Sẵn sàng các gói vay nghìn tỷ để đẩy lùi tín dụng đen

(ĐTCK) Song hành cùng các ngân hàng chủ lực của nhà nước cung ứng vốn cho nông dân, người nghèo ở khu vực vùng sâu, vùng xa, các ngân hàng thương mại cổ phần, công ty tài chính, hội, đoàn thể đang chung sức hạn chế tín dụng đen. 
Sẵn sàng các gói vay nghìn tỷ để đẩy lùi tín dụng đen

Gói tín dụng từ 500 -  5.000 tỷ đồng đã sẵn sàng

Tại Hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức cuối tuần qua, bà Lê Thị Thanh Nga, Phó tổng giám đốc LienVietPostBank cho biết, Ngân hàng đã và đang triển khai mạnh mẽ, đa dạng các sản phẩm tín dụng phục vụ các mục đích tiêu dùng cũng như sản xuất - kinh doanh của khách hàng.

LienVietPostBank cung ứng tất cả các sản phẩm tín dụng tiêu dùng truyền thống như cho vay mua nhà, cho vay xây dựng/sửa chữa nhà, cho vay mua ô tô, cho vay tiêu dùng phục vụ nhu cầu du học, du lịch, khám chữa bệnh, mua sắm trang thiết bị gia đình, cho vay theo phương thức thấu chi tài khoản, phát hành thẻ tín dụng…

Ðồng thời, LienVietPostBank còn có các sản phẩm cho vay đặc thù, không cần tài sản đảm bảo phục vụ mục đích tiêu dùng. Bên cạnh đó, LienVietPostBank cung ứng tất cả các sản phẩm tín dụng sản xuất - kinh doanh truyền thống như cho vay bổ sung vốn lưu động, cho vay đầu tư tài sản cố định, cho vay ô tô kinh doanh…; cho vay nông nghiệp - nông thôn cho chính sách của NHNN; cho vay tái canh cây cà phê, cho vay chăm sóc hồ tiêu, cao su; cho vay đầu tư và phát triển cây mắc ca… trên cơ sở hai phương thức quản lý khoản vay, gồm khách hàng có thể giao dịch giải ngân và thu nợ tại quầy hoặc qua tài khoản Ví Việt.

“LienVietPostBank đã giải quyết nhu cầu tín dụng cho gần 32.000 lượt vay của khách hàng, góp phần cải thiện đời sống của những đối tượng chính sách, đặc biệt là các hộ nghèo ở các vùng sâu, vùng xa… Trong năm 2019, LienVietPostBank dự kiến sẽ tiếp tục đẩy mạnh cho vay khu vực Tây Nguyên với gói tín dụng dự kiến 5.000 tỷ đồng cho vay phục vụ sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng”, bà Nga nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ðình Ðức, Phó tổng giám đốc HD Saison cho biết, HD Saison tiếp tục mở rộng mạng lưới hoạt động tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm cung cấp các sản phẩm tín dụng tiêu dùng phục vụ đời sống cho người dân có thu nhập trung bình thấp và có nhu cầu vay vốn cao, nhưng không đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng thương mại.

“HD Saison dành ngân sách 500 tỷ đồng cho gói tín dụng với lãi suất thấp ưu đãi cho mục đích vay để học nghề tại các trường nghề; tập trung cho vay những khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi bà con dân tộc còn gặp nhiều khó khăn và dễ bị chào mời bởi các thành phần xã hội hoạt động tín dụng đen”, ông Ðức nói. 

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Là một trong những tổ chức đi đầu trong lĩnh vực tài chính vi mô của Việt Nam, bà Hồ Thị Quý, Ủy viên đoàn chủ tịch, Trưởng ban Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho biết, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có những quỹ ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện cho chị em vay vốn với những mức nhỏ, đặc biệt là mức hoàn trả có thể theo tuần, tháng, ngày.

“Thông qua hoạt động của các tổ này, Hội còn có những hoạt động giáo dục, quản lý, tiết kiệm trong gia đình, chi tiêu như thế nào để đảm bảo cho gia đình có một nền tài chính vững chắc”, bà Quý nói.

Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh giáo dục tài chính, tập trung tuyên truyền, phổ biến trong hội viên, phụ nữ về nhận diện tác hại, hậu quả, thủ đoạn hoạt động của “tín dụng đen”; vận động hội viên phụ nữ và người thân trong gia đình không thực hiện hoạt động vay, cho vay tiền với lãi suất cao hơn quy định của Nhà nước.

Ông Lê Minh Hưng, Thống đốc NHNN nhấn mạnh, các tổ chức chính trị xã hội như Trung ương Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Tổng liên đoàn lao động, Ðoàn Thanh niên tiếp tục phối hợp với ngành ngân hàng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các chính sách của ngành ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng của người dân; tăng cường các nguồn vốn và các sản phẩm cho vay thông qua các quỹ tài chính của tổ chức mình để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu vay vốn của công nhân, người lao động, phụ nữ nghèo.

“Tôi hy vọng rằng, với những giải pháp mở rộng tín dụng của ngành ngân hàng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị sẽ giúp người dân hiểu, nhận diện và dần bài trừ nạn tín dụng đen”, Thống đốc NHNN nhấn mạnh.                 

Nhằm cung cấp các thông tin hữu ích tới bạn đọc và người dân, Báo Đầu tư sẽ tổ chức cuộc Tọa đàm về hoạt động cho vay tiêu dùng năm thứ ba với chủ đề “Phát triển Tín dụng tiêu dùng – Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen” vào hồi 9h ngày 15/3 (thứ Sáu) tại trụ sở Báo Đầu tư – 47, Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội.

Tham dự Tọa đàm có các chuyên gia kinh tế tài chính hàng đầu hiện nay gồm TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương; Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước; TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, LS. Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành BASICO, và nhiều chuyên gia, lãnh đạo các tổ chức tài chính lớn hiện nay.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục