Nhân sự ngân hàng: Câu chuyện không còn là thiếu hay đủ

(ĐTCK) Tình trạng thiếu nhân sự trong ngành ngân hàng đang dần được khắc phục, không ít ngân hàng đã chuyển sang trạng thái đủ người để đáp ứng nhu cầu công việc hiện tại. Tuy nhiên, câu chuyện nhân sự ngân hàng không còn đơn thuần là thiếu hay đủ.
Nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh chiến lược nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh chiến lược nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nhân sự cần tinh

Báo cáo tài chính của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa công bố cho biết, số lượng nhân viên ở ngân hàng mẹ chỉ còn 9.480 người, giảm 1.466 người trong quý II/2019. Trước đó, quý I/2019, số lượng nhân viên của ngân hàng này giảm 520 người. Như vậy, tính đến cuối tháng 6/2019, VPBank giảm gần 2.000 người so với cuối năm 2018.

Tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), thời điểm 30/6/2019 có 10.832 nhân viên, giảm so với mức 11.008 nhân viên cuối năm 2018. Trong cùng khoảng thời gian, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) giảm số lượng nhân viên từ 2.000 người xuống 1.876 người; Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) giảm từ 7.546 người xuống 7.522 người; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giảm từ 25.416 người xuống 25.240 người, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) giảm từ 24.197 người xuống 23.837 người…

Bên cạnh những ngân hàng giảm nhân viên thì không ít ngân hàng tuyển thêm người như Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).

Theo đó, thời điểm cuối tháng 6/2019, Techcombank có 9.739 nhân viên, tăng so với con số 9.210 nhân viên cuối năm 2018; số lượng nhân viên tại HDBank tăng từ 13.992 người lên 14.055 người, số lượng nhân viên tại TPBank tăng từ 4.844 người lên 5.508 người.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp VPBank cho biết, số lượng nhân sự của VPBank giảm mạnh nhất trong toàn hệ thống, nhưng kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2019 là chỉ dấu tích cực, xây dựng nền tảng cho một giai đoạn tăng trưởng mới của Ngân hàng. VPBank đang thực hiện chương trình “Be Fit”, tập trung vào ba mục tiêu: nâng cao hiệu suất lao động; tinh chỉnh cơ cấu tổ chức; tối ưu hóa quy trình và hệ thống hoạt động.

Một dẫn chứng minh họa cho việc thực hiện các mục tiêu trên đó là VPBank Online có khoảng 3,5 triệu người dùng tính đến cuối tháng 6/2019, tăng 115% so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, số lượng giao dịch thanh toán hóa đơn trên ứng dụng này tăng 5 lần, đạt gần 300.000 giao dịch/tháng. Tổng giá trị giải ngân các khoản vay phê duyệt qua VPBank Online đạt hơn 350 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, chiếm gần 90% giá trị giải ngân toàn hệ thống.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là chiến lược được ưu tiên của các nhà băng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ đặt ra các thử thách lớn hơn đối với ngành ngân hàng. Tại Việt Nam, việc nâng cao chất lượng lao động nói chung và tại ngành ngân hàng nói riêng đang được đẩy mạnh.

Ngày 17/7/2019, Ngân hàng Nhà nước đã có Quyết định số 1537/QĐ-NHNN về việc phê duyệt kế hoạch triển khai chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực.

Kế hoạch bao gồm các nội dung: xây dựng các tiêu chuẩn nghề nghiệp, áp dụng chứng chỉ hành nghề đối với một số vị trí cốt lõi trong ngành ngân hàng; tăng cường hợp tác giữa đơn vị đào tạo và đơn vị sử dụng lao động; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam và hội nhập kinh tế quốc tế; đào tạo lực lượng cán bộ nắm bắt được tiến bộ khoa học công nghệ và ứng dụng vào thực tiễn của ngành; xây dựng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin tại các tổ chức tín dụng có trình độ nghiệp vụ giỏi, tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng nhu cầu quản trị vận hành và làm chủ các hệ thống công nghệ hiện đại; tăng cường hợp tác, tận dụng hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu từ các tổ chức quốc tế; chiến lược phát triển nguồn nhân lực của ngành đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á cho hay, đội ngũ nhân sự đóng vai trò then chốt đối với sự thành công của Ngân hàng. Do đó, Standard Chartered Việt Nam luôn nỗ lực thúc đẩy sự thành công của nhân viên bằng cách hỗ trợ họ hiện thực hóa các mục tiêu sự nghiệp cũng như mục tiêu cá nhân.

“Tham vọng của chúng tôi là trở thành ngân hàng tốt nhất được khách hàng tin chọn và đầu tư vào con người sẽ tiếp tục là một trong những ưu tiên hàng đầu để đảm bảo rằng, chúng tôi có thể thu hút và giữ chân được những nhân sự giỏi nhất trên thị trường”, ông Nirukt Sapru nói.

Được biết, môi trường làm việc và văn hóa tại Standard Chartered Việt Nam đề cao sự đa dạng và hòa đồng, giúp từng cá nhân được thoải mái là chính mình và phát huy tối đa năng lực. Nhân viên được khuyến khích và trao quyền để tạo ra sự khác biệt, không ngừng nỗ lực nâng cao hiệu quả công việc và tìm ra các cơ hội mới để thúc đẩy sự sáng tạo. Đánh giá con người qua chất lượng công việc, thay vì qua thời gian ngồi tại bàn làm việc. Ngân hàng cho phép nhân viên làm việc linh hoạt hoặc làm việc từ xa khi cần thiết, với sự hỗ trợ của các nền tảng công nghệ tiên tiến.

Ngân hàng này thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo ở trong nước và nước ngoài, cũng như cung cấp các nền tảng học tập trực tuyến để giúp nhân viên cải thiện kiến thức và kỹ năng, bao gồm chương trình đào tạo đội ngũ quản lý tập trung vào xây dựng đội nhóm có hiệu suất cao và các khóa đào tạo để nâng cao kiến thức chuyên môn cho nhân viên.

Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB chia sẻ: “Con người là một trong những yếu tố mà chúng tôi coi trọng nhất trong quá trình phát triển của ngân hàng. Chính vì vậy, các chính sách tuyển dụng, đãi ngộ nhân tài luôn được xây dựng dựa trên việc đảm bảo tối đa lợi ích cho người lao động, cải thiện môi trường làm việc, khuyến khích tăng năng suất lao động bằng việc khen thưởng kịp thời các cá nhân, đơn vị. Bên cạnh đó, cơ hội thăng tiến và phát triển bản thân luôn rộng mở với những cán bộ, nhân viên có nhiều đóng góp và cống hiến cho Ngân hàng”.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục