Ngân hàng tiếp sức cho doanh nghiệp xuất khẩu

(ĐTCK) Định hướng về tín dụng thay đổi đang buộc nhiều ngân hàng thận trọng trong hoạt động cho vay, nhưng điểm chung nhất đều ưu tiên cho chất lượng tín dụng, trong đó các DN xuất khẩu được chú trọng hơn cả.
Ngân hàng tiếp sức cho doanh nghiệp xuất khẩu

Song với đặc thù yêu cầu rất cao về chất lượng dịch vụ và kinh nghiệm cũng như mạng lưới hợp tác quốc tế, không phải sự chuyển hướng nào cũng dễ dàng thành công. Đây cũng là cơ hội bứt phá cho những ngân hàng đã đầu tư bài bản cho kênh bán buôn.

So với những lĩnh vực từng tăng trưởng nóng, tín dụng xuất khẩu không phải là mảng dễ ăn xổi. Một số ngân hàng đi trước trong lĩnh vực này đã tổng kết 3 khó khăn khi đầu tư cho tín dụng xuất khẩu.

Thứ nhất, ngân hàng cần nhân sự giỏi nghiệp vụ xuất nhập khẩu và năng lực thẩm định khoản vay.

Thứ hai, ngân hàng cần có mối quan hệ rộng rãi với các đối tác , tổ chức tài chính quốc tế.

Thứ ba, doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận khoản vay cần có các phương thức đảm bảo giao dịch ở mức rủi ro thấp nhất. Có những câu chuyện đã trở thành kinh nghiệm xương máu đối với các ngân hàng. Đơn cử, một số doanh nghiệp Việt Nam do thiếu hiểu biết và mong muốn bán được hàng đã chấp nhận phương thức giao hàng trước, trả sau. Kết quả là doanh nghiệp dính lừa mất hàng triệu USD, ngân hàng cũng bị ảnh hưởng.

Chính bởi những khó khăn trên, lợi nhuận lại không dễ đến ngay như cho vay các dự án lớn, đầu tư “nóng” nên trước đây có không ít ngân hàng hầu như không chú trọng vào lĩnh vực này. Tín dụng xuất khẩu, theo thống kê của NHNN có tốc độ tăng trưởng chậm hơn tín dụng BĐS trong các năm 2009-2011.  Trong nhiều cuộc họp của các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp luôn kêu ca về sự khó khăn trong tiếp cận vốn vay.

Nhìn lại 37 ngân hàng đang hoạt động. Ngoài các ngân hàng lớn có yếu tố Nhà nước có bộ sản phẩm tín dụng xuất khẩu và có doanh số cho vay trong lĩnh vực này lớn, số ngân hàng cổ phần có hệ thống sản phẩm phong phú và hỗ trợ tốt doanh nghiệp không nhiều. PGBank từng mất 3 năm để xây dựng bộ sản phẩm phục vụ DN xuất khẩu hoàn chỉnh bao gồm các dịch vụ như chiết khấu bộ chứng từ xuất khẩu, cho vay ưu đãi đối với DN xuất khẩu, các sản phẩm phái sinh hàng hóa, gần đây nhất là sản phẩm đối với những DN hoạt động kinh doanh xuất khẩu ở địa bàn nông thôn; Tín dụng ưu đãi cho vay DN xuất nhập khẩu có quy mô vừa và nhỏ do JICA tài trợ vốn… So với các nhóm ngành khác, DN xuất khẩu giao dịch tại PGBank thường được tiếp cận nguồn vốn tín dụng có lãi suất ưu đãi, thấp hơn 1-1,5%/năm. Ngoài ra ngân hàng có những sản phẩm hữu ích khác đảm bảo an toàn cho phương án kinh doanh của doanh nghiệp, đơn cử như các giao dịch hợp đồng tương lai hàng hóa, hợp đồng kỳ hạn hay hợp đồng hoán đổi giá cả hàng hóa.

Bà Phạm Thị Hoàng Anh, Phó giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng PGBank cho biết, PG Bank có ưu thế và kinh nghiệm trong việc tài trợ vốn hỗ trợ cho các DN hoạt động xuất nhập khẩu ở các ngành nông sản, thủy sản, dệt may. Với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% được NHNN giao, PG Bank sẽ tập trung vào các khách hàng mục tiêu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó ưu tiên cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp thực hiện các phương án dự án kinh doanh hàng xuất khẩu, và các ngành công nghiệp hỗ trợ.

Thống kê của ngân hàng này cho thấy, khách hàng trong những lĩnh vực trên có lịch sử quan hệ tín dụng rất tốt, thường xếp hạng tín dụng tốt và ít khi có nợ quá hạn. Bà Hoàng Anh cũng cho rằng, đây chính là thời điểm những ngân hàng đầu tư cho tín dụng xuất nhập khẩu bứt phá triển khai mạnh dịch vụ tới các DN đang có nhu cầu.

Anh Việt
Anh Việt

Tin cùng chuyên mục