Nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cơ cấu ngân hàng: Có dễ sở hữu 100% nhà băng Việt?

Việc Tập đoàn J Trust (Nhật Bản) đề xuất mong muốn tham gia cơ cấu lại Ngân hàng Xây dựng (CBBank) một lần nữa xới lên câu chuyện nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cấu trúc ngân hàng yếu kém tại Việt Nam.
Ngân hàng Xây dựng đang được một đối tác Nhật Bản quan tâm tham gia tái cơ cấu. Ảnh: Đức Thanh Ngân hàng Xây dựng đang được một đối tác Nhật Bản quan tâm tham gia tái cơ cấu. Ảnh: Đức Thanh

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn rót vốn vào nhà băng đang tái cơ cấu

Trong buổi làm việc với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cuối tuần qua, ông Nobiru Adachi, Giám đốc điều hành cấp cao của Tập đoàn J Trust cho biết, Tập đoàn muốn được tham gia cơ cấu lại CBBank.

Theo ông Nobiru Adachi, J Trust đã dành nhiều thời gian tìm hiểu và muốn tham gia quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, ngân hàng yếu kém tại Việt Nam. Tập đoàn này cũng mong muốn Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tạo điều kiện trong việc đàm phán và giao dịch.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ Việt Nam muốn tìm đối tác chuyển nhượng hoặc bán lại CBBank cho các đối tác để cơ cấu lại ngân hàng này. Phó thủ tướng đề nghị J Trust nghiên cứu, trao đổi với CBBank và NHNN về phương án chào bán. Trên cơ sở đó, NHNN sẽ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, giải quyết.

Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đánh giá cao kinh nghiệm của J Trust trong tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Chủ trương của Chính phủ là tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước mua lại và phát triển các ngân hàng yếu kém tại Việt Nam.

Trong khi đó, tại buổi gặp gỡ Thống đốc NHNN cuối tuần qua, ông Richard F.Chandler, Chủ tịch Tập đoàn Clermont cũng bày tỏ mong muốn đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng qua việc tham gia tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Trường hợp khác, Srisawad Corporation (Thái Lan) đã đề nghị tham gia tái cơ cấu Công ty cho thuê tài chính I (ALC I) của Agribank. Srisawad Corporation đề xuất trả cho Agribank 523 tỷ đồng để sở hữu toàn bộ vốn của ALC I. Trong đó, 200 tỷ đồng là hoàn trả vốn điều lệ và phần còn lại là nợ gốc ALC I đã vay của Agribank.

Đối với việc cơ cấu lại ALC I, NHNN cho biết đang nghiên cứu, xem xét đề nghị của Agribank để giải quyết các vấn đề liên quan. Phương án cơ cấu lại ALC I vẫn chưa được phê duyệt. Đề nghị của đối tác Thái Lan sẽ được xem xét xử lý sau khi thông qua phương án. Cơ hội vẫn còn bỏ ngỏ cho Srisawad Corporation cũng như các đối tác khác.

Có dễ sở hữu 100% vốn tại ngân hàng trong nước?

Việc các nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia quá trình tái cơ cấu tại hệ thống ngân hàng Việt Nam không còn là câu chuyện mới. Tuy nhiên, để sở hữu 100% vốn của ngân hàng yếu kém trong nước không phải dễ.

Trước đó, một ngân hàng thuộc diện bắt buộc phải tái cơ cấu là Ocean Bank đã được nhắc tới khi có đối tác nước ngoài muốn mua lại. Đầu năm 2018, khi thông tin chính thức được đại diện NHNN công bố, thì đối tác ngoại đã ở giai đoạn II của quá trình tìm hiểu. Tuy nhiên, đến nay, thương vụ này vẫn chưa ngã ngũ.

Còn nhớ, tháng 9/2013, Báo Đầu tư đã đưa tin, Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) của Singapore có thể sẽ mua 100% cổ phần của Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank) nếu hai bên đồng thuận. NHNN khẳng định đang xem xét, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu GPBank trên cơ sở có sự tham gia vốn của tổ chức tín dụng nước ngoài. Thế nhưng, hơn một năm sau, khi việc đàm phán gần như hoàn tất, thì thương vụ được thông báo đã chính thức thất bại.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng kêu gọi đối tác nước ngoài tham gia tái cơ cấu ngân hàng Việt Nam. Theo NHNN, ngành ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hội nhập với hệ thống tài chính khu vực, thế giới, không ngừng nâng cao năng lực, áp dụng chuẩn mực quốc tế, đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia trên thị trường.

Tuy NHNN “bật đèn xanh” cho nhà đầu tư ngoại mua cổ phần vượt trần tại ngân hàng yếu, nhưng không có nghĩa nhà đầu tư nào cũng có thể dễ dàng thâu tóm ngân hàng nội. Theo Thông tư số 38/2014/TT-NHNN của NHNN, hướng dẫn thi hành Nghị định số 01/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam, trong trường hợp đặc biệt, các nhà đầu tư nước ngoài có thể mua tỷ lệ cổ phần vượt trần cho phép (30%) đối với ngân hàng yếu kém. Theo đó, tỷ lệ của từng trường hợp cụ thể sẽ được Thủ tướng quyết định.

Việc có thể mua tỷ lệ cổ phần vượt trần cũng có nghĩa là nhà đầu tư nước ngoài có thể được mua cổ phần chi phối đối với ngân hàng yếu, thậm chí sở hữu 100% vốn. Đây chính là điều các nhà đầu tư nước ngoài mong đợi từ lâu.

Bên cạnh đó, Thông tư 38/2014/TT-NHNN vẫn mở ra cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư ngoại tại Việt Nam, bởi NHNN đã định hướng thị trường chỉ còn 15 - 17 ngân hàng, tức là thị trường sẽ rộng mở hơn, cạnh tranh sẽ bớt quyết liệt hơn.

Một thông tin hỗ trợ khác là việc xin giấy phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam không hề đơn giản. Tại Diễn đàn M&A 2018 do Báo Đầu tư và Công ty AVM tổ chức ngày 8/8/2018, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã cho biết, Chính phủ chủ trương không cấp thêm giấy phép cho ngân hàng 100% vốn ngoại, nhưng khuyến khích các ngân hàng nước ngoài mua các ngân hàng yếu kém.

Thùy Vinh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục