Nóng trong ngày: “Cấm sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán”

(ĐTCK) Sau nhiều sửa đổi, bổ sung, ngày 3/4, Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Nghị định quy định rõ 7 hành vi bị cấm trong hoạt động kinh doanh vàng Nghị định quy định rõ 7 hành vi bị cấm trong hoạt động kinh doanh vàng

Điều 4 nghị định này khẳng định, quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của  pháp luật. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định. Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được NHNN cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng  miếng hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Điều 11 chỉ rõ, doanh nghiệp được NHNN xem xét cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng được các điều kiện:

- Là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật;

- Có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên;

- Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 năm trở lên;

- Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế);

- Có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

Tổ chức tín dụng được NHNN xem xét cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ điều kiện:

- Có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên;

- Có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng;

- Có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. NHNN quy định thủ tục và hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng đối với doanh nghiệp, tổ chức tín dụng.

Điều 19 nêu cụ thể 7 hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng bao gồm:

1. Hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do NHNN cấp.

2. Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do NHNN cấp.

3. Mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân vượt mức quy định không có giấy phép do NHNN cấp.

4. Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.

5. Hoạt động sản xuất vàng miếng trái với quy định tại Nghị định này.

6. Hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép và NHNN cấp giấy phép.

7. Vi phạm các quy định khác tại Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định rất rõ về trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng  hoạt động, kinh doanh mua, bán vàng miếng; hoạt động xuất nhập khẩu vàng, quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/5/2012 thay thế Nghị định số 174/1999/NĐ-CP ngày 9/12/1999 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và Nghị định số 64/2003/NĐ-CP ngày 11/6/2003 của Chính phủ sửa đổi và bổ sung Nghị định số 174/1999/NĐ-CP ngày 9/12/1999.

Hồng Dung
Hồng Dung

Tin cùng chuyên mục