Nhà băng lớn giảm lãi vay, ngân hàng nhỏ khó trở tay

Trong khi lãi suất tiết kiệm có xu hướng tăng lên trong những ngày cận Tết Nguyên đán, thì các ngân hàng lớn vừa đồng loạt giảm lãi suất cho vay, tạo nên sự phân hóa rõ rệt trong mặt bằng lãi suất giữa các ngân hàng.
Các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, Agribank... vừa đồng loạt giảm lãi suất cho vay với đối với 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Trong ảnh: Giao dịch tại Vietcombank. Ảnh: Đức Thanh Các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, Agribank... vừa đồng loạt giảm lãi suất cho vay với đối với 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Trong ảnh: Giao dịch tại Vietcombank. Ảnh: Đức Thanh

Giảm lãi vay tác động lên lợi nhuận

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV cho biết, BIDV quyết định giảm 0,25% lãi suất cho vay với các doanh nghiệp ưu tiên kể từ ngày 9/1.

Trong khi đó, theo ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank, ngân hàng này giảm 0,5% lãi suất cả cho vay trung, dài và ngắn hạn đối với 5 đối tượng ưu tiên theo quy định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kể từ ngày 8/1.

Theo tính toán của người đứng đầu Agribank, việc giảm lãi vay sẽ tác động đáng kể lên lợi nhuận. Mặc dù vậy, chi phí đầu vào của ngân hàng này không điều chỉnh giảm theo lãi suất đầu ra. Mặt khác, thời gian gần đây, việc xử lý nợ xấu được đẩy nhanh hơn, nên phần nào bù đắp cho việc giảm lãi suất cho vay này.

Về phần mình, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, Vietcombank giảm mạnh lãi suất đối với 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Cụ thể, đối với dư nợ ngắn hạn, giảm đồng loạt 0,5% so với mức trần quy định của NHNN. Đồng thời, Vietcombank giảm lãi suất cho tất cả các khoản dư nợ trung, dài hạn đến thời điểm này, cũng với mức giảm 0,5%.

Theo ông Thành, việc giảm lãi suất đầu ra chắc chắn tác động đến lợi nhuận, song không đáng ngại, bởi thực tế năm 2018 cho thấy, Vietcombank đã đi đầu trong việc giảm lãi suất đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, nhưng kết quả lợi nhuận thu về vẫn đạt mức “khủng”, lên trên 18.000 tỷ đồng trước thuế.

“Năm 2019, mặc dù giảm lãi suất cho doanh nghiệp, song Vietcombank sẽ có các giải pháp, như tiết giảm chi phí hoạt động, đặc biệt là chi phí trích lập dự phòng theo hướng kiểm soát tín dụng chặt chẽ, đồng thời đẩy mạnh các sản phẩm dịch vụ công nghệ để tăng thu từ thu nhập phi tín dụng”, ông Thành cho biết.

Chủ tịch HĐQT VietinBank, ông Lê Đức Thọ ước tính, với mức giảm lãi vay 0,5%, ngân hàng này sẽ giảm lợi nhuận 500 - 700 tỷ đồng/năm. Thực hiện chủ trương trên, với lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, theo ông Thọ, VietinBank sẽ tiếp tục xem xét và sẽ tiếp tục điều chỉnh, duy trì mức lãi suất cho vay hợp lý nhất. Cụ thể, đối với cho vay ngắn hạn, mức lãi suất khoảng 6%/năm; đối với cho vay trung, dài hạn, có thể giảm khoảng 0,5%.

Ngân hàng nhỏ khó trở tay

Thực tế, việc giảm lãi suất cho vay là không dễ dàng với tất cả các ngân hàng, nhất là khi mặt bằng lãi suất huy động đang tăng dần, tiến sát mức 9% ở những nhà băng nhỏ. Cạnh tranh về lãi suất để hút nguồn tiền nhàn rỗi dịp cận Tết đang ngày một nóng.

Ghi nhận trên thị trường cho thấy, mức lãi suất huy động đang có sự phân nhóm rất rõ rệt giữa các ngân hàng. Nếu như nhóm ngân hàng cổ phần có vốn nhà nước như BIDV, Vietcombank, VietinBank lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn, từ 1 - 3 tháng chỉ dao động ở mức 4,4 - 5%/năm, thì nhóm các ngân hàng cổ phần quy mô vừa và nhỏ đang huy động với mức lãi suất 5,1 - 5,5%/năm.

Một số ngân hàng cổ phần nhỏ và vừa đang huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng với mức lãi suất kịch trần hoặc sát trần theo quy định của NHNN. Chẳng hạn, VietCapital Bank đang huy động kỳ hạn từ 1 đến 5 tháng ở mức lãi suất 5,4%/năm. Nếu gửi theo phương thức online, người gửi sẽ có lợi hơn vì được cộng thêm lãi suất 0,1%/năm. Như vậy, lãi suất sẽ ở mức cao nhất là 5,5%/năm.

Đáng nói hơn, ở các kỳ hạn dài, chênh lệch lãi suất còn lớn hơn. Ở nhóm các ngân hàng lớn, lãi suất kỳ hạn 6 và 9 tháng phổ biến ở mức 5,5 - 5,6%/năm; các kỳ hạn từ 12 đến 36 tháng, lãi suất được nâng lên 6,8 - 6,9%/năm. Trong khi đó, nhóm ngân hàng nhỏ áp dụng mức lãi suất kỳ hạn 6 tháng tới 7,4%/năm; kỳ hạn 12 tháng tới 8%/năm; kỳ hạn 18 tháng tới 8,5%/năm và từ kỳ hạn 24 tháng trở lên, lãi suất huy động ở mức 8,6%/năm.

Với thực tế như vậy, để giảm được lãi suất là điều không dễ. TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính nhìn nhận, sẽ có nhiều áp lực lên lãi suất cho vay trong năm nay, trong đó, tín dụng tăng thấp cũng là một áp lực.

Năm 2018, mặt bằng lãi suất tiền đồng được duy trì ổn định trong bối cảnh lãi suất thị trường quốc tế gia tăng. Ngân hàng Nhà nước đã điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và tiền tệ; tập trung điều tiết, đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, duy trì lãi suất thị trường liên ngân hàng ở mức hợp lý…

Hiện lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6 - 9%/năm đối với khoản vay ngắn hạn, trong khi cho vay trung và dài hạn là 9 - 11%/năm.

Thùy Vinh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục