Phát mại tài sản thế chấp, sao phải chịu thuế?

(ĐTCK-online) Bộ Tài chính vừa công bố Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung về thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với các tổ chức tín dụng. Trong đó, tại Điều 3, Điểm 4 quy định, các hoạt động kinh doanh thuộc đối tượng chịu thuế GTGT bao gồm việc bán tài sản đảm bảo tiền vay để thu hồi nợ.
Phát mại tài sản thế chấp, sao phải chịu thuế?

Chủ tịch Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản của một ngân hàng TMCP cho rằng, nếu Thông tư này chính thức ban hành, đáng lẽ tài sản bán ra trước kia là 1 tỷ đồng sẽ phải nâng lên thành 1,1 tỷ đồng. Nghĩa là người mua sẽ phải gánh chịu thêm khoản thuế này. Song vấn đề khó khăn là người mua có chấp nhận điều này hay không? Bởi trên thực tế, có những tài sản đảm bảo không tốt nên phát mại rất khó khăn. Khi bán tài sản thế chấp, ngân hàng cũng phải tham gia hỗ trợ khách hàng, do vậy, vô hình chung, khó khăn, áp lực, thiệt thòi sẽ do ngân hàng chịu.

Theo ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, thuế GTGT áp dụng cho hàng hoá, dịch vụ dùng cho sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng. Còn phát mãi tài sản không phải là hoạt động giao dịch kinh doanh trực tiếp, mà đơn giản chỉ là việc các ngân hàng thu hồi nợ, nên việc đánh thuế là không hợp lý. Bên cạnh đó, tài sản dùng để thế chấp tại ngân hàng, người dân đã phải chịu thuế khi mua, nếu phải chịu thêm một khoản thuế nữa là chồng thuế.

Đồng tình với quan điểm này, một luật sư cho rằng, việc phát mại tài sản là việc làm "cực chẳng đã" để các ngân hàng có thể thu hồi vốn chứ không nhằm mục đích sinh lời. Bởi tài sản này nếu bán ra cũng không bao giờ thu được đủ cả vốn lẫn lãi của ngân hàng. Nên việc thu thuế GTGT là không đúng với tiêu chí của khoản thuế này. Vị luật sư băn khoăn đặt ra câu hỏi, liệu đây có phải là quan điểm tận thu của Bộ Tài chính?

"Trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, quan điểm tận thu là không thể chấp nhận được. Tôi không đồng ý với việc đánh thuế GTGT đối với việc bán tài sản đảm bảo tiền vay để thu hồi nợ", vị luật sư trên nhấn mạnh.

Với những lý do trên, theo ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), nếu Thông tư chính thức được ban hành, sẽ không khuyến khích doanh nghiệp phát triển kinh doanh, giảm khả năng thu hồi nợ và nợ xấu lại gia tăng trong hệ thống ngân hàng.

Nhằm cung cấp thêm một cái nhìn đa chiều, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng có nhiều năm làm việc ở nước ngoài cho biết, theo thông lệ quốc tế, khách hàng thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng, trong trường hợp vỡ nợ, ngân hàng có quyền siết nợ, tịch biên và phát mại tài sản để thu hồi nợ. Việc phát mại tài sản không bị chịu thuế. Nhưng nếu tiền thu hồi lớn hơn tiền gốc và lãi thì phần dư thêm có thể phải chịu thuế. Ví dụ, phát mại tài sản được 1,5 tỷ đồng trong khi tiền vay là 1 tỷ đồng cộng với 200 triệu đồng tiền lãi của ngân hàng, phần dư được coi là thu nhập thêm của ngân hàng nên ngân hàng sẽ phải trả thuế cho khoản 300 triệu đồng vượt thêm này. Trong trường hợp khách hàng của ngân hàng được hưởng phần giá bán chênh ra ngoài gốc và lãi vay ngân hàng, khách hàng sẽ phải nộp thuế GTGT tính trên phần này.

Qua trao đổi với ĐTCK, một luật sư cho biết, Thông tư số 62/2002/TT-BTC ngày 18/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế GTGT đối với hoạt động xử lý tài sản bảo đảm tiền vay để thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng lại nói rất rõ trong phần II. 1. a. 3: Khi bán tài sản bảo đảm tiền vay, tổ chức tín dụng có trách nhiệm cấp hoá đơn GTGT cho khách hàng. Trên hoá đơn GTGT phải ghi rõ bán tài sản bảo đảm nợ vay theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29/12/1999 của Chính phủ, dòng thuế suất và tiền thuế GTGT không ghi, gạch bỏ. Hiện chưa có văn bản nào bác bỏ hiệu lực của Thông tư 62. Trong dự thảo thông tư nói trên cũng không thấy có điều khoản bác bỏ hiệu lực của Thông tư 62.

Nhuệ Mẫn
Nhuệ Mẫn

Tin cùng chuyên mục