Nợ xấu lên nghị trường Quốc hội: Cổ phiếu ngân hàng hào hứng quá sớm?

(ĐTCK) Tâm lý hồ hởi của giới đầu tư trước thông tin dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu được đưa ra trình Quốc hội đầu tuần này đã khiến nhóm cổ phiếu ngân hàng bứt tốc. Tuy nhiên, bình tâm lại sẽ thấy nợ xấu là câu chuyện không thể giải quyết một sớm một chiều, các chính sách cần thời gian đủ dài để đi vào thực tiễn.
Nếu mừng quá sớm về giải pháp xử lý nợ xấu, nhà đầu tư dễ "ăn bánh vẽ" về một "kỳ vọng đẹp" còn xa Nếu mừng quá sớm về giải pháp xử lý nợ xấu, nhà đầu tư dễ "ăn bánh vẽ" về một "kỳ vọng đẹp" còn xa

Cổ phiếu ngân hàng “nóng” theo dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu

Phiên khai mạc của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV (hôm 22/5) đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư với phần trình bày của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng về tờ trình dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, dự kiến có thời hạn hiệu lực trong 5 năm, kể từ ngày 1/7/2017.

Theo đó, trước thực trạng tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức cao và công tác xử lý còn chậm, gặp nhiều trở ngại, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu với các quy định về bán nợ xấu và tài sản bảo đảm theo giá thị trường; mua bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu; thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm...

Dự thảo Nghị quyết có một số quy định mới và một số quy định khác với quy định pháp luật hiện hành, kỳ vọng sẽ giúp đẩy nhanh quá trình xử lý nợ, giải phóng lượng vốn lên tới hơn 600.000 tỷ đồng cho nền kinh tế.

Dù “bốc thuốc trúng bệnh” thì các giải pháp chính sách cũng cần có thời gian đủ dài để “ngấm” vào thực tiễn. Nhà đầu tư nếu mừng quá sớm, dễ "ăn bánh vẽ" của một "kỳ vọng đẹp" còn xa   

Nhận định về tờ trình dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá: “Nghị quyết lần này đã gỡ được nhiều nút thắt trong xử lý nợ xấu hiện nay”.

Cụ thể, Nghị quyết cho phép VAMC mua các khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro đang hạch toán ngoài bảng và chuyển đổi các khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang mua theo giá trị thị trường; xử lý nhiều nút thắt trong Luật Đất đai hiện hành; đảm bảo cho quyền thu giữ tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng, giúp các tổ chức tín dụng rút ngắn thời gian thu hồi nợ, giảm thiểu tình trạng chây ì của người vay nợ; mở ra hướng hỗ trợ, cho phép phân bổ số lãi dự thu đã ghi nhận của các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng của tổ chức tín dụng chưa thoái theo quy định giãn ra trong lộ trình không quá 10 năm…

Đón nhận thông tin tích cực từ Nghị trường Quốc hội, trong phiên giao dịch chiều 22/5, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng trên cả hai sàn như VCB, CTG, BID, STB, EIB,  SHB… đã đồng loạt bứt phá lên mức giá trần hoặc sát trần với thanh khoản tăng mạnh, tạo động lực đưa VN-Index thiết lập đỉnh mới cao nhất 9 năm trở lại đây.

Diễn biến này khiến nhiều nhà chuyên môn không khỏi bất ngờ trong bối cảnh thị trường cuối tháng 5 được đánh giá đi vào giai đoạn thiếu thông tin hỗ trợ, các nhóm cổ phiếu lớn phân hóa.

600.000 tỷ đồng nợ xấu, câu chuyện không dễ giải

Nợ xấu là vấn đề “nóng” không chỉ trong hệ thống ngân hàng, mà còn trên nghị trường Quốc hội, diễn đàn của Chính phủ và nhiều tổ chức những năm gần đây.

Dù có nhiều kiến nghị về giải pháp, thậm chí từng có đề xuất dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu gây phản ứng từ dư luận, nhưng cho đến nay, nợ xấu vẫn xử lý rất chậm chạp, thậm chí trong thời gian gần đây đang có xu hướng gia tăng trở lại.

Theo thống kê từ 8 ngân hàng đang niêm yết (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, MB, Sacombank, Eximbank, ACB, SHB), tính đến quý I/2017, tổng nợ xấu của nhóm này đạt 51.206 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cuối năm 2016. Có tới 5/8 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu gia tăng là BIDV, Vietinbank, ACB, MB và Eximbank.

Còn với Sacombank, Vietcombank và SHB, dù tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ giảm, nhưng xét về giá trị lại tăng. Như vậy, dù đã rất nỗ lực, nhưng nợ xấu trong toàn hệ thống vẫn đang là gánh nặng của ngành ngân hàng, bào mòn đáng kể lợi nhuận do phải trích lập dự phòng.

Chẳng hạn, tại Sacombank, đơn vị có tỷ lệ nợ xấu lớn nhất trong số các ngân hàng niêm yết với tỷ lệ 4,89% tính đến cuối quý I vừa qua, trong năm 2016, Ngân hàng đã phải dành 700 tỷ đồng, tương đương 57% lợi nhuận thuần (1.232 tỷ đồng) để trích lập dự phòng, khiến lợi nhuận trước thuế chỉ còn 531 tỷ đồng. Năm 2015, tỷ lệ sử dụng lợi nhuận thuần để trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu của Sacombank là 68,9%.

Nợ xấu lên nghị trường Quốc hội: Cổ phiếu ngân hàng hào hứng quá sớm? ảnh 1

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán HSC, trước áp lực nợ xấu lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, lợi nhuận của Sacombank có thể giảm mạnh trong năm 2017 và ngân hàng này sẽ phải rất nỗ lực để tránh ghi nhận lỗ trong vài năm tới.

Trong nhóm 3 ngân hàng niêm yết có quy mô lớn nhất, BIDV trong năm 2016 cũng phải trích lập gần 55% lợi nhuận thuần cho dự phòng rủi ro nợ xấu, khiến lợi nhuận cả năm không đạt kế hoạch đề ra. Vietcombank phải dành 43% lợi nhuận thuần cho trích lập dự phòng và tỷ lệ này tại Vietinbank là 37%.

Riêng trong quý I/2017, số tiền Vietinbank dành cho trích lập dự phòng nợ xấu là 2.064 tỷ đồng, Vietcombank là 1.400 tỷ đồng, BIDV là 2.348 tỷ đồng, lần lượt chiếm 44,79%, 33,84% và 50,76% lợi nhuận trước dự phòng.

Các ngân hàng đều cho biết, xử lý nợ xấu là cả một quá trình gian nan với nhiều khó khăn, kể cả nhiều khoản vay có tài sản thế chấp cũng không dễ gì thu hồi được.

Một mặt vướng bởi phía khách hàng cố tình chây ỳ, không trả nợ cũng không bàn giao tài sản, gây khó khăn cho xử lý, mặt khác vướng bởi quy định pháp luật còn thiếu, không phù hợp với thực tiễn, mâu thuẫn, chồng chéo nhau, các cơ quan, người có thẩm quyền hiểu và áp dụng pháp luật chưa thống nhất…

Một luật sư đã dùng cụm từ rất hình tượng “đứng cho vay, quỳ thu nợ” để nói về tình cảnh ngân hàng cho vay và đòi nợ. Thậm chí, việc cầm tài sản bảo đảm cũng không có nghĩa ngân hàng “nắm đằng chuôi”.

Trước áp lực xử lý nợ xấu trong nền kinh tế, năm 2013, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) ra đời, với 100% vốn nhà nước, chịu sự quản lý, thanh tra và giám sát trực tiếp bởi Ngân hàng Nhà nước.

Được kỳ vọng cùng với Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) sẽ là công cụ hữu hiệu góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng, nhưng thực tế cho thấy, khối lượng nợ xấu được VAMC xử lý vẫn là con số rất khiêm tốn.

Sau gần 4 năm VAMC đi vào hoạt động, theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý tính đến 31/12/2016 vẫn chiếm 5,8% tổng dư nợ cho vay, đầu tư của hệ thống ngân hàng. Nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, tỷ lệ này lên tới 10,08%.

Việc bán nợ xấu cho VAMC từng được một số chuyên gia ví von với việc “gom” nợ xấu về một chỗ để làm đẹp bảng cân đối kế toán của các ngân hàng. Các khoản nợ xấu chậm được xử lý, ngân hàng vẫn phải trích dự phòng (20% hàng năm) cho trái phiếu đặc biệt nhận được khi bán nợ cho VAMC.

Nghị quyết của Quốc hội nếu được thông qua, có thể mở ra khung pháp lý quan trọng để giải quyết những vướng mắc đang tồn tại trong quá trình xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, xử lý nợ xấu là câu chuyện lớn, liên quan đến hàng chục ngàn tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế và cả những điều luật nằm trong nhiều văn bản pháp lý khác.

Dù “bốc thuốc trúng bệnh” thì các giải pháp chính sách cũng cần có thời gian đủ dài để “ngấm” vào thực tiễn. Nhà đầu tư nếu mừng quá sớm, dễ "ăn bánh vẽ" của một "kỳ vọng đẹp" còn xa.            

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục