Phân chia hạn mức tăng trưởng tín dụng: có thừa?

(ĐTCK) Việc phân định mức tăng trưởng tín dụng không còn phù hợp với điều kiện thực tế của nền kinh tế cũng như nhiệm vụ của hệ thống ngân hàng trong năm nay.
Phân chia hạn mức tăng trưởng tín dụng: có thừa?

Theo một nguồn tin, năm 2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục phân chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD). Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, phương thức này không còn phù hợp, điều quan trọng nhất đối với ngành ngân hàng lúc này là kiểm soát tốt chất lượng tín dụng.

Phân chia hạn mức tăng trưởng tín dụng: có thừa?  ảnh 1Chỉ tiêu tín dụng 12% là thách thức không nhỏ của ngành ngân hàng

Còn nhớ, năm 2012, NHNN đã chia các TCTD thành 4 nhóm để giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tương ứng với bốn mức là 17%, 15%, 8% và 0%. Việc làm này khi đó đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của dư luận và cả phía các TCTD, bởi nó được nhìn nhận như một giải pháp kìm chế các TCTD tăng trưởng tín dụng nóng, ngăn chặn từ xa cuộc đua lãi suất huy động để thu hút tiền gửi. Nhờ đó, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện đáng kể trong năm qua, mặt bằng lãi suất vì thế cũng giảm mạnh.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc một NHTM cho rằng, việc phân định mức tăng trưởng tín dụng không còn phù hợp với điều kiện thực tế của nền kinh tế cũng như nhiệm vụ của hệ thống ngân hàng trong năm nay. Việc giao hạn mức tăng trưởng tín dụng có nghĩa là buộc các TCTD “liệu cơm gắp mắm”, hoạt động phù hợp với khả năng của mình. Tuy nhiên, do những khó khăn của nền kinh tế trong năm qua như sức cầu suy giảm mạnh, hàng tồn kho lớn cộng với nợ xấu tăng nhanh làm nghẽn dòng chảy của tín dụng, khiến tín dụng tăng trưởng ì ạch. Dù ngành ngân hàng rất nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm và NHNN đã điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với 36 TCTD, thì tín dụng đối với nền kinh tế trong năm qua cũng chỉ đạt mức tăng trưởng khoảng 9%, một mức tăng rất thấp trong nhiều năm trở lại đây.

Năm nay, cầu tín dụng dự báo không có nhiều đột biến, do nền kinh tế vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và hai nút thắt lớn nhất là nợ xấu, hàng tồn kho vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Lường trước khó khăn này, NHNN đã giảm bớt một số hạn chế về đối tượng vay vốn bằng ngoại tệ, nhưng nhìn lại thực tế 2 tháng đầu năm, tín dụng vẫn tăng trưởng âm 0,16%. Rõ ràng, trong bối cảnh này, NHNN không nên và cũng không cần thiết định hạn mức tín dụng đối với từng ngân hàng.

“Trong khi nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều khó khăn hơn năm ngoái, việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng là điều không cần thiết. Thứ nhất, những TCTD bị giao chỉ tiêu sẽ bị áp lực phấn đấu, để chí ít cũng phải đạt 80% chỉ tiêu tăng trưởng. Điều này sẽ rất nguy hiểm, bởi các ngân hàng sẽ chỉ chăm chăm đạt được chỉ tiêu tăng trưởng, mà có thể bỏ qua việc kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng. Thứ hai, nhiệm vụ quan trọng của hệ thống ngân hàng trong năm nay không phải là đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12%, mà quan trọng hơn là phải tái cơ cấu hệ thống, để đảm bảo phát triển bền vững”, vị tổng giám đốc trên nói.

Đồng quan điểm trên, Giám đốc tín dụng một NHTM cho rằng, nền kinh tế trong nước và thế giới được dự báo vẫn còn rất nhiều khó khăn, những yếu kém của DN Việt Nam ngày càng bộc lộ rõ hơn. Chính vì vậy, bản thân các NHTM cũng không mạo hiểm chạy đua tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn này, mà tập trung vào mục tiêu kiểm soát chất lượng tín dụng để ngăn chặn nguy cơ nợ xấu tăng cao.

“Đến cuối tháng 2, tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng chúng tôi âm 5% so với cuối năm 2012. Do đó, chúng tôi cũng không mặn mà với chỉ tiêu tín dụng được giao”, vị giám đốc trên nói.

Chia sẻ với ĐTCK, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, hiện NHNN đã yêu cầu các TCTD đăng ký mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2013. Tuy nhiên, đa số các TCTD tỏ ra thận trọng trong việc phát triển tín dụng, khi đăng ký mức tăng trưởng tín dụng từ 10 - 15%. Điều đó cho thấy, NHNN không cần thiết phải giao mức tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng, mà nên để họ tự cân đối trên cơ sở khả năng huy động vốn, xử lý nợ xấu, mục tiêu quản trị ngân hàng…

“Giao định mức tăng trưởng tín dụng có thể là một cách để NHNN điều hành mục tiêu tín dụng năm 2013 là 12%. Nhưng với nhu cầu vốn trong nền kinh tế đang giảm sút, việc giao hạn mức thực tế không còn nhiều ý nghĩa”, TS. Lực nói.              

Hồng Dung
Hồng Dung

Tin cùng chuyên mục