Ra mắt sách Ngân hàng số: Từ đổi mới đến cách mạng

(ĐTCK) Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng (VNUHCM-IBT) vừa ra mắt sách Ngân hàng số: Từ đổi mới đến cách mạng, nhằm cung cấp toàn cảnh, cập nhật về sự phát triển của khu vực tài chính toàn cầu trong làn sóng cách mạng công nghệ và các thách thức cho mô hình ngân hàng truyền thống

Việc ứng dụng công nghệ để đổi mới sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đã diễn ra từ hơn nửa thế kỷ trước nhưng chỉ khi Fintech phát triển mạnh, trở thành nền tảng thì sự tiến hóa (evolution) trong ngành ngân hàng mới trở thành một cuộc cách mạng (revolution).

Chuyển đổi số không chỉ là một cuộc cách mạng công nghệ thuần túy, không đơn giản chỉ là chuyển dữ liệu thành dạng số mà còn đòi hỏi nâng cao trải nghiệm (experience-driven banking) bao gồm cả trải nghiệm khách hàng (customer experience) lẫn trải nghiệm triển khai (execution experience).

Ngân hàng số cho phép khách hàng tự phục vụ, theo thời gian thực, trên nhiều thiết bị, trong môi trường bối cảnh tùy biến (contextual environment) để tạo ra các trải nghiệm cá nhân phù hợp.

"Ngân hàng số: Từ đổi mới đến cách mạng" là cuốn sách đầu tiên về Digital Banking, Cryptocurrency, Mobile Money, Central Bank Digital Currency và Fintech của các tác giả ở Việt Nam, cập nhật toàn cảnh về sự phát triển của khu vực tài chính toàn cầu trong làn sóng cách mạng công nghệ.

Ra mắt sách Ngân hàng số: Từ đổi mới đến cách mạng  ảnh 1

Cuốn sách cho thấy, các ngân hàng lớn đã từng phớt lờ trước sự trỗi dậy của các công ty Fintech và các công ty Fintech đã tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ như thế nào nhờ sáng tạo sản phẩm vượt trội các ngân hàng truyền thống.

Áp lực chuyển đổi số, chiến lược chuyển đổi số của ngân hàng và viễn cảnh sử dụng Big data, AI, Machine learning trong quản trị ngân hàng là nội dung quan trọng của sách.

Tiền mật mã (Cryptocurrency), tiền số của ngân hàng trung ương (Central Bank Digital Currency), tiền điện tử trên thuê bao di động (Mobile money), ví điện tử (Mobile wallet), chuyển tiền ngang hàng (Peer-to-Peer transfer), thanh toán di động (Mobile payment), cho vay ngang hàng (Peer-to-Peer lending), huy động vốn cộng đồng (Equity-based crowdfunding).... là những sản phẩm tài chính số hóa và  mô hình dựa trên công nghệ được các tác giả phân tích tỉ mỉ, diễn đạt đơn giản để ngay cả người ngoài ngành vẫn có thể hiểu được tường tận.

Sự phát triển quá nhanh của Fintech gây nhiều lúng túng cho các nhà hoạch định chính sách ở cả các nước phát triển lẫn đang phát triển.

Các tác giả đã cho thấy, mức độ phản ứng, ứng xử của chính phủ các nước đối với các ứng dụng của Fintech trong hoạt động ngân hàng là rất khác nhau, tùy thuộc vào khuôn khổ thể chế, trình độ phát triển, năng lực quản trị, các đặc trưng của khu vực tài chính, cơ cấu kinh tế, nhân khẩu học và kể cả khẩu vị rủi ro.

Các quốc gia cần phải liên tục theo dõi sự phát triển, đầu tư cho nghiên cứu chính sách, thử nghiệm và học hỏi (test and learn) nhằm sớm có phản ứng phù hợp, cần thiết đối với những thay đổi diễn ra ở các quốc gia khác cũng như xu thế chung trên thế giới và rất nhiều hàm ý chính sách khác đã được các tác giả gửi gắm trong 344 trang sách. 

Sách có nội dung phong phú, cung cấp nhiều kiến thức bổ ích, cập nhật và được viết cô đọng, dễ hiểu vì vậy thích hợp cho mọi đối tượng quan tâm đến Fintech và tương lai ngành ngân hàng. 

Các tác giả là những chuyên gia giàu kinh nghiệm của Trường Đại học Kinh tế - Luật, Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng, Đại học Quốc gia TP.HCM. 

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục