Sau lãi suất tiền gửi bằng vàng, USD, sẽ đến lượt VND?

(ĐTCK-online) Chuẩn bị cho việc thực các quy định của Thông tư 13/2010/TT-NHNN, các ngân hàng đang tăng cường huy động để tăng nguồn vốn, đồng thời dè dặt mở rộng cho vay. Điều này khiến việc giảm lãi suất khó có thể được thực hiện, mà ngược lại, còn có thể tăng lên.
Lãi suất huy động USD đã được nhiều ngân hàng rục rịch tăng, gây sức ép lên lãi suất VND - Ảnh minh họa: Đức Thanh Lãi suất huy động USD đã được nhiều ngân hàng rục rịch tăng, gây sức ép lên lãi suất VND - Ảnh minh họa: Đức Thanh

Lãi suất huy động USD và vàng đã được nhiều ngân hàng rục rịch tăng, càng gây sức ép lên lãi suất VND ở cả "đầu vào" và "đầu ra" của ngân hàng.

Cạnh tranh về huy động vốn dần nóng lên khi các ngân hàng đẩy mạnh khuyến mãi, nhằm gia tăng sức hút đối với tiết kiệm tiền đồng. Chẳng hạn, tại OCB có chương trình tiết kiệm “Đa năng - Vạn lợi”, với lãi suất không kỳ hạn áp dụng lên đến 5,8%/năm. Sacombank, ACB, Eximbank… đều áp dụng khuyến mãi cho khách hàng gửi tiền, ngoài mức lãi suất đồng thuận 11,2%/năm cho các kỳ hạn hiện nay.

Lãi suất tiết kiệm VND theo xu hướng nhích lên thông qua hình thức khuyến mãi, quà tặng. Một số ngân hàng còn tặng tiền mặt cho khách hàng gửi tiền. Trước sức nóng của lãi suất tiền gửi ngoại tệ hiện nay (mức cao nhất được các nhà băng áp dụng lên gần 5,5%năm), áp lực tăng lãi suất tiết kiệm tiền đồng ngày một gia tăng. Mặc dù mục tiêu kỳ vọng lạm phát năm nay chỉ ở mức 7 - 7,5%, nhưng theo TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, không nên chủ quan với khả năng tái lạm phát cao. Vì thế, với mức lãi suất tiền gửi mà các ngân hàng đang áp dụng hiện nay (bình quân 11 - 11,2%/năm), nếu trừ mức kỳ vọng lạm phát thì lãi suất thực dương là 4%/năm, nhưng tâm lý khách hàng gửi tiền hiện nay vẫn muốn hưởng lãi suất cao hơn.

Các ngân hàng đang tìm mọi cách cạnh tranh thu hút vốn khiến lãi suất bị méo mó. Hiện lãi suất tiền gửi dài hạn và ngắn hạn đều được các ngân hàng áp dụng đồng đều 11 - 11,2%/năm. Nếu cộng tất cả các quyền lợi gắn với các hình thức khuyến mại, lãi suất thực đối với huy động vốn hiện cao hơn nhiều so với mức đồng thuận 11,2%/năm. Đồng thời, tiền gửi dài hạn cũng được biến đổi thành ngắn hạn, nhằm linh hoạt đồng vốn, tăng sức hút người gửi tiền.

Theo đánh giá của TS Lê Xuân Nghĩa, cạnh tranh về lãi suất tiền gửi sẽ còn gay gắt hơn nếu không có sự chỉnh sửa một số quy định trong Thông tư 13. Rủi ro lãi suất có thể tích tụ nợ xấu và thực tế hiện nay, không phải ngân hàng nào cũng tuân thủ quy định tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn (theo quy định hiện nay, ngân hàng không được dùng quá 30% vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn).

Từ những lý do trên, lãi suất cho vay thỏa thuận tiền đồng khó được điều chỉnh giảm như kỳ vọng. Mức bình quân được ngân hàng áp dụng hiện nay 14 - 15,5%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp và 15 - 17%/năm cho khách hàng cá nhân được các chuyên gia kinh tế đánh giá là quá sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường hiện nay. Đáng chú ý là khi thị trường xuất khẩu chưa được cải thiện trước tình hình kinh tế Mỹ và châu Âu phục hồi chậm, doanh nghiệp e ngại trong việc tiếp cận vốn vay, còn ngân hàng khó tăng trưởng được dư nợ tín dụng.

Chủ trương giảm lãi suất đã được Chính phủ đặt ra khá lâu, nhưng đến nay vẫn chưa làm được và có thể trong thời gian tới cũng thế.                

Thùy Vinh
Thùy Vinh

Tin cùng chuyên mục