Nhà nước không nên quy định lãi suất ngân hàng

Hiện nay trần lãi suất huy động tiền đồng là do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định. Cách làm này đang gây ra nhiều ý kiến tranh luận mà bài viết dưới đây là một trong những ý kiến đó.
Việc nhà nước quy định trần lãi suất tiền đồng đang gây nhiều tranh luận
Việc nhà nước quy định trần lãi suất tiền đồng đang gây nhiều tranh luận

Lãi suất là giá vốn vay. Sẽ chẳng có chuyện để nói, nếu lãnh đạo một ngân hàng quy định lãi suất áp dụng tại các chi nhánh, các phòng giao dịch của họ, bởi đó là sự chỉ đạo kinh doanh của cấp trên đối với cấp dưới trong một doanh nghiệp. Nhưng khi NHNN ra thông tư chính thức quy định trần lãi suất huy động 14% áp dụng cho cả hệ thống ngân hàng, lại là câu chuyện khác hẳn.

Ý kiến trái chiều nảy sinh, tuy ai cũng biết mục đích của NHNN là kiềm chế lãi suất huy động, qua đó kiềm chế lãi suất cho vay, như một biện pháp kiềm chế lạm phát.

Theo Luật NHNN, NHNN là cơ quan ngang bộ và là Ngân hàng trung ương. Với tư cách cơ quan ngang bộ, NHNN có chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và ngân hàng bằng pháp luật và chính sách, không chỉ đạo kinh doanh thuộc chức năng quản lý của chủ sở hữu. Vậy mà bằng thông tư này, NHNN đã trực tiếp quy định lãi suất mà các ngân hàng phải trả cho khách hàng gửi tiền, tức là đã từ quản lý nhà nước lấn sang quản lý kinh doanh, từ vai trò Nhà nước lấn sang vai trò chủ sở hữu.

Là một loại giá, lãi suất tất biến động theo lạm phát, trong đó nguyên tắc được chấp nhận rộng rãi là lãi suất huy động thực phải là số dương, tức là lãi suất danh nghĩa phải cao hơn lạm phát. Từ nguyên tắc này, có thể thấy lãi suất huy động 14% mà NHNN quy định là phù hợp với mức lạm phát năm 2010 (11,75%). Song lạm phát lại không dừng ở đấy, mà tiếp tục tăng. Chỉ qua mấy tháng đầu năm 2011, lạm phát đã vượt 14%, lãi suất thực đã thành số âm.

Do chính sách tiền tệ thắt chặt, vốn vay trở nên khan hiếm, mà lãi suất huy động thực tế lại âm, nhiều ngân hàng, trước hết là những ngân hàng nhỏ, tài lực yếu, đã nối tiếp nhau “phá trần”, tùy tiện tăng lãi suất huy động thực bằng cách bổ sung vào lãi suất danh nghĩa 14% những quà tặng, khuyến mãi khác nhau, đẩy lãi suất huy động thực nhiều trường hợp lên tới 17-19%. Mục tiêu NHNN đặt ra cho trần lãi suất huy động không những không đạt, mà ngay trần cũng bị phá thủng. Thông tư bị vô hiệu hóa, không đi được vào thực tế như mong muốn.

Lãi suất huy động thực tăng lên đã đẩy lãi suất cho vay lên tới 22-25%, vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Để khống chế lãi suất cho vay, xuất hiện ý tưởng quy định trần lãi suất cho vay và bãi bỏ trần lãi suất huy động! Nhưng kìm phải có hai gọng, kìm lãi suất trước sau vẫn chỉ có một gọng! Câu hỏi đặt ra: Trần lãi suất huy động đã bị vô hiệu hóa rồi, lấy gì bảo đảm trần lãi suất cho vay sẽ không bị vô hiệu hóa? Thế là lại xuất hiện ý tưởng mới hơn và được nhiều người ủng hộ: bãi bỏ cách quản lý bằng các trần lãi suất. Nhưng lại băn khoăn: thả nổi lãi suất hay sao và vai trò quản lý của Nhà nước ở đâu?

Lúng túng trên cho thấy: tuy nền kinh tế nước ta đã có hơn 25 năm vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng cách thức quản lý vẫn nặng về biện pháp hành chính hơn biện pháp kinh tế, nặng về chỉ huy trực tiếp của chủ sở hữu hơn tác động gián tiếp, nặng về sử dụng “bàn tay hữu hình” hơn là “bàn tay vô hình”.

Về nguyên tắc, không ai phủ nhận trách nhiệm của NHNN trong điều hành lãi suất, nhưng vấn đề là ở cách thức quản lý. Thực tế cho thấy cách quản lý trực tiếp bằng văn bản pháp quy đã không đem lại kết quả mong muốn. Vậy phải quản lý gián tiếp. Luật NHNN đã quy định rõ NHNN là một bộ, đồng thời cũng là Ngân hàng Trung ương, nhưng trong cả hai vai trò này, NHNN đều không phải là chủ sở hữu hệ thống các ngân hàng như trước kia.

Cho nên để quản lý lãi suất, thay vì ban hành thông tư buộc các ngân hàng thi hành như đã làm, NHNN chỉ có thể sử dụng các công cụ điều tiết gián tiếp mà ngân hàng trung ương các nước thường sử dụng: thị trường mở, tái cấp vốn, tái chiết khấu, dự trữ bắt buộc... Cần thấy rằng cách quản lý gián tiếp như vậy thực chất là cách sử dụng có ý thức khả năng điều khiển của “bàn tay vô hình”, tuy không dễ nhìn thấy, hiệu quả cũng không tức thì, nhưng đó mới là “lạt mềm buộc chặt”, không “già néo đứt dây”.


TBKTSG

Tin cùng chuyên mục