Nhiều ngân hàng sẽ điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận 2016

(ĐTCK) Tuy chưa công bố kết quả kinh doanh quý III/2016, song theo ước tính của một số nhà băng, khả năng để hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm nay không quá khó. Nhưng bên cạnh đó, không ít ngân hàng chia sẻ, có thể sẽ phải điều chỉnh giảm chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận năm nay.
HĐQT Eximbank điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2016 xuống 400 tỷ đồng HĐQT Eximbank điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2016 xuống 400 tỷ đồng

Áp lực từ trích lập dự phòng rủi ro

Sớm nhận ra tình hình khó khăn của hoạt ngân hàng cũng như nợ xấu có dấu hiệu tăng, đòi hỏi khoản dự phòng lớn, nên Eximbank không đợi đến hết quý III/2016 mà điều chỉnh kế hoạch hoạt động ngay. Kết thúc 6 tháng đầu năm, nợ xấu của nhà băng này tăng lên 5,3%, dù tín dụng âm 4,62%, khiến dự phòng rủi ro Eximbank tăng gần gấp đôi lên 324 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận trước thuế chỉ đạt gần 80 tỷ đồng.

Chính vì vậy, HĐQT Eximbank đã quyết định điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2016 là 400 tỷ đồng, giảm 44% so với kế hoạch trước đó. Ngoài ra, mục tiêu tổng tài sản là 134.000 tỷ đồng, tăng 7,3% so với năm 2015; chỉ tiêu huy động vốn và dư nợ tín dụng là 108.000 tỷ đồng và 100.000 tỷ đồng, tăng 9,7% và 4% so với năm 2015.

Hiện Eximbank và Sacombank chưa tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2016. Mặc dù Sacombank chưa công bố chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận năm 2016, nhưng 6 tháng đầu năm, dự phòng rủi ro tăng 86% đã làm lợi nhuận trước thuế giảm 76% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 363 tỷ đồng.

Tại KienLongBank, kết thúc nửa đầu năm, Ngân hàng đạt 28,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái, do chi phí hoạt động trong kỳ tăng gần 19%, lên 315 tỷ đồng. Vì vậy, với kỳ vọng chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2016 đạt 300 tỷ đồng, lãnh đạo nhà băng này cho biết, sẽ có nhiều áp lực và khả năng khó hoàn thành. Theo lãnh đạo Kienlongbank, việc điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận trong kinh doanh ngân hàng những năm gần đây là chuyện rất bình thường, khi nợ xấu và dự phòng rủi ro khó có thể giảm.

Không chỉ với nhà băng có tín dụng tăng trưởng âm như Eximbank gây tác động tiêu cực đến lợi nhuận mà có ngân hàng đạt tốc độ tăng trưởng dư nợ trên 20% trong 2 quý đầu năm nay, lợi nhuận cũng bị ảnh hưởng. Tại Nam A Bank, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng cho vay là 25%, nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 165 tỷ đồng (lợi nhuận sau thuế là 130 tỷ đồng). Năm 2016, Nam A Bank đặt kế hoạch đạt 300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Một số ngân hàng có lợi nhuận 6 tháng đầu năm giảm mạnh như ABBank và TPBank cùng giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó ABBank đạt 104 tỷ đồng và TPBank đạt 205 tỷ đồng. Sở dĩ lợi nhuận ABBank sụt giảm trong 6 tháng đầu năm nay là do dự phòng rủi ro tín dụng nhà băng này tăng 7% so với cùng kỳ, lên mức 316 tỷ đồng.

Một số nhà phân tích nhận định, lợi nhuận năm 2016 trong khối ngân hàng sẽ có sự phân hóa mạnh. Nhiều ngân hàng có triển vọng lợi nhuận tiêu cực vì áp lực trích lập dự phòng rủi ro tăng cao. Ngược lại, các ngân hàng tích cực tái cấu trúc sẽ có triển vọng lợi nhuận khả quan. 

Dự báo lợi nhuận quý III và cả năm 2016

Công ty Chứng khoán BVSC dự báo, lợi nhuận sau thuế của Vietcombank trong quý III/2016 có thể tăng gấp rưỡi cùng kỳ năm trước, ước đạt 1.803 tỷ đồng và cả năm là 6.762 tỷ đồng; tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận sau thuế có thể đạt 6.801 tỷ đồng và 1.803 tỷ đồng, tăng lần lượt 22% và 53% so với cùng kỳ năm 2015; thu nhập lãi có thể tăng 26,2% so với cùng kỳ, đạt 4.985 tỷ đồng, dù tăng trưởng tín dụng trong kỳ có dấu hiệu chậm lại.

Theo BVSC, kết quả dự báo khả quan này chủ yếu là nhờ hệ số NIM của Vietcombank nhiều khả năng được cải thiện, đạt khoảng 2,87%, do tỷ trọng mảng bán lẻ trên tổng dư nợ tăng và tăng trưởng huy động vốn chậm hơn so với tăng trưởng cho vay.

Ngoài ra, trong 9 tháng đầu năm 2016, ước tính Vietcombank có thể ghi nhận khoảng 1.200 - 1.300 tỷ đồng thu từ xử lý nợ. Như vậy, tổng các khoản thu ngoài lãi trong 9 tháng ước đạt 4.939 tỷ đồng và trong riêng quý III/2016 đạt 1.816 tỷ đồng. BVSC dự báo, tăng trưởng tín dụng và tiền gửi khách hàng của Vietcombank cả năm 2016 đạt lần lượt 18% và 15%. Chi phí dự phòng cho năm 2016 dự báo ở mức 6.100 tỷ đồng, trong đó các khoản dự phòng cho trái phiếu VAMC là 860 tỷ đồng.

Tại ACB, ngân hàng này chuẩn bị trả cổ tức năm 2015 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 10% và lãnh đạo nhà băng cho hay, tỷ lệ cổ tức trong năm sau sẽ không thấp hơn mức này. 6 tháng đầu năm 2016, lợi nhuận trước thuế của ACB tăng 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó lợi nhuận trước thuế từ các hoạt động ngân hàng cốt lõi tăng 57,5%.

Đây là cơ sở để ACB đẩy nhanh tiến độ xử lý các vấn đề tồn đọng trong năm 2016. Các khoản vay liên ngân hàng của VNCB và GP Bank được giải quyết khi đạt được thỏa thuận với Ngân hàng Nhà nước và 2 ngân hàng trên có thể giúp tăng thu nhập lãi vay từ năm 2016 và tạo nên một khoản hoàn nhập dự phòng năm 2017.

Theo phân tích từ một số công ty chứng khoán, đối với khoản tiền gửi 772 tỷ đồng tại GPBank, ACB đã nhận chuyển nhượng 500 tỷ đồng trái phiếu từ một công ty bất động sản với lãi trung bình 9,2%/năm. 252 tỷ đồng còn lại sẽ được cấn trừ bằng bất động sản của GPBank. Khoản tiền gửi 400 tỷ đồng tại CBank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chủ trương thu hồi hàng năm theo lộ trình từ nay đến 30/9/2020.

Ngoài ra, đối với ACB, giới đầu tư đang kỳ vọng vào việc bán tài sản bảo đảm của Ngân hàng, đặc biệt là cổ phiếu của 2 tổ chức tín dụng (có giá trị hàng nghìn tỷ đồng). Khoản tài sản bảo đảm này chiếm 70% tổng giá trị tài sản bảo đảm của nhóm 6 công ty liên quan đến “bầu” Kiên. Với tổng giá trị dư nợ tại nhóm này khoảng 5.000 tỷ đồng, đã trích lập 1.750 tỷ đồng, nếu bán thành công, có thể coi như ACB giải quyết xong nợ đọng tại 6 công ty.

Một lãnh đạo cấp cao của ACB cho hay, 9 tháng đầu năm nay, Ngân hàng đã thu hồi được khoảng 2.000 tỷ đồng nợ xấu, giảm áp lực dự phòng rủi ro. Kế hoạch lợi nhuận ACB đặt ra năm nay ở mức trên 1.500 tỷ đồng. Theo lãnh đạo ACB, HĐQT quyết tâm xử lý hết những tồn đọng từ nay đến năm 2018 nên chỉ tiêu lợi nhuận sẽ bám sát mục tiêu này.

Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) dự báo, lợi nhuận trước thuế năm 2016 của ACB có thể tăng 22%, đạt 1.603 tỷ đồng, cao hơn kế hoạch của Ngân hàng, nhờ tăng trưởng cho vay khách hàng cao hơn dự kiến 20%, chi phí dự phòng giảm 18,05% xuống 1.872 tỷ đồng.

Đánh giá về ngành ngân hàng, VinaCapital cho rằng, lợi nhuận trong khối ngân hàng thương mại suy giảm trong những năm gần đây do ảnh hưởng bởi nợ xấu của ngành tăng cao, phải tăng trích dự phòng cho các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC. Vì thế, chỉ tiêu lợi nhuận ngân hàng đưa ra năm 2016 và cả năm 2017 cũng sẽ khá thận trọng khi nợ xấu chưa thể xử lý nhanh. Hiện nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận chủ yếu từ tín dụng, nhưng mảng này khó có thể tăng đột biến. 

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục