủ động ảnh 2

Điều đáng nói là chỉ trong vòng 1 tháng, tổng số nợ xấu của Habubank cũ đã được SHB sau sáp nhập thu hồi lên tới 448 tỷ đồng. Điều này có nghĩa, 11% vốn điều lệ của Habubank được thu hồi chỉ trong vòng 1 tháng, góp phần làm tăng đáng kể giá trị vốn chủ sở hữu của SHB so với thời điểm nhận sáp nhập, đồng thời làm tăng tính thanh khoản cho các tài sản của SHB. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy giá trị cộng hưởng của việc Habubank sáp nhập vào SHB và về cam kết giải quyết nợ xấu mà SHB đã công bố.

Tại cuộc họp báo diễn ra ngay sau khi thương vụ M&A SHB - Habubank được NHNN chấp thuận, Ban lãnh đạo SHB tự tin khẳng định, kế hoạch đưa nợ xấu của các đơn vị thuộc Habubank về dưới 10%, toàn hệ thống SHB về dưới 5% tổng dư nợ vào cuối năm 2012 sẽ thành công. Căn cứ chủ yếu của kế hoạch này là đặc trưng dư nợ của Habubank khá tập trung vào một nhóm khách hàng và SHB có năng lực, kinh nghiệm làm việc với khách hàng để giúp họ giải quyết khó khăn, từ đó thu hồi công nợ.

Câu chuyện nhận sáp nhập Habubank đang ở trong tình trạng ngập tràn nợ xấu của SHB thực sự là một thương vụ đầu tư lớn. Nếu không đủ mạnh về tài chính, kinh nghiệm và kiến thức, “khối u” nợ xấu của Habubank có thể sẽ nhấn chìm SHB. Nhưng ngược lại, SHB sẽ giống như người thu mua được tài sản tốt với chi phí hợp lý.

Cần thêm thời gian để thị trường kiểm định hiệu quả hoạt động của ngân hàng sau sáp nhập, nhưng bằng hành động, SHB đang nỗ lực cụ thể hóa tham vọng đứng vững trong nhóm những ngân hàng TMCP lớn nhất Việt Nam .

 

Ngày 26/10/2012, SHB niêm yết bổ sung 405 triệu cổ phiếu phát hành thêm, chính thức hoàn tất thương vụ M&A điển hình trong năm 2012. Trong khi SHB mở rộng được quy mô hoạt động, nâng tầm thương hiệu nhưng không phải mất chi phí (chỉ phát hành thêm cổ phiếu), thì HBB được xử lý các tồn tại về tài chính. Do đây là giao dịch sáp nhập tự nguyện, nên cơ quan quản lý không phải hỗ trợ về chi phí, mà chỉ giám sát hoạt động sáp nhập tuân thủ đúng quy định pháp luật. Quyền lợi của các cổ đông cũng được đảm bảo khi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu Habubank nhận được 0,75 cổ phiếu SHB, còn cổ đông SHB được nhận thêm 0,21% cổ phiếu SHB thay cho cổ tức của năm 2012.

Uyên Phạm
Uyên Phạm

Tin cùng chuyên mục