Nhắc lại chuyện sàn vàng quốc gia

Chuyện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là cơ quan giữ vai trò "độc quyền" cung ứng trên thị trường vàng vẫn chưa bao giờ nhận được tiếng nói đồng thuận.
Nhắc lại chuyện sàn vàng quốc gia

>> Thị trường vàng 40 tỷ USD: hãy chọn cách làm khác

>> Thị trường vàng dưới góc nhìn Trưởng đại diện IMF

>> Vàng nội đứng nhìn vàng ngoại giảm

Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 còn nhiều khó khăn, việc thị trường vàng ổn định được coi là một điểm sáng của nền kinh tế, chứng tỏ hiệu quả quản lý vĩ mô đối với mặt hàng nhạy cảm này.

 

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2013 của Chính phủ, chỉ số giá vàng tháng 9/2013 đã giảm 18,6% so với tháng 12/2012 và giảm 16,13% so với cùng kỳ năm trước.

 

Ngoại trừ việc chịu ảnh hưởng của việc giá vàng thế giới giảm, không thể phủ nhận, sự giảm giá này của vàng trong nước còn do các giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong đó tập trung vào hai nhóm giải pháp chính: đưa hoạt động nhập khẩu và sản xuất vàng về một đầu mối, cấm sử dụng vàng như một phương tiện thanh toán... đã phát huy hiệu quả tích cực.

 

Từ thực tế đó, có những ý kiến cho rằng: đã đến lúc nên trả việc kinh doanh vàng lại cho doanh nghiệp, còn NHNN đóng vai trò quản lý, tránh tình trạng NHNN  “vừa đá bóng, vừa thổi còi” như hiện nay.

 

Theo đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên ban cố vấn của Chính phủ, nếu để các công ty kinh doanh vàng tự xuất và tự nhập, còn NHNN chỉ làm nhiệm vụ giám sát về khối lượng, giám sát giá cả nếu thấy cần thiết, thì NHNN không phải là người gánh rủi ro của thị trường khi đứng ra nhập khẩu, xuất khẩu vàng.

 

Thêm vào đó, nếu để doanh nghiệp tự xuất và nhập khẩu vàng thì luồng vàng ra - vào Việt Nam sẽ nhanh hơn, cân bằng được giá trong nước với giá thế giới.

 

TS. Ngô Trí Long, chuyên gia thị trường giá cả, phân tích: Không phải đến bây giờ mà theo tôi việc này nên làm từ lâu rồi. Nên cho doanh nghiệp chủ động kinh doanh, coi vàng là một loại hàng hóa bình thường nhưng có cơ chế quản lý riêng và nên thành lập sàn vàng quốc gia”.

 

Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào cũng đồng ý với việc trả hoạt động kinh doanh vàng cho thị trường vào thời điểm hiện nay. Vì theo phân tích của nhiều chuyên gia, những gì mà NHNN đã làm được đối với thị trường vàng chưa đủ để chứng minh rằng thị trường này đã hết bất ổn.

 

Theo phân tích của TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP. HCM: Trung Quốc là quốc gia khai thác vàng, nhưng để tự do hóa hoạt động kinh doanh vàng phải mất tới 50 năm.

 

“Việt Nam đã từng có hai giai đoạn thả nổi thị trường vàng, đó là thời kỳ 2007 - 2009 và 2009 - 2012. Hậu quả của sự thả nổi này chúng ta đều thấy rõ. Vì vậy, chưa nên thả nổi thị trường vàng vào thời điểm hiện nay. Chỉ khi nào tâm lý người dân không còn quá nặng nề với vàng thì khi ấy mới nên để hoạt động kinh doanh vàng cho doanh nghiệp tự quyết” - ông Lê Thẩm Dương nói.

 

Còn chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là thành lập được sàn vàng quốc gia.

 

“Vấn đề thành lập sàn vàng quốc gia được đặt ra từ lâu nhưng chưa triển khai được. Theo tôi, bây giờ là lúc chúng ta có đủ điều kiện để thành lập sàn vàng. Chỉ khi nào sàn vàng hoạt động bài bản, quy củ thì khi ấy mới có thể tính đến chuyện trả hoạt động kinh doanh vàng lại cho thị trường tự điều tiết” - ông Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

 

Theo số liệu của NHNN, sau 66 phiên đấu thầu vàng, cơ quan này đã bán ra thị trường 1.670.200 lượng, tương đương hơn 62,6 tấn vàng. Tổng mức chào thầu qua các phiên đấu thầu đã đạt 1.777.000 lượng vàng, tương đương gần 66,7 tấn vàng. Lực lượng này đã góp phần tạo nên sự bình ổn cho thị trường vàng thời gian vừa qua.


VOV

Tin cùng chuyên mục