Nỗi đau của cổ đông Habubank

(ĐTCK) Nhiều cổ đông Habubank cảm thấy hụt hẫng tột độ khi tiếp nhận thông tin vốn chủ sở hữu của Habubank bay mất hơn 4.000 tỷ đồng.
Nỗi đau của cổ đông Habubank

> Diễn biến thương vụ SHB-HBB

Nhiều cổ đông Habubank cảm thấy hụt hẫng tột độ khi tiếp nhận thông tin vốn chủ sở hữu của Habubank đang từ hơn 4.390 tỷ đồng bỗng giảm xuống chỉ còn 195,3 tỷ đồng, theo báo cáo soát xét đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Bất ngờ, hụt hẫng và xót xa là cảm giác chung của hầu hết NĐT đã gắn bó với Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank - mã HBB). Chỉ mấy tháng trước, báo cáo tài chính năm có kiểm toán của Ngân hàng được kiểm toán bởi Ernst & Young đã đưa ra một bức tranh Habubank, dù không hoành tráng như nhiều ngân hàng TMCP lớn khác, nhưng cũng không đến mức u ám. Cuối năm 2011, vốn chủ sở hữu của Habubank là hơn 4.390 tỷ đồng, với tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ là 4,42%. Với số liệu này, nhiều cổ đông không thể hiểu nổi tại sao đã có lúc giá cổ phiếu HBB giảm về mức gần 4.000 đồng/cổ phiếu.

Có lẽ, những thông tin Ban lãnh đạo Habubank cung cấp cho cổ đông tại ĐHCĐ thường niên ngày 28/4 vừa qua là lời giải đáp. Báo cáo tài chính cũng được kiểm toán bởi Ernst&Young của Habubank tại ngày 29/2/2012 cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của Habubank đã lên tới 16,06%, vốn chủ sở hữu giảm về còn 3.741 tỷ đồng. Đây là cách hạch toán theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam. Còn nếu theo báo cáo đánh giá đặc biệt của NHNN, thì vốn chủ sở hữu của Habubank chỉ còn 195,3 tỷ đồng.

Nghi ngờ về tính chính xác của con số 195,3 tỷ đồng là cảm giác đầu tiên của nhiều cổ đông khi tiếp nhận thông tin. Phát biểu tại ĐHCĐ, một cổ đông của Habubank nói: “Tôi không hiểu đánh giá kiểm soát đặc biệt là gì, có trong chuẩn mực kế toán nào không? Tôi không tin vào con số này”.

Theo giải thích của lãnh đạo Habubank, tình trạng vốn chủ sở hữu theo đánh giá đặc biệt của NHNN là không theo chuẩn mực kế toán, mà tính trên rủi ro cao nhất. Nhưng có lẽ, cổ đông đã quá sốc để có thể hiểu được ý nghĩa của lời giải thích ấy. Cổ đông chỉ biết rằng, sau một thời gian ngắn, tình trạng của Habubank đã thay đổi hoàn toàn, kể cả đánh giá theo cách hạch toán nào. Niềm tin vào Ban lãnh đạo Habubank bị lung lay, một phần bởi thực trạng tài chính sa sút của Ngân hàng, một phần bởi cách công bố thông tin quá bất ngờ. Liệu đây là diễn biến có từ trước không được Ngân hàng cập nhật đầy đủ cho cổ đông, hay đơn giản chỉ là những con số thay đổi theo yếu tố thời điểm?

Trao đổi tại ĐHCĐ, chị Minh, một cổ đông lâu năm của Habubank nói trong lo lắng: “Con số 195,3 tỷ đồng vốn chủ sở hữu khiến tôi cảm thấy quá bất ngờ, không biết có nên tin hay không. Niềm tin của tôi như sụp đổ vậy, bởi toàn bộ tiền tiết kiệm được tôi đều để ở cổ phiếu HBB”.

“Habubank có một quá khứ kinh doanh tốt và tôi đã tin tưởng tuyệt đối. Chúng tôi mua cổ phiếu HBB từ mức giá 18.000 đồng/CP, khi giá giảm cũng không có ý định bán đi. Không thể ngờ lại có lúc phải đối diện nguy cơ mất trắng”, chị Minh nói.

Nhiều ý kiến trách Ban lãnh đạo Habubank khi cho rằng, lẽ ra Ngân hàng nên công bố thực trạng tài chính này từ trước, chứ không phải trong hoàn cảnh chuẩn bị sáp nhập vào Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) mới “nói trắng” ra như hiện nay.

“Nguồn cơn của mọi bĩ cực chủ yếu là khoản cho vay Vinashin, không phải đến bây giờ mới có. Thế mà Ban lãnh đạo Habubank đã không cảnh báo gì cho cổ đông”, một cổ đông khác nhận xét. Tuy nhiên, cũng có cổ đông cho rằng, việc công bố dồn dập bức tranh tài chính bi bét của HBB là có chủ ý để cổ đông HBB đồng thuận theo phương án sáp nhập. Trong từng bước đi thực hiện mục tiêu này, “sức khoẻ” tài chính của HBB sẽ còn có sự thay đổi, mà điển hình là sau 4 ngày, kể từ khi kết thúc ĐHCĐ của HBB, SHB đã công bố con số luỹ kế của HBB chỉ còn 1.830 tỷ đồng, trong khi tại ĐHCĐ HBB, số luỹ kế được công bố là 4.066 tỷ đồng.

Anh Minh, trưởng phòng đầu tư của một CTCK chia sẻ, may mắn là công ty đã bán gần hết số cổ phiếu HBB trong danh mục 10 triệu cổ phiếu HBB từ 1 tháng nay. Với thông tin vốn chủ sở hữu của Habubank sụt giảm nêu trên, công ty sẽ thoát hết danh mục để chờ đợi thông tin rõ ràng hơn trước khi cân nhắc mua HBB trở lại.

Bên cạnh những lo toan bảo vệ giá trị khoản đầu tư, những nghi ngờ…, nhiều cổ đông lại cảm thấy nuối tiếc, cảm thông cho Habubank lúc này. Một cổ đông đã cao tuổi cho biết, là người tham gia viết đề án thành lập Habubank, mua cổ phần Habubank từ khi Ngân hàng cổ phần hóa, giờ phải chứng kiến sự ra đi của thương hiệu này là một sự xót xa.

Chị Minh Hương, một nhân viên của Habubank, đồng thời là cổ đông của Ngân hàng cho biết, mấy năm trước, việc cấp tín dụng cho Vinashin cho thấy vị thế của Habubank so với các ngân hàng khác. Không ngờ, chỉ mấy năm sau, đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thanh khoản khó khăn, làm ăn kém hiệu quả của Ngân hàng. Ngoài nỗi lo khoản đầu tư vào cổ phiếu HBB đang bị giảm giá, bản thân chị cũng cảm thấy lo lắng cho tương lai của mình, bởi việc sáp nhập vào SHB dù có đảm bảo quyền lợi cho cán bộ - công nhân viên Habubank đến mấy cũng khó có thể tránh khỏi những khó khăn khi sắp xếp nhân sự ở những vị trí trùng lắp.

Tiểu Mai
Tiểu Mai

Tin cùng chuyên mục