Phụ phí thanh toán thẻ: Khách hàng bị “móc túi”

(ĐTCK) Mấy năm gần đây, cùng với sự gia tăng về số lượng ngân hàng, số lượng thẻ ATM cũng tăng mạnh. Tuy nhiên, cho đến nay, việc phát triển dịch vụ này vẫn chưa thực sự xứng tầm với tốc độ phát triển kinh tế và quy mô dân số của Việt Nam.

Tính đến nay, có khoảng 40 tổ chức phát hành thẻ, với khoảng 150 thương hiệu thẻ khác nhau. Cả nước có hơn 6.000 máy ATM và 25.000 máy POS. Trong các loại thẻ do tổ chức trong nước phát hành, thẻ ghi nợ nội địa chiếm 95,21%, thẻ ghi nợ quốc tế 2,72%, còn lại là thẻ tín dụng quốc tế, tín dụng nội địa... Song có một thực tế, số lượng thẻ ngày càng tăng, chủ thẻ càng gặp nhiều trục trặc khi sử dụng. Rút tiền từ các máy ATM thì bị nuốt thẻ, máy hết tiền, thậm chí còn bị... điện giật. Dùng thẻ để trả tiền trực tiếp thì bị thu thêm phụ phí, điều đáng nói là việc thu phụ phí ngày càng tăng, khách hàng trả phần phí này thực ra đã bị “móc túi” một cách công khai. 

Trao đổi với ĐTCK, đại diện VIB Bank - một trong những nhà băng đã nhận được kiến nghị của khách hàng về vấn đề này cho biết, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức thẻ quốc tế như Mastercard, Visa và các ngân hàng phát hành thẻ thì các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ không được thu "phí sử dụng thẻ" hay còn gọi là phụ phí đối với các khách hàng thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ so với thanh toán bằng tiền mặt.

Tuy nhiên, theo số liệu điều tra của các tổ chức thẻ quốc tế, tại Việt Nam có tới 55% đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ đang thu phụ phí của khách hàng thanh toán bằng thẻ với mức thu từ 2% - 3%, thậm chí một số cửa hàng còn thu tới 5% giá trị giao dịch. Phụ phí có thể được các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ tính gộp trong giá bán sản phẩm, nếu khách hàng thanh toán bằng tiền mặt sẽ được ưu đãi giảm giá, hoặc được coi là phí dịch vụ (service fee), một số đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ còn ghi luôn là "phí tiện ích thanh toán thẻ".

Được biết,  khi ký kết hợp đồng chấp nhận thanh toán thẻ thì giữa ngân hàng phát hành thẻ và đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ cũng đã có những thỏa thuận, như đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ đó sẽ bị phạt hoặc chấm dứt hợp đồng thanh toán chấp nhận thẻ với ngân hàng, đồng thời ngân hàng thanh toán quản lý đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ đó cũng sẽ bị phạt tiền mức tối thiểu là 15 triệu VND đối với mỗi đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ vi phạm. Tuy nhiên, những trường hợp bị phạt và hủy bỏ hợp đồng vì vi phạm thu phí thanh toán thẻ đến nay chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Lý do mà các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ đưa ra để thu khoản phụ phí này là để bù đắp cho chi phí mà họ trả cho ngân hàng thanh toán đối với mỗi giao dịch thanh toán thẻ.

Đại diện VIB Bank cho rằng, lý lẽ này là không thỏa đáng, bởi vì nhờ tiện ích thanh toán thẻ mà các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ có thể bán được nhiều hàng hơn, doanh thu tăng lên (đối tượng khách hàng là những người giàu có trong giới kinh doanh, đặc biệt là những người nước ngoài có thói quen chi tiêu bằng thẻ). Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có một quy định nào về việc bồi hoàn lại số tiền phụ phí cho khách hàng, nên những khách hàng đã bị "móc túi" những khoản thu này vẫn đang là người chịu thiệt. Theo VIB Bank, trong trường hợp bị thu phụ phí khi thanh toán bằng thẻ, tốt nhất khách hàng nên từ chối mua hàng ở cửa hàng đó. Nếu chấp nhận trả phụ phí thì hãy giữ lại hóa đơn và các bằng chứng về việc bị thu phụ phí gửi cho ngân hàng phát hành thẻ để ngân hàng có cơ sở khiếu nại đến các bên liên quan.

Tại Việt Nam, thẻ quốc tế có hai dòng ghi nợ và tín dụng với nhiều thương hiệu khác nhau như Visa, Master, American Express… Thẻ quốc tế có thể sử dụng thanh toán khắp nơi trên thế giới, trong trường hợp cần thiết có thể rút tiền mặt để chi tiêu. Nếu dùng thẻ quốc tế (hoặc thẻ nội địa) để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ thì không phải trả phí. Nhưng nếu dùng thẻ quốc tế để rút tiền thì tại Việt Nam hay bất cứ nước nào, chủ thẻ cũng phải chịu phí rất cao từ ngân hàng phát hành thẻ và ngân hàng thanh toán, vì trên thế giới không khuyến khích giao dịch tiền mặt.       

Gia Linh
Gia Linh

Tin cùng chuyên mục