Nhiều ngân hàng kỳ vọng quá nhiều vào bán nợ xấu cho VAMC

(ĐTCK) Kể từ khi VAMC chính thức đi vào hoạt động, các ngân hàng đã tận dụng và khai thác tối đa công cụ xử lý nợ này từ cuối năm ngoái và sang những tháng đầu năm nay. Song theo nhiều chuyên gia lĩnh vực tiền tệ, nếu không rốt ráo xử lý triệt để, thì sau 5 năm, nguy cơ nợ xấu sẽ cao hơn.
Nhiều ngân hàng kỳ vọng quá nhiều vào bán nợ xấu cho VAMC

Tiếp tục bán nợ xấu cho VAMC

Chủ tịch HĐQT Eximbank ông Lê Hùng Dũng cho biết, năm 2013, Eximbank đã bán nợ xấu cho VAMC 924 tỷ đồng, dự tínhsẽ bán tiếp 1.000 - 1.500 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC.

Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cũng cho hay, ACB đã bán 423 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong năm qua, thu về 318 tỷ trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành và thực hiện trích lập dự phòng bắt đầu từ năm 2014. Trong quý I/2014, ACB bán thêm 80 tỷ đồng nợ xấu, đạt mục tiêu cân bằng trong năm 2014.

Sacombank cũng đã bán nợ cho VAMC 1.000 tỷ đồng, nên nợ xấu của ngân hàng này nhờ đó kéo xuống dưới 1,8%, thấp hơn nhiều so với quy định của NHNN.

3 tháng đầu năm nay, tỷ lệ nợ xấu của Sacombank được lãnh đạo ngân hàng này cho biết, chỉ ở mức 1,44%, nhưng Ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục rà soát nợ xấu để bán cho VAMC.

Đáng chú ý, Sacombank đã thông qua kế hoạch sáp nhập với Southern Bank. Khi kế hoạch này hoàn tất, Sacombank sẽ phải gánh khoản nợ xấu “khủng” từ Southern Bank, ước tính Ngân hàng sẽ cần ghi nhận thêm chi phí dự phòng khoảng 1.589 tỷ đồng (tương đương 38% lợi nhuận hoạt động trước dự phòng). Như vậy, lợi nhuận ròng sau thuế năm 2014 của Sacombank có thể sẽ giảm đến 67% so với năm 2013. Tuy nhiên, quyết định bán nợ xấu cho VAMC sẽ giúp Sacombank giảm chi phí dự phòng phát sinh, nên lợi nhuận có thể chỉ giảm nhẹ. Sacombank sẽ phải trích lập dự phòng khoảng 283 tỷ đồng/năm (tương đương 9% lợi nhuận ròng sau thuế) giai đoạn 2015 - 2019 cho trái phiếu do VAMC phát hành.

Một số ngân hàng khác như Vietcombank, SCB dự kiến bán 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong năm 2014. Navibank, HDBank… cũng đang rà soát bán nợ xấu cho VAMC.

Số liệu đưa ra từ NHNN chi nhánh TP. HCM cho thấy, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 3/2014 giảm còn khoảng 44.700 tỷ đồng, chiếm 4,7% tổng dư nợ, đã cơ cấu lại nợ cho 6.500 khách hàng, với số tiền đạt trên 156.000 tỷ đồng. Nợ xấu chủ yếu tập trung ở lĩnh vực sản xuất - kinh doanh với tỷ lệ hơn 74%. Riêng nợ xấu bất động sản hiện còn 5.877 tỷ đồng. Trong năm 2013, các TCTD trên địa bàn TP. HCM đã xử lý được 33.800 tỷ đồng nợ xấu, trong đó bán nợ cho VAMC 12.300 tỷ đồng… Dự kiến trong năm nay, VAMC sẽ mua khoảng 70.000 - 100.000 tỷ đồng từ các ngân hàng.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. HCM, NHNN chi nhánh Thành phố đang yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn tổng hợp các hồ sơ đầy đủ điều kiện, để có thể bán nợ xấu cho VAMC một cách thuận lợi và nhanh nhất, để từ đó tháo gỡ khó khăn cho ngân hàng.

Có triệt tận gốc?

Mặc dù nợ xấu đã được các NHTM ráo riết bán cho VAMC. Nhưng theo đánh giá của một chuyên gia lĩnh vực tiền tệ, nếu sau 5 năm, các khoản nợ xấu bán cho VAMC không được xử lý triệt để, thì ngân hàng khó có thể trút được gánh nợ, bởi khoản nợ này sẽ được trả lại ngân hàng. Trong khi đó, việc trích lập dự phòng 20% cho trái phiếu đặc biệt sau khi bán nợ cho VAMC cũng chưa hẳn được các ngân hàng thực hiện một cách đầy đủ, nhất là đối với những ngân hàng yếu kém, lợi nhuận thậm chí âm.

“Nếu sau 5 năm các khoản nợ xấu bán cho VAMC vẫn không được xử lý triệt để, trong khi ngân hàng lại không trích dự phòng, thì vòng luẩn quẩn nợ xấu sẽ lặp lại và xấu hơn”, vị chuyên gia trên đánh giá. 

TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, việc đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC cũng như tích cực xử lý nợ xấu của các ngân hàng là điều hết sức cần thiết và sẽ tác động tích cực lên tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, theo TS. Kiêm, để có thể xử lý triệt để các khoản nợ xấu, đòi hỏi phải có sự nỗ lực từ cả ngân hàng và doanh nghiệp, đồng thời cần sớm hình thành thị trường mua bán nợ để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường này.

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, cái khó nhất trong xử lý nợ xấu của các NHTM hiện nay là không dễ phát mãi được tài sản đảm bảo khi khoản vay rơi vào vùng nợ xấu. Bởi hầu hết các tài sản thế chấp đều là bất động sản giờ không còn giữ được giá trị như trước, trong khi cả khách hàng và ngân hàng đều khó tìm được sự đồng nhất để điều chỉnh giá xuống.

Theo thống kê của NHNN chi nhánh TP. HCM, giá trị tài sản đảm bảo cho khoản nợ xấu (46.403 tỷ đồng) của các NHTM trên địa bàn đến nay là 76.962 tỷ đồng. Nhưng việc xử lý nợ xấu qua bán tài sản đảm bảo chỉ mới có 141 tỷ đồng, đã phần nào phản ánh những khó khăn trong việc phát mãi tài sản thế chấp. Theo báo cáo của NHTM trên địa bàn Thành phố về tình hình thực hiện cơ cấu lại nợ, đã có 6.179 khách hàng được cơ cấu lại nợ, với tổng dư nợ là 155.780 tỷ đồng. Điều đó giúp kéo giảm nợ xấu. Tuy nhiên, theo ông Lịch, nợ xấu thấp do cơ cấu lại, nhưng bản chất vẫn là nợ xấu, khi tới hạn lại vẫn lộ ra.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục