Nông nghiệp công nghệ cao: Không lo thiếu vốn, chỉ sợ đầu ra

(ĐTCK) Những năm gần đây, phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã trở thành chủ đề nóng. Nhà nước yêu cầu, hệ thống ngân hàng sẵn sàng đáp ứng nguồn vốn, nhưng để đạt mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao bài bản và bền vững, “bản lĩnh” của doanh nghiệp cùng với sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng vẫn... chưa đủ.
Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao dễ chịu thiệt vì tình trạng "vàng thau lẫn lộn" Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao dễ chịu thiệt vì tình trạng "vàng thau lẫn lộn"

Xu thế của thời đại

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương chia sẻ, nhiều nước phát triển, đang phát triển trong khu vực và trên thế giới có số lao động làm nông nghiệp với tỷ lệ rất nhỏ, song vẫn tạo ra khối lượng, giá trị nông sản, hàng hóa lớn, đảm bảo nhu cầu trong nước và xuất khẩu, thu ngoại tệ đáng kể.

Cụ thể, tại Nhật Bản, chỉ khoảng 2/127 triệu người làm nông nghiệp, sản xuất dư thừa gạo với 1,5 triệu ha trồng lúa, cùng với nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị rất cao như thịt bò, các loại rau quả... Hay như Hàn Quốc, 2,56 triệu nông dân trên 51,6 triệu người dân, canh tác 0,9 triệu ha cho dư thừa lúa gạo và đạt nhiều thành tựu vượt bậc trong nông nghiệp...

Tại Israel, lao động nông nghiệp chiếm 2,5% tổng lao động, trong điều kiện tự nhiên khó khăn vẫn tự đáp ứng đến 95% nhu cầu thực phẩm và xuất khẩu nông sản bình quân 3 tỷ USD/năm; năm 1995, một nông dân Israel chỉ nuôi được 15 người thì năm 2014, một người trực tiếp sản xuất nông nghiệp nuôi được hơn 100 người...

Có được kết quả này, ông Thắng cho biết, các quốc gia trên đã đầu tư và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại trong các khâu làm giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi, quy trình canh tác, chế biến; quản lý sản xuất kinh doanh chuyên nghiệp, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, giá trị nông sản...

Trong khi đó, đánh giá về câu chuyện nông nghiệp tại Việt Nam, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế phân tích, cải cách nông nghiệp nước ta 30 năm qua chủ yếu gắn với hộ nông dân, cùng với việc tạo chất “xúc tác”, động lực cho người nông dân làm ăn. Đó là quyền sử dụng đất, quyền khai thác đất đai cho sản xuất lâu dài, quyền tự chủ trong một nền kinh tế định hướng thị trường, mở cửa. Việt Nam đã thu được những thành tựu có ý nghĩa về xuất khẩu nông sản, đảm bảo an ninh lương thực và xoá đói giảm nghèo.

“Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy, tăng trưởng nông nghiệp đã chững lại. Giá trị gia tăng tạo ra trong nông sản và lợi ích đem lại cho người nông dân chưa tương xứng với lợi thế của nông nghiệp Việt Nam, cũng như công sức người nông dân bỏ ra. Đặc biệt, khoảng cách giữa thực trạng sản xuất nông nghiệp và yêu cầu mới đối với phát triển còn rất lớn”, TS. Thành cho biết.

Thực tế, Việt Nam hiện có khoảng 70% dân số ở nông thôn, lao động nông nghiệp chiếm hơn 50% lực lượng lao động xã hội, đóng góp khoảng 20% GDP. Khu vực này đang rất cần các nguồn lực vốn, khoa học công nghệ hiện đại, lao động có tay nghề, trình độ... để tạo ra sự đột phá. Nhiều chủ trương, chính sách quan trọng đối với ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đã ra đời, tuy nhiên, đầu tư cho nông nghiệp nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, theo ghi nhận ban đầu về chương trình cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực này đến nay đạt gần 32.339 tỷ đồng với 4.125 khách hàng còn dư nợ (3.957 khách hàng cá nhân, 168 doanh nghiệp), trong đó cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 27.737 tỷ đồng, chiếm gần 86% tổng dư nợ; dư nợ cho vay nông nghiệp sạch đạt 4.602 tỷ đồng, không phát sinh nợ xấu.

Ông Thắng bình luận: “Các con số trên cho thấy, tỷ lệ tín dụng cho nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta còn rất thấp, trong khi dân số, lực lượng lao động, nhu cầu, tiềm năng tài nguyên thiên nhiên trong lĩnh vực này rất lớn”.

Bài toán đầu ra: Vấn đề cốt lõi

TS. Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho rằng, để thành công với nông nghiệp công nghệ cao, bài toán đầu ra là vấn đề cốt lõi. Theo đó, cái gốc của vấn đề là phải tổ chức mô hình nuôi, trồng tập trung chuyên nghiệp mà nông dân trở thành công nhân hoặc chỉ đảm nhiệm một công đoạn để phát triển trồng trọt, chăn nuôi, thực hiện nghiêm ngặt quy trình của chủ đầu tư nhằm đảm bảo chất lượng. Sau đó là việc tổ chức tiêu thụ theo quy trình chuỗi khép kín. Khi nào ở Việt Nam hết chăn nuôi, trồng trọt tự phát, manh mún thì mới hết tình trạng phải “giải cứu” cho các sản phẩm của nông nghiệp.

Cũng theo ông Hưởng, nông nghiệp công nghệ cao thường gắn liền với giá thành sản xuất cao, nhất là trong giai đoạn đầu, trong khi tâm lý của người tiêu dùng chưa đủ niềm tin để đánh đổi chi phí lớn hơn khi mua sản phẩm, hàng hóa. Ngoài ra, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn là vấn đề “đau đầu”, mà một trong các nguyên nhân là do luật và thi hành luật không đủ lực và yếu kém.

“Đầu tư vào nông nghiệp dễ rủi ro. Chuyện nhà nông “loay hoay” với bài toán đầu ra và tình trạng “được mùa, mất giá, bí đầu ra” đến nay vẫn chưa có phương pháp giải quyết triệt để. Trong khi đó, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao cũng phải chịu tâm lý thấp thỏm bởi tình trạng vàng thau lẫn lộn”, ông Hưởng nói.

Đồng quan điểm trên, một lãnh đạo cao cấp Agribank cho biết, bên cạnh tính toán chi phí đầu vào, vấn đề đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao cũng rất quan trọng. Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi nhiều yêu cầu kỹ thuật khắt khe, đầu tư lớn, giá thành sản phẩm nông nghiệp sạch thường cao. Nếu sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, ảnh hưởng không chỉ đến doanh nghiệp mà còn gây rủi ro cho ngân hàng. Do đó, vấn đề thị trường, tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp sạch cần được quan tâm tháo gỡ, tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp lẫn người dân khi đầu tư, phát triển nông nghiệp sạch.

Bên cạnh đó, theo một đại diện đến từ VietinBank, thách thức đến từ việc nối dài chuỗi giá trị. Cụ thể, một số sàn giao dịch nông sản tại Việt Nam đã đi vào hoạt động nhưng đến nay hiệu quả không cao. Các sàn giao dịch chưa làm được đúng vai trò kết nối cung - cầu, giảm thiểu rủi ro giao dịch cho người bán và rủi ro sai lệch chất lượng, nguồn gốc cho người mua.

 “Chưa kể, công tác hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường, xây dựng thương hiệu, tháo gỡ các “rào cản” thương mại, thúc đẩy sản xuất nông, lâm, thủy sản, bảo đảm tiêu thụ nông sản kịp thời, hiệu quả cho cả doanh nghiệp và người sản xuất còn nhiều hạn chế”, vị lãnh đạo VietinBank cho biết.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục