Nhân sự cấp cao ngân hàng: Rục rịch biến động trước mùa đại hội

(ĐTCK) Mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2018 sắp khai màn và với riêng ngành ngân hàng, câu chuyện về nhân sự cấp cao bắt đầu nóng, nhất là khi quy định mới về hoạt động của các tổ chức tín dụng đã có hiệu lực.
Mùa ĐHCĐ ngân hàng thường bắt đầu từ giữa tháng 3, đầu tháng 4 hàng năm Mùa ĐHCĐ ngân hàng thường bắt đầu từ giữa tháng 3, đầu tháng 4 hàng năm

Luân chuyển ghế CEO

Trước ngày nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, SeABank bất ngờ thông báo ông Nguyễn Cảnh Vinh có đơn từ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc (CEO) vì lý do cá nhân chỉ sau hơn 4 tháng đảm nhận ghế nóng. Trước đó, ông Vinh là Phó tổng giám đốc của Techcombank.

Trước đó, ngày 12/1, ABBank cũng công bố ông Cù Anh Tuấn thôi chức CEO cũng vì lý do cá nhân sau gần 2 năm điều hành Ngân hàng. Phó tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Quân được giao nhiệm vụ Tổng giám đốc. Ông Quân sinh năm 1973, có hơn 22 năm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, từng nắm giữ các chức vụ chủ chốt tại nhiều ngân hàng trước khi giữ chức Phó tổng giám đốc ABBank từ tháng 6/2015, phụ trách các mảng pháp chế, quản lý tín dụng và rủi ro.

Kienlongbank vừa bổ nhiệm ông Võ Văn Châu, Thành viên HĐQT kiêm CEO Kienlongbank giữ chức Phó chủ tịch HĐQT kiêm CEO Ngân hàng kể từ ngày 13/2/2018. Ông Châu sinh năm 1953, từng là CEO của OCB.

Ngóng ghế Chủ tịch

Tại BIDV, sau khi Chủ tịch HĐQT Trần Bắc Hà về hưu hồi tháng 9/2016, đã 17 tháng trôi qua Ngân hàng vẫn chưa có chủ tịch mới. Tuy nhiên, tại mùa ĐHCĐ năm nay, nhiều khả năng chiếc ghế Chủ tịch BIDV sẽ có chủ. Mới đây, ông Phạm Quang Tùng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) được điều động trở lại BIDV vào tháng 12/2017.

Ông Tùng sinh năm 1971, từng giữ chức Phó tổng giám đốc BIDV trước khi đến VDB nhận ghế Chủ tịch thay cho ông Nguyễn Quang Dũng (quyền Chủ tịch VDB) nghỉ hưu. Hiện chưa rõ ông Tùng sẽ đảm nhận vai trò nào tại BIDV.

Kể từ khi ông Trần Bắc Hà về hưu, nhiệm vụ phụ trách HĐQT BIDV được tạm thời giao cho ông Trần Anh Tuấn - Thành viên HĐQT, người đại diện theo pháp luật là Tổng giám đốc Phan Đức Tú.

Ngoài vị trí chủ tịch, có khả năng BIDV còn phải bầu bổ sung thành viên HĐQT khi mới đây, ông Nguyễn Huy Tựa đã từ nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT từ ngày 1/11/2017 để nghỉ hưu theo chế độ. BIDV hiện chưa công bố thời gian họp ĐHCĐ thường niên 2018.

Vị trí chủ tịch HĐQT của ngân hàng có hơn triệu tỷ đồng tài sản sẽ là câu chuyện được chú ý. Ông Tùng hay bất cứ ai khác ngồi vào ghế ông Trần Bắc Hà để lại đều là nhiệm vụ khó khăn.

Trong khi đó, với VDB, sau khi ông Phạm Quang Tùng được điều chuyển, ngân hàng này đang khuyết cả 2 vị trí quan trọng nhất là Chủ tịch và CEO, bởi trước đó, ông Trần Bá Huấn đã thôi chức CEO để nghỉ hưu từ ngày 1/10/2017.

LienVietPostBank vừa công bố sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên 2018 vào ngày 28/3 tới. Có nhiều đồn đoán rằng, cùng với BIDV, LienVietPostBank cũng sẽ có Chủ tịch HĐQT mới khi Chủ tịch Nguyễn Đức Hưởng đã gián tiếp công khai chuyện từ nhiệm sau chưa đầy 1 năm ngồi ghế nóng thay ông Dương Công Minh, vì lý do sức khỏe.

Theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ 15/1/2018, chủ tịch, thành viên HĐQT, tổng giám đốc của tổ chức tín dụng không được kiêm nhiệm chức vụ tương tự ở doanh nghiệp khác, tức là chỉ được chọn "1 trong 2".

Với quy định mới, nhiều lãnh đạo ngân hàng đang trong tình trạng "tiến thoái lưỡng nan". Bởi luật đã có hiệu lực, nhưng mới chỉ có vài người chính thức đưa ra chọn lựa, đơn cử như ông Dương Công Minh chọn Sacombank, ông Đỗ Quang Hiển chọn SHB, ông Đỗ Minh Phú chọn TPBank hay bà Thái Hương chọn BacABank…, trong khi nhiều lãnh đạo khác vẫn đang kiêm nhiệm ghế “nóng” ở cả doanh nghiệp và ngân hàng. Dù vậy, lãnh đạo các ngân hàng này cho biết, họ sẽ tuân thủ quy định và sẽ sớm đưa ra lựa chọn phù hợp nhất.

Theo đánh giá của giới quan sát, việc tuân thủ quy định trên vẫn cần thêm một thời gian nữa, sớm nhất là mùa ĐHCĐ thường niên 2018 diễn ra vào tháng 3, 4 tới. Do vậy, trong thời gian tới, chắc chắn sẽ có luồng dịch chuyển khá mạnh về nhân sự cấp cao ở những ngân hàng còn vướng vào quy định trên.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, những quy định về nhân sự được nêu cụ thể trong Luật sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng là hợp lý, nhằm tránh tình trạng sở hữu chéo, hoạt động “sân trước, sân sau”, thao túng ngân hàng…

Trong nhiều năm qua, nhân sự cấp cao của ngành ngân hàng thường biến động mỗi khi vào mùa ĐHCĐ. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề duy nhất, bởi nhà đầu tư còn nhiều điều quan trọng để chờ đợi như hiệu quả hoạt động, xử lý nợ xấu, cổ tức…

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục