Phá giá VND, kiến nghị có hợp lúc?

(ĐTCK) Ngày 20/2, giá USD đột nhiên tăng mạnh, do trên thị trường xuất hiện tin đồn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phá giá đồng nội tệ, xuất phát từ một vài kiến nghị của giới phân tích. Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo NHNN khẳng định, chưa có cơ sở để NHNN điều chỉnh tỷ giá.
Phá giá VND, kiến nghị có hợp lúc?

Phá giá VND, kiến nghị có hợp lúc? ảnh 1Việc phá giá VND sẽ có tác động hai chiều đến kinh tế trong nước

 

Tỷ giá biến động nhẹ...

Sáng 21/2, tại nhiều ngân hàng thương mại, giá USD được niêm yết mua vào tăng đột ngột trong biên độ từ 30 - 50 đồng. Cụ thể, giá USD mua vào - bán ra ở ACB tương ứng là 20.840 - 20.940 VND/USD; tại Eximbank tương ứng là 20.835 - 20.900 VND/USD; tại Vietcombank là 20.870 - 20.950 VND/USD; tại BIDV là 20.860 - 20.910 VND/USD. Giá USD trên thị trường tự do tại Hà Nội mua vào - bán ra ở mức 20.080 - 21.130 đồng. Trong khi đó, trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá VND/USD vẫn được NHNN niêm yết ở mức 20.828. 

Sang buổi chiều ngày 21/2, giá USD tiếp tục biến động, khi tăng tiếp lên 20.900 – 21.000 đồng/USD. Đây là lần đầu tiên kể từ giữa năm ngoái, giá USD bán ra của Vietcombank đạt mức 21.000 đồng/USD.

Theo một lãnh đạo cao cấp của NHNN, trên thị trường liên ngân hàng, lượng tiền đồng quay lại sau Tết tương đối lớn. Tuy nhiên, lượng tiền đồng không quá thừa, được chứng minh bởi lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng vẫn giữ ở mức 3%/năm. Việc tỷ giá USD/VND “có chút rung rinh”, theo vị lãnh đạo trên, là do yếu tố tâm lý của người dân.

“Tỷ giá tăng nhẹ không liên quan tới thị trường vàng. Thực tế, thị trường ngoại tệ vẫn đang diễn ra bình thường, chỉ có chút sóng nhẹ. NHNN vẫn theo dõi sát sao, nhưng nhận thấy chưa cần phải can thiệp”, vị lãnh đạo trên khẳng định.

 

Nhưng chưa đủ cơ sở để điều chỉnh

Trước những diễn biến kinh tế thế giới và trong nước gần đây, một số chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm NHNN nên tính toán việc điều chỉnh tỷ giá. Có ý kiến phân tích, tại Hội nghị G20 tổ chức ở Nga cuối tuần trước, Tổng thống Nga V. Putin đã cảnh báo thế giới trước nguy cơ của cuộc chiến tranh tiền tệ, do nhiều quốc gia đang tranh thủ phá giá đồng tiền của mình để hỗ trợ xuất khẩu. Việc Việt Nam giữ ổn định đồng nội tệ, theo ý kiến trên, sẽ dẫn đến sự thua thiệt trong xuất khẩu, một điểm tựa cho sự tăng trưởng kinh tế đất nước.

Một chuyên gia kinh tế nhận định, giai đoạn 2003 - 2012, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam liên tục duy trì ở mức cao, bình quân đạt 22,13%/năm. Tuy nhiên, Việt Nam là một nền kinh tế nhập siêu, vừa phải nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng, vừa phải nhập khẩu công nghệ cũng như nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất trong nước. Trong bối cảnh công nghệ phụ trợ còn yếu kém, chưa phát triển thì phần lớn các mặt hàng nhập khẩu là phục vụ cho hoạt động xuất khẩu, việc phá giá đồng nội tệ sẽ có tác động hai chiều tới nền kinh tế trong nước.

“Việc phá giá VND có tác dụng khuyến khích hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, điều này cũng tác động trực tiếp và tiêu cực tới chỉ số giá nhập khẩu và sản xuất trong nước, góp phần làm gia tăng chỉ số giá tiêu dùng trong nước”, vị chuyên gia kinh tế nói.

Theo một chuyên gia ngân hàng, kết quả tính toán theo mô hình đo lường tác động của việc điều chỉnh tỷ giá đến chỉ số giá xuất khẩu và chỉ số giá nhập khẩu cho thấy, nếu VND bị mất giá 1% so với đồng USD thì sẽ làm giảm giá xuất khẩu khoảng 0,21%; nếu VND bị mất giá 1% sẽ tác động làm tăng giá nhập khẩu khoảng 0,49%. Do đó, nếu vào thời điểm này, NHNN phá giá VND, sẽ có tác động tiêu cực tới cán cân thương mại và gián tiếp tác động làm gia tăng lạm phát.

“Bên cạnh đó, việc phá giá đồng VND 1% sẽ tác động làm tăng chỉ số CPI trong ngắn hạn khoảng 0,65%, với độ trễ từ 3 - 6 tháng”, vị chuyên gia nhấn mạnh. 

Với quan điểm cần phải giữ ổn định tỷ giá thời điểm này, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia phân tích, duy trì chính sách ổn định tỷ giá, sẽ làm nhà đầu tư nước ngoài yên tâm về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, gây dựng được lòng tin của người dân vào đồng Việt Nam, góp phần tích cực vào việc kiềm chế lạm phát trong nước.

Tuy nhiên, TS. Nghĩa cũng cho rằng, lạm phát của Việt Nam trong 3 năm qua khoảng 30%, trong khi đó lạm phát của Mỹ vào khoảng 6%. Nếu không điều chỉnh tỷ giá, VND bị đánh giá cao so với USD hơn 20%, khiến nhà xuất khẩu Việt Nam chịu chi phí tăng hơn 20%, dẫn đến giảm sức mua của hàng Việt Nam trên thế giới.

“Nếu cứ tiếp tục neo giữ tỷ giá, đến lúc nào đó, VND bị đánh giá quá cao so với USD và khi ấy, NHNN buộc phải phá giá mạnh đồng nội tệ. Điều này sẽ tạo một cú sốc rất lớn cho thị trường. Do vậy, mỗi năm, NHNN có thể điều chỉnh tỷ giá trong khoảng 3 - 4%, để đỡ thiệt hại cho xuất khẩu, nhưng vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô”, TS. Nghĩa nhấn mạnh.          

Hồng Dung
Hồng Dung

Tin cùng chuyên mục