Những con số biết nói sau 3 năm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng

(ĐTCK) Các thông tin tại Hội thảo “Đánh giá kết quả tái cấu trúc ngân hàng và xử lý nợ xấu” do Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 6/10 cho thấy, công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng hơn 3 năm qua đã phục hồi niềm tin của xã hội với thị trường này.
Những con số biết nói sau 3 năm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng

Những con số biết nói

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN cho biết gần 4 năm qua, NHNN đã kiểm soát được và từng bước xử lý các TCTD yếu kém. Sự ổn định, an toàn hệ thống các TCTD được giữ vững và cải thiện; nguy cơ đổ vỡ, gây mất an toàn hệ thống các TCTD giảm đáng kể, tài sản của Nhà nước, nhân dân được bảo đảm an toàn, chi trả đầy đủ; nhân dân tin tưởng, ủng hộ các chủ trương, chính sách cơ cấu lại hệ thống ngân hàng.

Hệ thống các TCTD tiếp tục tăng trưởng tín dụng với lãi suất hợp lý và cung ứng dịch vụ ngân hàng bình thường để đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, lãi suất VND cuối năm 2011 ở mức cao (trên dưới 20%/năm) hiện nay đã giảm về mức thấp tương đương năm 2005-2006 (lãi suất cho vay VND phổ biến 7-10%/năm).

Quá trình cơ cấu lại các TCTD chủ yếu sử dụng các nguồn lực của xã hội và không trực tiếp sử dụng tiền của Ngân sách Nhà nước. Số lượng các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm dần (17 tổ chức) thông qua sáp nhập, hợp nhất, rút giấy phép, đặc biệt là các NHTMCP yếu kém. Đồng thời, các TCTD tập trung củng cố, phát triển các hoạt động kinh doanh chính, đổi mới quản trị ngân hàng phù hợp hơn các thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Các giải pháp cơ cấu lại nợ và xử lý nợ xấu đã phát huy tác dụng (đặc biệt là VAMC) góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu so tổng dư nợ.

Chia sẻ với ĐTCK, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết, tính từ 1/1/2015 đến 15/9/2015, VAMC đã phát hành trái phiếu đặc biệt để mua 11.108 khoản nợ xấu của 37 tổ chức tín dụng (TCTD), tương ứng với 75.553 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng, giá mua là 69.070 tỷ đồng. Lũy kế từ 2013 đến 15/9/2015, VAMC đã phát hành trái phiếu đặc biệt mua nợ xấu đạt 204.228 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng, giá mua là 177.722 tỷ đồng. VAMC đã thực hiện thu hồi nợ, bán nợ, bán tài sản bảo đảm đạt 13.320 tỷ đồng; thực hiện điều chỉnh lãi suất cho 28 khoản nợ của 9 khách hàng với dư nợ gốc được điều chỉnh là 367 tỷ đồng…

“Đặc biệt, sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các TCTD đã được xử lý một bước quan trọng. Hoàn thiện một bước quan trọng khuôn khổ pháp lý về tiền tệ và ngân hàng, hình thành đồng bộ hơn các thiết chế hỗ trợ tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, bảo đảm các TCTD hoạt động an toàn, vững chắc hơn”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Niềm tin đã được cải thiện

Ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho biết: “Chuyển được các khoản nợ xấu ra khỏi bảng cân đối kế toán, từ đó gây dựng lại niềm tin cho cả hệ thống, hạn chế tâm lý lo sợ có thể gây ra rủi ro hệ thống. Qua thời gian, niềm tin đã được cải thiện, tuy nhiên, như tôi đã đề cập ở trên, giải quyết nợ xấu vẫn còn rất nhiều những dấu hỏi”.

Niềm tin về hệ thống không chỉ cải thiện trong nước mà còn trên bình diện quốc tế. Cụ thể, tháng 3/2015, Moody’s đã có báo cáo đánh giá việc tăng cường sáp nhập các ngân hàng của Việt Nam là một tín hiệu tích cực bởi nó sẽ giúp loại bỏ một số nhà băng yếu kém và trong vài trường hợp là những nhà băng yếu nhất trong hệ thống ngân hàng. Kết quả cơ cấu lại ngân hàng trong 3 năm qua góp phần đưa 11 ngân hàng của Việt Nam được lọt vào danh sách 1.000 ngân hàng thế giới năm 2014 do tờ Tạp chí The Banker công bố.

Trong xếp hạng ngân hàng khu vực Đông Nam Á về Chỉ số an toàn vốn cấp 1, các ngân hàng Việt Nam chiếm đa số trong Top 10. Ngày 22/9/2014, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s đã nâng xếp hạng tín nhiệm tiền gửi và xếp hạng nhà phát hành nội tệ và ngoại tệ dài hạn của VIB lên một bậc, từ B3 lên B2, với triển vọng ổn định. SHB cũng được giữ nguyên triển vọng ở mức ổn định; 05 NHTMCP khác bao gồm: VPBank, ACB, MB, Sacombank, Techcombank cũng được tổ chức này nâng triển vọng từ “ổn định” lên tích cực.

Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh: “Những kết quả đạt được trong thời gian qua về cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của TCTD có tác dụng không chỉ làm lành mạnh hệ thống ngân hàng mà còn tạo động lực cho tái cấu trúc doanh nghiệp, thị trường và đầu tư”.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục