Phát triển ngân hàng, không thể dựa vào hệ thống chi nhánh

“ANZ không tin là chỉ dựa vào hệ thống chi nhánh, văn phòng đại diện mà ngân hàng sẽ phát triển được. Theo chúng tôi, các kênh phân phối hiện đại như Internet banking, Contact central, Mobile banking với sự tiện lợi và tính hiệu quả cao sẽ dần thay thế hệ thống chi nhánh”.
Phát triển ngân hàng, không thể dựa vào hệ thống chi nhánh

 

Đó là quan điểm của ông Sanjoy Sen, Tổng giám đốc Khối Ngân hàng cá nhân ANZ khu vực châu Á - Thái Bình Dương về chiến lược phát triển dịch vụ ngân hàng cá nhân.

Phát triển ngân hàng, không thể dựa vào hệ thống chi nhánh ảnh 1

- Thái Bình Dương trong lĩnh vực ngân hàng cá nhân.

Trong giai đoạn kinh tế đang còn nhiều khó khăn như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, lĩnh vực ngân hàng bán lẻ/ngân hàng cá nhân khó phát triển mạnh như thời gian trước. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Sự phát triển của ngân hàng bán lẻ có liên hệ mật thiết với sự phát triển của nền kinh tế. Một nền kinh tế tăng trưởng tốt, tỷ lệ công việc cao, các yếu tố kinh tế vĩ mô khác tốt sẽ là nền tảng vững chắc để các dịch vụ ngân hàng bán lẻ phát triển.

Việt Nam là thị trường mới nổi, với quy mô dân số lớn, cơ cấu dân số trẻ, tăng trưởng kinh tế ổn định, Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển ngân hàng bán lẻ. Tuy nhiên, vấn đề này cần một cách tiếp cận dài hạn, chứ không thể ngắn hạn.

Hiện người dân Việt Nam cũng như người dân trong khu vực châu Á đang có mức độ nợ khá thấp, đây là một lợi thế không nhỏ để ngân hàng bán lẻ phát triển. Để phát triển khối ngân hàng bán lẻ, cần tạo thói quen tiết kiệm và đầu tư cho khách hàng cá nhân. Việt Nam là thị trường mới nổi có nhiều kênh để người dân đầu tư như: cổ phiếu, bất động sản, vàng, ngoài ra còn có nhiều kênh đầu tư mới như quỹ đầu tư, thị trường trái phiếu... Những kênh đầu tư này còn phát triển nữa trong tương lai, kéo theo đó là nhu cầu về các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cũng sẽ phát triển theo

Tuy nhiên, người dân Việt Nam vẫn có thói quen tiêu dùng tiền mặt, thưa ông?

Đúng là thị trường ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam đang vấp phải trở ngại lớn từ thói quen tiêu tiền mặt của người dân. Điều này cũng đúng với các thị trường mới nổi khác. 20 năm trước, khi tôi còn làm việc tại một ngân hàng toàn cầu khác ở Ấn Độ, tôi phát hiện ra rằng, trở ngại trong việc phát triển mạng lưới thẻ không phải từ sự cạnh tranh của các ngân hàng khác, mà chính là thói quen dùng tiền mặt của người dân.

Tuy nhiên, tôi tin rằng, khi nền kinh tế phát triển hơn, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cũng đa dạng hơn, tiện lợi hơn thì thói quen này sẽ dần thay đổi.

 

Ông có thể chia sẻ về chiến lược ngân hàng bán lẻ/ngân hàng cá nhân của ANZ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là tại Việt Nam?

Trong số 28 quốc gia tại khu vực châu Á -Thái Bình Dương, ANZ đang có hoạt động, dịch vụ ngân hàng bán lẻ ở 21 quốc gia. Ngân hàng muốn tập trung vào thị trường có tốc độ tăng trưởng cao, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, ANZ chỉ tập trung vào phân khúc khách hàng nhất định, đó là tầng lớp người có thu nhập khá và thu nhập cao trong xã hội, đó là đối tượng khách hàng có thu nhập từ 8 triệu đồng/tháng trở lên.

ANZ không tin rằng, chỉ dựa vào hệ thống chi nhánh, văn phòng đại diện rộng khắp mà ngân hàng có thể phát triển được. Theo chúng tôi, các kênh phân phối hiện đại như Internet banking, Contact center, Mobile banking với sự tiện lợi và tính hiệu quả cao sẽ dần thay thế hệ thống chi nhánh.

Đặc biệt, để thu hút được khách hàng, cần liên tục đổi mới sản phẩm như đưa ra các sản phẩm đầu tư cấu trúc, đầu tư song tệ, cho vay mua nhà và các dịch vụ thẻ.

Tóm lại, ANZ có chiến lược trở thành một ngân hàng cốt lõi của nhóm khách hàng “có của ăn của để”, những người có thu nhập khá và cao.

 

Như vậy, các ngân hàng Việt Nam, theo ông, sẽ chịu sức ép gì hay hưởng lợi gì từ chiến lược này của ANZ?

Với chiến lược như trên, đương nhiên ANZ sẽ không chiếm một thị phần lớn ở Việt Nam, nhưng điều quan trọng là ANZ biết đang ở sân chơi nào và chơi sân chơi đó ra làm sao. ANZ tự hào đang đi những bước lớn trong nhóm khách hàng trọng điểm đang hoạt động. Một ví dụ cụ thể là ANZ vừa được Tạp chí Asian Banker bình chọn là ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam năm 2013. Đó là một minh chứng rõ nét cho thấy, nếu tập trung vào một chiến lược và hoạt động có trọng điểm, làm tốt thì sẽ không nhất thiết phải có một thị phần lớn ở Việt Nam, nhưng vẫn có thể thành công.

Ở bất kể thị trường nào mà ANZ có sự hiện diện, ANZ luôn là ngân hàng đi tiên phong trong lĩnh vực bán lẻ và mang lại kinh nghiệm tốt nhất, thông lệ mới nhất cho thị trường. Điều này giúp cho thị trường ngân hàng nội địa phát triển và mang lại lợi ích cho khách hàng.

Ông Sanjoy Sen là người có kinh nghiệm 21 năm ở các thị trường châu Á

Hồng Dung thực hiện
Hồng Dung thực hiện

Tin cùng chuyên mục