Nhiều ngân hàng hết “room” tăng trưởng tín dụng

(ĐTCK) Mặc dù đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép nới room tăng trưởng tín dụng vào giữa năm nay, song đến thời điểm này, một số ngân hàng đã hết “room” cho vay.
NHNN điều chỉnh tăng trưởng mục tiêu tín dụng từ 13-15% lên 17% không phải quá cao mà phù hợp với diễn biến của tình hình kinh tế NHNN điều chỉnh tăng trưởng mục tiêu tín dụng từ 13-15% lên 17% không phải quá cao mà phù hợp với diễn biến của tình hình kinh tế

Trong số đó phải kể đến VPBank, Nam A Bank và một số ngân hàng quy mô nhỏ, “room” tín dụng hạn hẹp. Nam A Bank đã sử dụng hết “room” tăng trưởng tín dụng 25%. Còn tại VPBank, 6 tháng đầu năm 2015, tín dụng tăng trưởng 19,7%.

Trong 11 tháng đầu năm 2015, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 13,98%, tăng đáng kể so với mức 10% cùng kỳ năm ngoái. Ông Nguyễn Đức Long, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) dự báo, năm 2015 tăng trưởng tín dụng có thể đạt khoảng 18%. Chính sự cải thiện mạnh mẽ của tín dụng đã khiến một số ngân hàng thương mại sử dụng hết “room tăng thêm”.

Nhiều ngân hàng hết “room” tăng trưởng tín dụng ảnh 1

Trước đó không lâu, với sự cải thiện của tăng trưởng dư nợ tín dụng ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2015, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, có thể điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên 17%. Đồng thời, nhà điều hành cũng nới “room” tăng trưởng dư nợ tín dụng cho hàng loạt các ngân hàng thương mại lên mức 30-36% để có thêm dư địa cho vay.

Cụ thể, Vietinbank, Vietcombank được nới lên 16%; SeaBank, TPBank lên 35%; Techcombank và LienVietPostBank 30%; VPBank 22%; Nam A Bank 25%; SHB 15%; VIB 20%; BaoVietBank 36%; BIDV Chi nhánh Hà Nội và Chi nhánh TP. HCM 30%; Taipei Fubon Chi nhánh Bình Dương 20%; NCB 24%; Co-opBank 20%; Standard Chartered Việt Nam 30% và Ngân hàng Korea Exchange Bank Chi nhánh Hà Nội được lên 35%. Tuy nhiên, “room” tín dụng được nới vẫn không đủ để một số ngân hàng mở rộng cho vay nên đành chờ sang năm 2016.

Nhiều ngân hàng hết “room” tăng trưởng tín dụng ảnh 2

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho biết, sở dĩ các NHTM hết “room” tín dụng là do hoạt động cho vay những tháng đầu năm khả quan. Cụ thể, tại địa bàn TP. HCM, 11 tháng đầu năm nay, dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn tăng 11% so với đầu năm 2015.

Dự kiến, đến cuối năm 2015, tăng trưởng tín dụng sẽ hoàn thành chỉ tiêu tăng từ 13-15%. Các ngân hàng thương mại cổ phần đã xin tăng “room” để có thêm dư địa cho vay trong nửa cuối năm, nhất là vào quý IV/2015, trong số đó có ngân hàng được tăng lên 35% một năm, nhưng vẫn không đủ.

Tổng giám đốc Nam A Bank, bà Lương Cẩm Tú cho biết, 11 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng đạt mức 25%. Đây là phần Nam A Bank xin tăng thêm nhưng cũng đã sử dụng hết. Theo bà Tú, để có thêm dư địa cho vay, Ngân hàng phải trình xin NHNN cho nâng “room” tăng trưởng dư nợ, nhưng khả năng phải đợi đến đầu năm sau.

Lãnh đạo Nam A Bank cho rằng, tỷ lệ “room” được nới lên ở mức trên chưa phải là quá cao. Một phần, do quy mô Nam A Bank còn nhỏ, tổng số dư nợ tuyệt đối ở mức khiêm tốn thì dù có tăng thêm vài chục phần trăm “room” tín dụng cũng không đáng kể. Đồng thời, Tổng giám đốc Nam A Bank cho hay, nhu cầu vốn của khách hàng đang trở lại, trong đó phải kể đến là những cá nhân có nhu cầu nhà ở, nên cần thêm “room” để đáp ứng.

Nhiều ngân hàng hết “room” tăng trưởng tín dụng ảnh 3

Không chỉ nhà băng quy mô nhỏ hết “room” tăng trưởng dư nợ mà ngay cả những ngân hàng thương mại lớn, có tỷ lệ tăng trưởng cao trong nửa đầu năm nay cũng gần hết “room” tín dụng, khi tăng trưởng dư nợ lên tới 30%.

Điển hình như LienVietPostBank, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2015 NHNN cho phép là 13%. Thế nhưng, do thực hiện chính sách “tam nông” của Chính phủ nên LienVietPostBank dự kiến tăng trưởng tín dụng sẽ vượt mức và xin phép NHNN điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng.

Theo nhận định của các chuyên gia lĩnh vực tài chính - ngân hàng, việc NHNN điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên 17%, cũng như đồng loạt nới room tăng trưởng dư nợ cho nhiều ngân hàng thương mại giữa năm nay cho thấy động thái nới lỏng chính sách tín dụng đang được NHNN áp dụng. Tuy nhiên, trước bối cảnh thị trường còn khó khăn, nợ xấu chưa ngừng tăng, các chuyên gia cho rằng, muốn tăng trưởng tín dụng các ngân hàng thương mại phải kiểm soát được nợ xấu.

TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, việc điều chỉnh tăng trưởng mục tiêu tín dụng từ 13-15% lên 17% của NHNN năm nay không phải quá cao mà phù hợp với diễn biến của tình hình kinh tế đang có dấu hiệu ấm dần lên. Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế bắt đầu có những cải thiện, dù sức khỏe của doanh nghiệp vẫn chưa thực sự hồi phục hẳn.

Theo ông Lịch, việc NHNN điều chỉnh tăng “room” tín dụng cho hàng hoạt ngân hàng thương mại lên 30-35% để đẩy mạnh cho vay không quá đáng ngại, bởi các ngân hàng cũng phải thận trọng để kiểm soát nợ xấu, khó có thể đẩy mạnh vốn ồ ạt như trước.  

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục