Nợ xấu đã giảm, nhưng không thể lơ là

(ĐTCK) Với mục tiêu kiểm soát nợ xấu về 3% vào cuối năm nay, các ngân hàng đã nhanh chóng hoàn tất việc bán nợ xấu cho VAMC và đẩy mạnh xử lý nợ…, song quá trình xử lý nợ xấu vẫn khó khăn do phát mãi tài sản nhiêu khê, bất động sản đóng băng. Vì thế, nhà băng sớm tăng trích dự phòng rủi ro.
VietCapital Bank xác định xử lý nợ xấu là nhiệm vụ hàng đầu trong năm 2015 VietCapital Bank xác định xử lý nợ xấu là nhiệm vụ hàng đầu trong năm 2015

Cụ thể, tại Viet Capital Bank, Ngân hàng xác định xử lý nợ xấu là nhiệm vụ hàng đầu trong năm 2015. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Viet Capital Bank cho biết, Ngân hàng đã áp dụng nhiều biện pháp tích cực để thu hồi nợ: đôn đốc thu hồi; phát mãi tài sản; nhận cấn trừ; bán nợ cho VAMC…

Tính đến 31/8/2015, Viet Capital Bank thu hồi được khoảng 73% nợ xấu so với kế hoạch thu hồi nợ đặt ra trong năm 2015. Tính từ đầu năm đến nay, số nợ xấu Ngân hàng đã bán cho VAMC đạt khoảng 500 tỷ đồng. Số lũy kế bán nợ từ trước đến nay đạt 800 tỷ đồng, sớm hoàn tất kế hoạch bán nợ cho VAMC do NHNN giao trong 2 năm 2014 và 2015. Tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 1,2% (tính trên thị trường 1) và chỉ còn 0,88% (tính trên thị trường 1 và 2 theo Thông tư 02 do NHNN ban hành).

Viet Capital Bank luôn thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật đối với các khoản nợ xấu.

Còn tại OCB, ngân hàng này cũng đã đạt được các chỉ tiêu theo quy định mới của NHNN, Thông tư 02 và Thông tư 36. Việc đạt các chỉ tiêu này cũng thể hiện việc nâng cấp về các tiêu chuẩn an toàn của OCB. Chỉ tiêu về nợ xấu của OCB đã giảm xuống dưới 3%, cụ thể là 2,7% tính đến cuối tháng 6/2015. Trong thời gian từ đầu năm đến nay, OCB đã thu hồi nợ xấu rất tốt, bao gồm cả nợ xấu đã bán cho VAMC.

Để kiểm soát được nợ xấu, lãnh đạo OCB cho biết, giai đoạn 2012 - 2013, đồng thời với triển khai chiến lược kinh doanh mới, OCB cũng xác định xử lý nợ xấu là một trong những vấn đề quan trọng, cần ưu tiên để giải quyết. Vì vậy, Ngân hàng đã liên tục đổi mới trong phương pháp xử lý và thu hồi nợ xấu. Khả năng đến cuối năm nay, tỷ lệ nợ xấu của OCB sẽ giảm từ 2,7% xuống mức quanh mức 1%.

Theo lãnh đạo OCB, kết quả này có được là dựa trên quan điểm nhìn nhận đúng đắn và triển khai quá trình xử lý nợ xấu một cách bài bản, cụ thể.

Nợ xấu dần có đầu ra sẽ là điều kiện để khơi thông dòng chảy tín dụng, kích thích hoạt động cho vay. Tăng trưởng tín dụng của Viet Capital Bank trong 8 tháng đầu năm nay phù hợp với tình hình tăng trưởng chung của toàn ngành. Trong đó, tín dụng của khối khách hàng cá nhân trong 8 tháng đầu năm nằm trong mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống (hơn 10%). Bên cạnh đó, cũng như mọi năm, quý IV luôn là giai đoạn kinh doanh tốt nhất của hầu hết các ngành nghề và ngân hàng cũng vậy, đặc biệt là nhóm các sản phẩm cho vay mua ô tô, mua nhà và tiêu dùng. Viet Capital Bank hiện có gói vay ưu đãi lãi suất cố định 6 tháng đầu chỉ 6,5%/năm; 12 tháng đầu là 7,5%/năm.

Tín dụng có phần cải thiện hơn so với năm trước, nhất là khi bất động sản có dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, để kỳ vọng bất động sản tăng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng thì chưa thể. Vì thế, lợi nhuận của ngân hàng năm nay sẽ khó tránh khỏi bị ảnh hưởng, do dự phòng rủi ro gia tăng, nhưng tín dụng chưa thể cải thiện nhanh. Các nhà băng cũng cho biết, khó có thể kỳ vọng lợi nhuận cao khi tổng nợ xấu bán cho VAMC nhiều.

Thực tế, không chỉ với ngân hàng nhỏ mà ngay cả với những nhà băng lớn, lợi nhuận làm ra phần lớn cũng phải dành để trích dự phòng rủi ro, nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động. Bởi điều quan trọng nhất đối với hoạt động của ngân hàng thời điểm hiện tại là đảm bảo năng lực tài chính; hệ số an toàn, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức phù hợp.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục