Nhận diện dòng kiều hối cuối năm

(ĐTCK) Cũng như quy luật mọi năm, vào những tháng cận Tết Nguyên đán này, dòng kiều hối về nước qua các ngân hàng đang tăng mạnh. Theo dự báo của các chuyên gia tài chính – kinh tế, khả năng kiều hối năm nay có thể đạt tới con số 10 - 11 tỷ USD.
Nhận diện dòng kiều hối cuối năm

Nhận diện dòng kiều hối cuối năm ảnh 1Kiều hối về nước năm nay dự kiến đạt 10 - 11 tỷ USD

 

Doanh số chi trả cao

Mặc dù năm nay, thị trường chứng khoán và bất động sản trầm lắng, khiến kiều hối  đầu tư vào hai lĩnh vực này sụt giảm đáng kể, nhưng tổng lượng kiều hối về Việt Nam qua các ngân hàng và Công ty trực thuộc vẫn cao hơn năm trước.

Theo Công ty Kiều hối Đông Á, dù thị trường bất động sản đóng băng, song kiều bào vẫn chuyển tiền về để hoàn tất những dự án khách sạn, nhà hàng dang dở khiến lượng kiều hối vẫn tăng. Tính đến hết tháng 11/2012, doanh số chi trả kiều hối qua công ty này đạt 1,35 tỷ USD và dự kiến cả năm đạt 1,4 tỷ USD, tăng nhẹ so với năm 2011 (là 1,35 tỷ USD). Ông Trần Văn Trung, Tổng giám đốc Công ty cho rằng, tỷ giá ổn định đã góp phần giúp kiều hối năm nay gia tăng, nhất là khách hàng nhận kiều hối bằng tiền đồng tăng đến 400%.

Nhờ vậy, hoạt động thu đổi ngoại tệ của các ngân hàng đang rất sôi động. Hiện các ngân hàng đang cố gắng thu hẹp chênh lệch giữa tỷ giá hoán đổi ngoại tệ trong ngân hàng và ngoài thị trường tự do. Có thể thấy, nhiều thời điểm, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng còn cao hơn ngoài thị trường tự do.

Trả lời ĐTCK, ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank cũng cho biết, tính đến đầu tháng 12/2012, doanh số chi trả kiều hối qua Công ty Kiều hối Sacombank đạt gần 1,6 tỷ USD, hoàn thành kế hoạch cả năm và tăng 20% so với doanh số thực hiện của năm 2011. Theo ông Khang, khả năng, doanh số kiều hối qua Ngân hàng sẽ vượt kế hoạch khá do vào tháng cận Tết Nguyên đán, lượng kiều hối về Việt Nam sẽ tăng mạnh do kiều bào chuyển quà Tết cho người thân.

Để thu hút mạnh kiều hối dịp cận Tết, ông Khang cho biết, Sacombank sẽ có những chính sách ưu đãi, khuyến mãi cho khách hàng nhận kiều hối cũng như gia tăng tiện ích và rút ngắn thời gian chi trả.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho hay, doanh số chi trả kiều hối qua các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 11/2012 ước đạt hơn 3 tỷ USD. NHNN TP. HCM dự kiến, cả năm 2012, kiều hối về Việt Nam qua các ngân hàng khu vực Thành phố ước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 200 triệu USD so với năm 2011.

 

Sẽ tăng mạnh dịp cận Tết

Kiều hối năm 2012 được nhiều chuyên gia dự báo sẽ đạt doanh số 10 - 11 tỷ USD, tương đương mức tăng 20% so với năm 2011 và cao hơn mức trung bình hàng năm là 10 - 15%. Tính từ năm 1993 đến nay, lượng kiều hối về nước đã lên tới con số 70 tỷ USD, góp một nguồn lực không nhỏ trong xây dựng và phát triển kinh tế đất nước. Không chỉ tăng nguồn vốn đầu tư, kiều hối đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam , tăng dự trữ ngoại tệ, giảm áp lực gia tăng tỷ giá. Trong hai năm 2011 - 2012, cán cân thanh toán đã có số dư vượt dự đoán, sau 2 năm bị thâm hụt. Kiều hối được dự báo sẽ tăng mạnh vào dịp cận Tết Nguyên đán.

Theo dự đoán của Tổng giám đốc Kiều hối Đông Á, nhiều khả năng trong tháng 12, kiều hối sẽ sụt giảm nhẹ do nhu cầu chi tiêu của kiều bào tăng do đây là dịp Tết (Dương lịch). Tuy nhiên, kiều hối sẽ tăng lại vào dịp Tết Nguyên đán.

Tổng giám đốc Công ty Kiều hối Đông Á cũng cho hay, kiều hối chuyển về từ các nước có tỷ lệ xuất khẩu lao động nhiều đang gia tăng. Đặc biệt là 2 thị trường có số lượng lao động Việt Nam đang làm việc nhiều là Malaysia và Đài Loan. Theo ông Trung, để thu hút kiều hối năm nay, Kiều hối Đông Á chú trọng vào các thị trường có số lượng lao động Việt Nam làm việc nhiều, bên cạnh các thị trường truyền thống như Mỹ, Canada… Mặt khác, để đạt được doanh số kiều hối cao qua các năm, Kiều hối Đông Á cũng có sự đầu tư cho việc chi trả kiều hối trong nước, chẳng hạn như đầu tư cho mạng lưới bao phủ, nhằm tạo sự thuận tiện cho người nhận.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Hoàng Minh, tỷ giá ổn định trong thời gian qua cũng như các dự báo đưa ra, tỷ giá thời gian tới sẽ không có nhiều biến động sẽ tác động tích cực đến việc thu hút nguồn kiều hối. Theo công bố của NHNN đầu tháng 10/2012, cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2012 thặng dư 6,45 tỷ USD, dự trữ ngoại hối tăng thêm 6,471 tỷ USD, góp phần ổn định tỷ giá, góp phần giảm sức ép đối với tâm lý kỳ vọng lạm phát. Dự báo cán cân tổng thể sẽ tiếp tục thặng dư trong cả năm 2012 do cán cân vãng lai tiếp tục đạt thặng dư, trong đó, Việt Nam tiếp tục xuất siêu và lượng kiều hối tiếp tục được chuyển về gia tăng.

Thùy Vinh
Thùy Vinh

Tin cùng chuyên mục