Nhiều ngân hàng đang bỏ ngỏ IFRS 9

(ĐTCK) Chuẩn mực Báo cáo Tài chính quốc tế số 9 (IFRS 9) có hiệu lực từ 1/1/2018 sẽ tạo ra những thay đổi quan trọng về kế toán đối với các ngân hàng, trong đó đáng kể nhất là thay đổi trong phương pháp ước tính tổn thất tín dụng. 
Đối với các ngân hàng có hệ thống ngân hàng lõi mạnh, với nguồn dữ liệu khả dụng đầy đủ và phong phú, việc chuyển đổi sang IFRS 9 sẽ bớt khó khăn hơn Đối với các ngân hàng có hệ thống ngân hàng lõi mạnh, với nguồn dữ liệu khả dụng đầy đủ và phong phú, việc chuyển đổi sang IFRS 9 sẽ bớt khó khăn hơn

Theo chuẩn mực cũ - Chuẩn mực Kế toán quốc tế số 39, việc tính toán tổn thất tín dụng được áp dụng bởi mô hình “Tổn thất đã phát sinh” (Incurred Loss Mode), trong khi IFRS 9 - chuẩn mực mới về công cụ tài chính, yêu cầu các ngân hàng phải ghi nhận và trích lập dự phòng tổn thất tín dụng theo phương pháp “Tổn thất tín dụng dự kiến” (Expected Credit Loss - ECL).

Nhìn chung, phương pháp ECL có tính phức tạp cao, sử dụng nhiều ước tính, được coi là “thử thách” đối với cán bộ lập báo cáo tài chính và ủy ban kiểm toán của các ngân hàng, cũng như các kiểm toán viên.

Cụ thể, đối với cán bộ lập báo cáo tài chính và ủy ban kiểm toán của các ngân hàng, thách thức đến từ việc phải tìm hiểu chi tiết về IFRS 9 và phương pháp ECL, để từ đó có thể xây dựng quy trình và các biện pháp kiểm soát cho phù hợp.    

Đối với kiểm toán viên, chất lượng công tác kiểm toán phụ thuộc nhiều vào việc liệu các ngân hàng có văn bản hóa các quy trình ước tính ECL, cũng như có biện pháp kiểm soát phù hợp để đảm bảo các ước tính ECL là hợp lý hay không. Bên cạnh việc đánh giá quá trình chuyển đổi sang IFRS 9 cho năm 2018, các kiểm toán viên phải đồng thời kiểm toán các thuyết minh về ảnh hưởng dự kiến của IFRS 9 đối với báo cáo tài chính năm 2017 của các ngân hàng. Lượng công việc phải làm là rất lớn, trong khi thời điểm hiệu lực của IFRS chỉ còn vài tháng.

Khoản mục dự phòng tổn thất tín dụng trên báo cáo tài chính của các ngân hàng dự kiến sẽ tăng và biến động nhiều hơn khi áp dụng IFRS 9. Theo một khảo sát gần đây của Ngân hàng Trung ương châu Âu, dự phòng tổn thất tín dụng (trong trường hợp ghi nhận toàn bộ vào báo cáo lãi lỗ) sẽ tăng từ 18-30%.

Theo Fitch Ratings, trong một vài năm đầu tiên chuyển đổi sang áp dụng IFRS 9, các chỉ tiêu về vốn và tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng sẽ giảm, trong khi các chỉ tiêu về lợi nhuận sẽ có xu hướng biến động nhiều hơn.

Tổ chức xếp hạng này cũng cho biết, việc chuyển sang phương pháp ECL đòi hỏi những thay đổi đáng kể về quy trình, trong đó có việc tăng cường kết hợp giữa quản lý rủi ro tín dụng và hệ thống kế toán nội bộ. Các ngân hàng cần nhiều hơn các dữ liệu về hiệu quả hoạt động của danh mục tín dụng trong suốt chu kỳ tín dụng, cũng như sẽ phải xây dựng các mô hình ước tính phức tạp. Việc chuyển đổi sang IFRS 9 sẽ bớt khó khăn hơn đối với các ngân hàng có hệ thống ngân hàng lõi mạnh, với nguồn dữ liệu khả dụng đầy đủ và phong phú.

Quản lý tín dụng theo phương pháp ECL: Những thách thức

Phương pháp ECL yêu cầu các ngân hàng phải tạo mới các mô hình tín dụng và thực hiện những xét đoán quan trọng để xác định tổn thất tín dụng cho mỗi kỳ báo cáo.  Theo quan sát của KPMG Việt Nam, hầu hết ngân hàng lớn thực hiện yêu cầu này thông qua việc mở rộng các mô hình vốn và kiểm tra sức chịu đựng (stress-test) theo quy định tại Basel II. Các ngân hàng chưa áp dụng phương pháp tiếp cận tiên tiến về vốn của Basel II sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Việc áp dụng IFRS 9 còn tiềm ẩn phát sinh các rủi ro tác nghiệp do các ngân hàng cần phải xây dựng, chỉnh sửa và duy trì các mô hình phức tạp, cùng với đó là các ước tính và xét đoán quan trọng để tính toán giá trị dự phòng tổn thất tín dụng.

Phức tạp ở chỗ IFRS 9 là chuẩn mực dựa trên các nguyên tắc và không quy định một mô hình chuẩn nào cho việc ước tính tổn thất tín dụng dự kiến. Do đó, mỗi ngân hàng phải xây dựng một mô hình ECL riêng. Một số ngân hàng có hướng tiếp cận chung là xây dựng mô hình ECL trên cơ sở mở rộng mô hình vốn theo Basel. Tuy nhiên, do các quy định của IFRS có khác biệt với quy định về vốn của Basel II, các ngân hàng này cần phải tạo mới một hệ thống quy trình và xử lý dữ liệu phục vụ riêng cho mô hình ECL.

Trong khi các ngân hàng toàn cầu và trong khu vực châu Á đang khẩn trương chuẩn bị cho việc áp dụng IFRS 9 thì các ngân hàng tại Việt Nam dường như chưa mấy quan tâm.  Câu hỏi đặt ra là liệu các ngân hàng Việt Nam có bị ảnh hưởng khi IFRS 9 có hiệu lực.

Theo đánh giá của KPMG Việt Nam, hiện có rất ít ngân hàng quan tâm tìm hiểu các yêu cầu của IFRS 9, cũng như ảnh hưởng tiềm tàng của chuẩn mực này, cho dù các ngân hàng này có lập báo cáo tài chính theo IFRS.

Tới nay, vẫn chưa có quy định pháp lý nào từ các cơ quan chủ quản như Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước bắt buộc các ngân hàng trong nước áp dụng IFRS 9. Do đó, việc áp dụng IFRS 9 vào năm 2018 nhiều khả năng sẽ không ảnh hưởng gì đến hoạt động của các ngân hàng trong nước, ngoại trừ các ngân hàng chủ động lập báo cáo tài chính theo IFRS.

Vì không có quy định bắt buộc từ các cơ quan quản lý, các ngân hàng trong nước sẽ thấy không nhất thiết phải tìm hiểu về ảnh hưởng của IFRS, 9 hay lên kế hoạch thực hiện một trong những chuẩn mực kế toán phức tạp nhất này.

Tuy nhiên, đối với một số ngân hàng thuộc nhóm dẫn đầu, muốn phát hành báo cáo tài chính theo IFRS cho các nhà đầu tư và/hoặc đối tác nước ngoài, ảnh hưởng của việc áp dụng IFRS 9 sẽ là trọng yếu, bởi phải ước tính tổn thất tín dụng theo ECL và trình bày các thuyết minh theo quy định IFRS 9.

Nếu không thực hiện được các quy định của IFRS 9, báo cáo tài chính theo IFRS năm 2018 của các ngân hàng này có khả năng bị kiểm toán viên đưa ra ý kiến ngoại trừ. Do đó, Ban điều hành, thành viên các ban kiểm soát và Hội đồng quản trị của các ngân hàng này nên tham vấn đơn vị kiểm toán của mình để lập kế hoạch áp dụng IFRS 9 càng sớm càng tốt.

Trần Đình Vinh, Phó tổng giám đốc phụ trách Kiểm toán - Dịch vụ tài chính, KPMG Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục