Sẽ điều chỉnh cơ cấu tín dụng ngân hàng thương mại

Cơ cấu tín dụng các ngân hàng thương mại sẽ được điều chỉnh; hạn mức tăng trưởng có thể cũng được điều chỉnh.
Riêng trong tháng 6, dư nợ cho vay sản xuất, chế biến và tiêu thụ cá tra, ba sa đã tăng 12% để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Riêng trong tháng 6, dư nợ cho vay sản xuất, chế biến và tiêu thụ cá tra, ba sa đã tăng 12% để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Theo một quan chức của Ngân hàng Nhà nước, thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại điều chỉnh mạnh cơ cấu tín dụng để đáp ứng được các nhu cầu vay vốn lưu động.

 

“Việc điều chỉnh này sẽ tập trung cho các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu và các nhu cầu vốn thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Sự điều chỉnh này có mục đích hỗ trợ duy trì đà tăng trưởng kinh tế”, quan chức trên cho biết.

 

Trên thực tế, sau 6 tháng đầu năm, cơ cấu tín dụng của các ngân hàng thương mại đã có xu hướng giảm dần tỷ trọng tín dụng trung, dài hạn và ngoại tệ; dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực phi sản xuất đã có sự dịch chuyển sang các lĩnh vực nói trên.

 

Cụ thể, sau 6 tháng đầu năm, dư nợ cho vay sản xuất đã tăng 20,6%, cho xuất khẩu tăng 31%, cho nông nghiệp và nông thôn tăng 19,75%.

 

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế đang có xu hướng giảm rõ rệt. Trong tháng 1 là 6,28% giảm dần theo các tháng tiếp theo, tương ứng là 2,35%, 3,78%, 3,36%, 1,59% và 1,22%.

 

Cũng theo vị quan chức trên, xu hướng giảm dần của tốc độ tăng trưởng tín dụng đang vận động theo mục tiêu chung của cả năm 2008 là không quá 30%. “Tuy nhiên, để tăng thanh khoản cho nền kinh tế, hỗ trợ các lĩnh vực trọng điểm và yêu cầu đặt ra ở một số đối tượng, hạn mức 30% có thể có sự “xê dịch” nhất định”, ông nói.

 

Ngoài ba khu vực ưu tiên (sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn), định hướng chung là các ngân hàng mở rộng cho vay các đối tượng là hộ nghèo, đối tượng chính sách để hỗ trợ vốn cho sản xuất các hộ gia đình, phục vụ an sinh xã hội. Tăng trưởng tín dụng của nhóm này trong 6 tháng đầu năm cũng ở mức khá cao, 13,8%.

 

Về khả năng “nới” thêm tốc độ tăng trưởng tín dụng, theo quan chức trên là khó xẩy ra, bởi chính sách tiền tệ đang tập trung cho mục tiêu hàng đầu là kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, trước những vấn đề phát sinh quan trọng, trước nhu cầu vốn cấp thiết từ một số nhóm đối tượng, thì có thể có điều chỉnh hợp lý.

 

Tiêu biểu như kế hoạch đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân giải quyết khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ cá tra, cá ba sa thời gian qua.

 

Riêng trong tháng 6/2008, các ngân hàng thương mại đã tăng hạn mức tín dụng trên 2.400 tỷ và giải ngân cho vay các doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu mặt hàng trên tại địa bàn 8 tỉnh, thành phố ở ĐBSCL là 1.272 tỷ đồng; dư nợ cho vay liên quan cũng đã tăng 12% so với thời điểm 1/6/2008…

 

Bên cạnh định hướng điều chỉnh cơ cấu tín dụng thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cũng bám sát thực tế tình hình dư nợ ở các ngành hàng, lĩnh vực để có chỉ đạo kịp thời.

 

Định kỳ vào ngày 10 hàng tháng, các ngân hàng thương mại phải báo cáo về Ngân hàng Nhà nước tình hình dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét xử lý.


VNE

Tin cùng chuyên mục