Rủi ro lớn từ chậm xử lý nợ xấu

(ĐTCK) Dù đã đạt được những kết quả nhất định trong quá trình xử lý nợ xấu nói riêng và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng nói chung, song tiến trình đó vẫn diễn ra quá chậm và có thể gây rủi ro lớn cho nền kinh tế.
Rủi ro lớn từ chậm xử lý nợ xấu

Đó là nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa, và theo ông, sở hữu chéo chính là một trong những rào cản của quá trình tái cơ cấu ngân hàng.

Rủi ro lớn từ chậm xử lý nợ xấu ảnh 1VAMC cần có thêm nguồn tài chính để có thể xử lý nợ xấu nhanh và hiệu quả hơn

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng: có kết quả nhưng chưa vững chắc

Báo cáo của NHNN cho biết, tính đến nay, NHNN đã xử lý căn bản 8/9 TCTD yếu kém. Đối với TCTD còn lại, NHNN đang xem xét, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phương án để TCTD này tự củng cố, chấn chỉnh trên cơ sở có sự tham gia vốn của TCTD nước ngoài. Trong 8 tháng đầu năm 2013, NHNN tiếp tục thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ và chỉ đạo hệ thống các TCTD Việt Nam . Về cơ bản, các TCTD tiếp tục hoạt động ổn định, chất lượng hoạt động đang dần được cải thiện; đến thời điểm 31/7/2013, tổng vốn điều lệ toàn hệ thống là 404,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,49 nghìn tỷ đồng (2,66%) so với cuối năm 2012.

Đối với vấn đề xử lý nợ xấu, ngay sau khi Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD (theo Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ) được ban hành, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Đề án xử lý nợ xấu của các TCTD và Đề án thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC). VAMC đã chính thức đi vào hoạt động với nguyên tắc lấy thu bù chi, không vì mục tiêu lợi nhuận, công khai, minh bạch và hạn chế rủi ro, chi phí trong xử lý nợ xấu.

“Nhờ triển khai quyết liệt, mạnh mẽ các giải pháp xử lý nợ xấu nên tốc độ gia tăng nợ xấu đã giảm dần. Đến cuối tháng 7/2013, theo báo cáo của các TCTD, tổng nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD là 138,98 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,58% tổng dư nợ”, lãnh đạo cao cấp Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN cho biết.

Đặc biệt, NHNN cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng các TCTD vẫn tích cực gia tăng trích lập dự phòng rủi ro để tạo nguồn xử lý nợ xấu và đã chủ động xử lý một khối lượng lớn nợ xấu bằng nguồn dự phòng. Cụ thể, tổng nợ xấu được xử lý bằng dự phòng rủi ro và đưa ra theo dõi ngoại bảng trong năm 2012 và 7 tháng đầu năm 2013 là 86,3 nghìn tỷ đồng (năm 2012 là 69,2 nghìn tỷ đồng và 7 tháng đầu năm 2013 là 17,1 nghìn tỷ đồng). Tổng số dư dự phòng còn lại đến cuối tháng 7/2013 là 75,05 nghìn tỷ đồng, tăng 10,85 nghìn tỷ so cuối năm 2012.

Tuy nhiên, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) cho rằng, việc xử lý nợ xấu chậm và thiếu triệt để có thể tạo ra rủi ro lớn cho nền kinh tế.

 

Sở hữu chéo cản trở quá trình tái cơ cấu ngân hàng

TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích, việc xử lý nợ xấu chậm và thiếu triệt để hiện nay do thiếu đồng thuận về chính sách, thiếu nguồn lực tài chính an toàn. Bên cạnh đó, nợ xấu xây dựng cơ bản của ngân sách chưa có định hướng xử lý, thị trường mua bán nợ kém phát triển và nhà đầu tư nước ngoài thiếu khung pháp lý để tham gia thị trường an toàn, nợ xấu tiềm tàng rất lớn từ các tập đoàn tư nhân và nhà nước.

Đặc biệt, tái cơ cấu sở hữu còn nhiều trở ngại bởi sở hữu chéo và lũng đoạn ngân hàng rất lớn và kéo dài. Thiếu minh bạch về nguồn gốc vốn góp (năng lực vốn ảo), thiếu chế tài để xử lý các vấn đề sở hữu triệt để, trong khi đó, công tác giám sát sở hữu ngân hàng chưa hiệu quả. Quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro yếu kém có tính hệ thống cũng bởi sở hữu chéo và lũng đoạn đã cản trở việc cải thiện quản trị và quản lý rủi ro ở một số NHTM…

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, có nhiều yếu tố hỗ trợ việc thực hiện thành công kế hoạch tái cấu trúc hệ thống ngân hàng bởi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng ổn định và khá bền vững; xuất khẩu tăng nhanh trở lại từ tháng 9; công nghiệp chế biến và chế tạo tăng khả quan; chỉ số PMI tăng trở lại sau 4 tháng dưới 50 điểm (51,5). Lãi suất hiện nay giảm và ổn định cùng với tỷ giá hối đoái ổn định khá vững. Đầu tư công sẽ tăng từ năm 2014 (từ 235 lên 257 nghìn tỷ đồng) và dự báo việc xử lý nợ qua VAMC sẽ tăng tốc. Khung pháp lý để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được hoàn thiện và đặc biệt, lòng tin của các nhà đầu tư và người tiêu dùng dần được phục hồi…

Để có thể thúc đẩy mạnh hơn quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, TS. Nghĩa cho rằng, trong việc xử lý nợ xấu, cần giải tỏa những lo ngại của ngân hàng và doanh nghiệp khi bán nợ cho VAMC và phải có thêm nguồn lực tài chính ngoài trái phiếu đặc biệt để xử lý nợ xấu, chẳng hạn phát hành trái phiếu chính phủ hoặc bán tài sản nhà nước (thoái vốn, bán DNNN, bất động sản...) để hỗ trợ vốn cho VAMC. Ngoài ra, cần có cơ chế cụ thể hơn về bảo lãnh tín dụng áp dụng cho VAMC với thủ tục đơn giản, hiệu quả để tái cơ cấu doanh nghiệp; cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục sang nhượng, chuyển đổi tài sản áp dụng đặc biệt cho VAMC; có chính sách khuyến khích thị trường mua bán nợ, như chính sách thuế, chính sách sở hữu hoặc thuê tài sản đối với người nước ngoài...

“Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống quản trị và hiện đại hóa hệ thống ngân hàng, cần khoanh vùng để tiến hành điều tra toàn diện về cơ cấu sở hữu ngân hàng và có lộ trình xử lý dứt điểm tình trạng sở hữu chéo, sở hữu chi phối ngân hàng để xử lý; bổ sung Luật các TCTD về sở hữu và chế tài xử lý vi phạm; kiểm soát chặt chẽ tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp có liên quan đến góp vốn vào ngân hàng, có chế tài nghiêm về vi phạm lĩnh vực này…”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.       

Hồng Dung
Hồng Dung

Tin cùng chuyên mục