SHB giải tỏa 22,7 tỷ đồng cho Tổng công ty Sông Hồng: Vụ việc chưa khép lại

(ĐTCK) Trước thông tin về vụ tranh chấp giữa Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và CTCP Xây dựng Đô thị Sông Hồng (thuộc Tổng CTCP Sông Hồng) liên quan đến số tiền 22,794 tỷ đồng bị phong tỏa, SHB đã có thông tin chính thức về vấn đề này.
SHB giải tỏa 22,7 tỷ đồng cho Tổng công ty Sông Hồng: Vụ việc chưa khép lại

> Thép Sông Hồng: nợ quá hạn hơn 350 tỷ đồng, những ai là chủ nợ?

> Tổng công ty Sông Hồng bết bát vì "nhà đông con"

Sự việc bắt đầu khi CTCP Xây dựng đô thị Sông Hồng có thực hiện 1 gói thầu của dự án Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh mà TCT Sông Hồng là nhà thầu chính. Theo cam kết về ủy quyền thanh toán thì SHB thực hiện chuyển tiền tự động vào tài khoản duy nhất của CTCP Xây dựng đô thị Sông Hồng mở tại BIDV Thanh Xuân số tiền do chủ đầu tư tạm ứng, hoặc thanh toán sau khi giữ lại 1,5% giá trị trước thuế (khoản chi phí quản lý của công ty mẹ). Tuy nhiên, khi được chủ đầu tư thanh toán khoản tiền hơn 22,7 tỷ đồng, SHB đã phong tỏa và không chuyển tiền vào tài khoản của CTCP Xây dựng đô thị Sông Hồng. DN này đã gửi đơn kiện SHB ra TAND Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).

SHB giải tỏa 22,7 tỷ đồng cho Tổng công ty Sông Hồng: Vụ việc chưa khép lại ảnh 1

Nguyên nhân việc phong tỏa, theo thông tin từ SHB là ngày 4/4/2011, Tổng CTCP Sông Hồng đã ký thư bảo lãnh vay vốn cho CTCP Thép Sông Hồng với tổng hạn mức 100 tỷ đồng. Theo đó, nếu đến kỳ hạn trả nợ (nợ gốc, lãi và phí nếu có), mà CTCP Thép Sông Hồng không trả được nợ hoặc không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết với SHB thì Tổng CTCP Sông Hồng có trách nhiệm trả thay số tiền đến hạn.

SHB Hà Nội đã tiến hành thủ tục giải ngân cho CTCP Thép Sông Hồng và khoản vay trên đã quá hạn từ tháng 11/2011 trong khi Thép Sông Hồng không có khả năng trả nợ. SHB Hà Nội nhiều lần yêu cầu TCT Sông Hồng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, nhưng TCT chưa thực hiện. Do đó, ngày 5/4/2013, Chi nhánh SHB Hà Nội đã thực hiện tạm giữ số tiền 22,794 tỷ đồng trong tài khoản của TCT Sông Hồng mở tại SHB, nhằm yêu cầu Tổng công ty thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

SHB cho rằng, việc tạm giữ số tiền trên là phù hợp bởi TCT Sông Hồng chính là chủ hợp đồng kinh tế về việc thi công gói thầu số 8 của Dự án Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh. Do vậy, Ban Quản lý Dự án Công trình Xây dựng Bắc Ninh đã thanh toán số tiền trên cho TCT Sông Hồng và số tiền đó xuất phát từ chủ hợp đồng là TCT Sông Hồng, các đơn vị như CTCP Xây dựng Đô thị Sông Hồng chỉ là đơn vị được ủy quyền của TCT để thi công.

SHB đã nhiều lần yêu cầu TCT Sông Hồng đến làm việc để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh và làm rõ số tiền 22,794 tỷ đồng thuộc về đơn vị nào, nhưng TCT này bất hợp tác. Do đó, ngày 2/5/2013, SHB Hà Nội đã đệ đơn kiện TCT Sông Hồng ra TAND Quận Tây Hồ (Hà Nội) và được Tòa án thụ lý ngày 15/5/2013.

Mới đây, ngày 11/6/2013, TCT Sông Hồng đã có buổi làm việc với SHB và xác nhận số tiền trên là tiền được thanh toán từ gói thầu số 8 Dự án Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh, do TCT Sông Hồng là đơn vị ký hợp đồng thi công.

TCT Sông Hồng đã cam kết đưa ra các giải pháp thực hiện trách nhiệm bảo lãnh đối với khoản vay nợ tại Thép Sông Hồng và kiến nghị SHB giải tỏa số tiền 22,794 tỷ đồng để tháo gỡ khó khăn cho CTCP Xây dựng Đô thị Sông Hồng. SHB cho biết, trên cơ sở những cam kết đó, ngày 13/6/2013, SHB đã giải tỏa số tiền này.

Đây là một trong nhiều vụ tranh chấp bảo lãnh trên thị trường tiền tệ gần đây. Sự thương lượng và giải pháp hòa hoãn tạm được đưa ra, nhưng tranh chấp có thể còn kéo dài nếu như các bên không chủ động rút đơn kiện. ĐTCK sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc khi vụ việc có diễn biến mới.

Hoàng Duy
Hoàng Duy

Tin cùng chuyên mục