Nhiều ngân hàng vẫn đang chuẩn bị những kế hoạch M&A

(ĐTCK) Sau thời gian trầm lắng, ngay từ đầu năm nay, nhiều ngân hàng thương mại đã lên kế hoạch tăng vốn và trình Đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch mua bán - sáp nhập (M&A) để vừa tăng cường năng lực cạnh trạnh, vừa mở rộng quy mô tăng trưởng...
Thương vụ PGBank sáp nhập vào HDBank dự kiến hoàn tất trong tháng 8 tới Thương vụ PGBank sáp nhập vào HDBank dự kiến hoàn tất trong tháng 8 tới

Nhiều kế hoạch M&A chuẩn bị triển khai

Theo lộ trình, thương vụ M&A giữa HDBank - PGBank sẽ hoàn tất trong tháng 8 tới. Như vậy, PGBank sẽ bị rút giấy phép hoạt động và HDBank sẽ tiếp nhận toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp của PG Bank.

Hiện tại, vốn điều lệ của HDBank là 9.810 tỷ đồng, còn PGBank là 3.000 tỷ đồng. Theo đó, vốn điều lệ của HDBank sau sáp nhập sẽ được nâng lên 12.810 tỷ đồng. Việc chuyển đổi vốn cổ phần được thực hiện theo tỷ lệ 0,621: 1 (0,621 cổ phần HDBank  đổi 1 cổ phần PGBank), tức là số cổ phần PGBank sau hoán đổi trở thành 186,3 triệu cổ phần HDBank.

Tại PGBank, Petrolimex đang là cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 40% vốn điều lệ và theo quy định, Petrolimex sẽ phải thoái toàn bộ vốn tại PGBank. Petrolimex đang chiếm khoảng 50% thị phần xăng dầu trong nước, với quy mô 6.100 cửa hàng bán lẻ xăng dầu và đại lý mang thương hiệu Petrolimex hoạt động trên toàn quốc.

Theo giới quan sát, việc sáp nhập sẽ giúp HDBank khai thác các lợi thế sẵn có giữa Petrolimex và PGBank, từ đó đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào tín dụng.

Trước đó, PGBank dự tính sẽ "kết hôn" với VietinBank, nhưng không thành. Chia tay PGBank, VietinBank được cho là đang xem xét kế hoạch M&A mới khi ông Lê Đức Thọ - Tổng giám đốc
VietinBank cho hay, kế hoạch mua hay sáp nhập ngân hàng khác hoàn toàn có thể xảy ra nếu đó là cơ hội tốt để
VietinBank phát triển tốt hơn.

Chủ tịch HĐQT VPBank - ông Ngô Chí Dũng cho biết, một trong những lý do VPBank muốn tăng mạnh vốn điều lệ là để chuẩn bị cho kế hoạch M&A năm 2018. Hiện VPBank đã tăng vốn điều lệ lên 27.000 tỷ đồng, trong khi con số đầu năm là 15.000 tỷ đồng.

"M&A là một trong những chiến lược quan trọng của VPBank. 5 năm qua, vốn điều lệ của VPBank tuy tăng, nhưng không mạnh vì chưa có cơ hội M7A. Tuy nhiên, năm nay, khi cơ hội đến, VPBank quyết định tăng mạnh vốn điều lệ", ông Dũng nhấn mạnh.

Một trong những thương vụ M&A thành công gần đây nhất của VPBank là mua lại Công ty Tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam (năm 2014), sau đó chuyển đổi mô hình kinh doanh. Nhờ đó, VPBank đã sở hữu một "con gà đẻ trứng vàng” FE Credit vốn đang chiếm khoảng 50% thị phần thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam. Trong một vài năm gần đây,  FE Credit đóng góp tới một nửa lợi nhuận của VPBank mỗi năm.

Không chỉ VPBank, nhiều ngân hàng khác cũng cho hay, sẽ không bỏ lỡ cơ hội M&A để mở rộng quy mô khi thời cơ đến. Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện của LienVietPostBank và MBBank cho biết, các phương án tăng vốn và hoạt động M&A đang được tính đến. Các tổ chức tín dụng (TCTD) nằm trong mục tiêu M&A của 2 ngân hàng này có thể là những ngân hàng trong diện tái cơ cấu như Dong A Bank, GPBank, Oceanbank...

Trên thực tế, hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng khá trầm lắng trong 2 năm qua. Chỉ một vài thương vụ M&A diễn ra ở nhóm ngân hàng ngoại như trường hợp Shinhan Bank mua mảng bán lẻ của ANZ Việt Nam, VIB mua lại mảng bán lẻ của Commonwealth Bank..., song đây chủ yếu là nhằm điều chỉnh chiến lược hoạt động, chứ chưa được nhìn nhận là hoạt động tạo bước ngoặt.

Theo giới chuyên gia, thị trường M&A ngân hàng trầm lắng trong thời gian qua một phần do quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, đó là các ngân hàng thương mại không được vay tiền để mua cổ phần của ngân hàng khác như giai đoạn trước. Tuy nhiên, trong thời gian tới, M&A lĩnh vực ngân hàng được các chuyên gia tài chính dự báo sẽ sôi động.

M&A - "đường tắt" để ngân hàng nhanh chóng lớn mạnh

Theo lãnh đạo một ngân hàng cổ phần, M&A là cách nhanh chóng giúp ngân hàng mở rộng thị trường, tăng quy mô để đạt được mức tăng trưởng tốt hơn. Đặc biệt trong bối cảnh sự cạnh tranh trên thị trường ngân hàng ngày càng gay gắt, với sự tham gia của các định chế tài chính và công ty tài chính cả trong và ngoài nước, thì việc mở rộng nhanh dư địa tăng trưởng là rất cần thiết.

Hiện tại, hầu hết ngân hàng đang và sẽ có kế hoạch M&A đều có tiềm lực mạnh hơn so với các năm trước. Hơn nữa, sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài tới việc nắm cổ phần của các ngân hàng trong nước cũng là cơ hội để các ngân hàng phát hành thêm cổ phần, tăng vốn điều lệ.

Một trong những nguyên nhân khiến các ngân hàng hào hứng hơn với hoạt động M&A, trong đó mục tiêu là các TCTD đang cần tái cơ cấu, là sự ra đời của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm tại các TCTD.

Nhiều chuyên gia trong ngành ngân hàng cho rằng, Nghị quyết 42 ra đời sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, sẵn sàng tham gia vào quá trình tái cơ cấu. Lý do là bởi trước đây, sẽ rất khó để xử lý nợ nếu mua lại một TCTD đang có những khoản nợ xấu lớn. Còn hiện tại, nợ xấu đã có "đầu ra" khi các cơ chế, chính sách về xử lý tài sản đảm bảo ra đời. Đó cũng là lý do thúc đẩy hoạt động M&A ngành ngân hàng trở nên sôi động.

Theo tổng giám đốc một ngân hàng nước ngoài, xu hướng sáp nhập lại các ngân hàng là tất yếu do Ngân hàng Nhà nước sẽ ngày càng nâng cao chuẩn mực hoạt động, chẳng hạn như chuẩn Basel II, các quy định về đảm bảo thanh khoản và tỷ lệ an toàn vốn... Do đó, các ngân hàng nhỏ, hoặc hoạt động kém hiệu quả sẽ cần phải sáp nhập với các ngân hàng lớn để có thể tồn tại được.

Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm số lượng và tăng quy mô sức mạnh của các ngân hàng nội để có thể nâng cao sức cạnh tranh với các ngân hàng trong khu vực và quốc tế. Một trong những biện pháp để hiện thực hóa chủ trương này là tiến hành M&A và nếu được thực hiện bài bản, được kiểm soát chặt chẽ, M&A có thể giúp xây dựng nên một hệ hống ngân hàng lành mạnh.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, chủ tịch HĐQT một ngân hàng cổ phần lớn cho rằng, M&A là cơ hội, là "con đường tắt" để các ngân hàng nhanh chóng lớn mạnh. Mặc dù vậy, theo quan điểm của vị chủ tịch này, M&A ngân hàng trong giai đoạn vừa qua chủ yếu là do tính đặc thù của nền kinh tế nói chung và hoạt động tái cơ cấu của ngành ngân hàng Việt Nam nói riêng, còn thực tế, chưa có một thương vụ M&A mang tính chất tự nguyện hoàn toàn. Việc M&A giữa các ngân hàng cũng đề cao tính quyền lợi, nên không ít thương vụ M&A ngân hàng thời gian qua gặp thất bại và phải bán lại 0 đồng cho Ngân hàng Nhà nước.

Thực tế cũng cho thấy, thời kỳ hậu M&A, các ngân hàng nhận sáp nhập đã phải “gồng mình" để xử lý khối nợ xấu do đơn vị bị sáp nhập để lại. Chẳng hạn, các ngân hàng BIDV, Sacombank, MaritimeBank, PVCombank… đã mất rất nhiều thời gian, công sức mã vẫn chưa thể xử lý triệt để các khoản nợ xấu của MHB, SouthernBank, Mekongbank, WesternBank…

Tâm lý của các ngân hàng nhỏ là không muốn sáp nhập, bởi nếu sáp nhập vào ngân hàng lớn hơn sẽ bị mất quyền kiểm soát, trừ những ngân hàng yếu kém buộc phải sáp nhập vào ngân hàng lớn để có thể tồn tại. Trên thực tế, với các ngân hàng Oceanbank, CBBank, GPBank sau khi buộc phải bán lại 0 đồng do thua lỗ, Ngân hàng Nhà nước đã đưa người của 3 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối là Vietcombank, Vietinbank và BIDV vào để tái cơ cấu, xử lý nợ xấu. 

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục