Ngân hàng rót mạnh vốn vào năng lượng sạch

(ĐTCK) Nền kinh tế tăng trưởng khả quan đặt ra yêu cầu về năng lượng phục vụ phát triển. Trong bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thống gặp những hạn chế, năng lượng sạch được xem là giải pháp trọng yếu. Do đó, cơn sốt điện mặt trời ở Việt Nam đang kéo theo cuộc đua cung cấp tín dụng cho các dự án năng lượng sạch giữa các ngân hàng.
Nhiều doanh nghiệp đã tích cực tham gia vào lĩnh vực điện mặt trời, kéo theo cuộc đua cung cấp tín dụng cho các dự án này giữa các ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp đã tích cực tham gia vào lĩnh vực điện mặt trời, kéo theo cuộc đua cung cấp tín dụng cho các dự án này giữa các ngân hàng.

Mạnh tay rót vốn

Sau Srêpok 1, mới đây, Vietcombank (VCB) đã tiếp tục tài trợ thêm cho một dự án điện mặt trời khác. Cụ thể, VCB vừa ký kết hợp đồng tín dụng với Công ty cổ phần BP Solar tài trợ dự án Nhà máy điện mặt trời BP Solar 1. Tổng giá trị cấp tín dụng là 785 tỷ đồng, trong đó chi nhánh VCB Sở giao dịch là đầu mối.

Dự án Nhà máy điện mặt trời BP Solar 1 có công suất 46MW với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, nằm tại xã Hữu Phước, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Đây là một trong số những dự án điện năng lượng mặt trời được triển khai sớm nhất tại tỉnh Ninh Thuận và dự kiến đi vào hoạt động đầu năm 2019.

VCB cho biết, Ngân hàng đã tham gia tài trợ một số dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như các thủy điện vừa và nhỏ, dự án nhiệt điện sinh thái, dự án điện năng lượng mặt trời.

Trước đó, vào trung tuần tháng 9/2018, VCB Thủ Thiêm cũng đã ký kết hợp đồng tín dụng tài trợ Dự án Nhà máy điện mặt trời Srêpok 1 với CTCP Đầu tư và Phát triển điện Đại Hải. Dự án có công suất lắp đặt 50 MWP với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, HDBank cho hay, nhà băng này dành tới 7.000 tỷ đồng để triển khai chương trình tài trợ dự án điện mặt trời kéo dài đến năm 2020.

Cụ thể, HDBank sẽ tập trung vào các dự án trong quy hoạch phát triển điện mặt trời đã được phê duyệt bổ sung vào dự án điện quốc gia đến năm 2020. Đặc biệt, Ngân hàng ưu tiên các dự án có khả năng đấu nối trước ngày 30/6/2019.

Riêng tại Ninh Thuận, HDBank sẽ cho vay các dự án có công suất thiết kế lớn (2.000 MW) đã được Chính phủ chấp thuận triển khai và có khả năng đấu nối trước 31/12/2020.

Điều kiện để được vay là khách hàng phải có vốn chủ sở hữu từ 150 tỷ đồng trở lên và tỷ lệ tham gia vốn chủ sở hữu vào dự án tối thiểu là 30% tổng mức đầu tư.

Ngân hàng cũng yêu cầu toàn bộ nguồn thu từ dự án phải chuyển về tài khoản thanh toán của khách hàng tại HDBank.

Ngược lại, các chủ đầu tư dự án điện mặt trời sẽ được vay vốn để bổ sung vốn đầu tư xây dựng nhà máy hoặc bù đắp các khoản vốn đã đầu tư xây dựng. HDBank sẽ cho vay tối đa 70% tổng giá trị đầu tư của dự án với thời gian không vượt quá 12 năm.

Để bảo đảm tiền vay, Ngân hàng yêu cầu khách hàng ký hợp đồng thế chấp song phương đối với tài sản bảo đảm là nhà máy điện mặt trời, bao gồm các quyền phát sinh từ hợp đồng thuê đất, tài sản hình thành trong tương lai trên đất…

Dự án cũng phải ký hợp đồng thế chấp song phương với ngân hàng đối với tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ phát sinh từ hợp đồng mua bán điện giữa khách hàng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Ngoài ra, trong chương trình này, HDBank còn tài trợ cho các nhà thầu tham gia xây dựng các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.

Chưa kể, Agribank và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cũng ký thỏa thuận đồng tài trợ vốn cho dự án Nhà máy điện mặt trời Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Vốn đối ứng của chủ đầu tư là 40%, vốn vay các ngân hàng 60%.

Trong đó: Agribank Thừa Thiên Huế và Agribank Gia Lai sẽ tài trợ 30% tổng vốn đầu tư dự án, VDB Thừa Thiên Huế và VDB Quảng Trị sẽ tài trợ 30% tổng vốn đầu tư dự án.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế do Công ty cổ phần Điện Gia Lai (GEC) làm chủ đầu tư, xây dựng trên diện tích 45 ha tại thôn Mỹ Hòa, xã Điền Lộc (huyện Phong Điền) với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 35 MW và sản lượng điện khoảng 50 triệu KWh/năm.

Công trình được khởi công xây dựng vào quý IV/2017 và vừa đưa vào hoạt động vào ngày 5/10.

Lĩnh vực tiềm năng

So với các nước đang phát triển trong khu vực châu Á và các nước trên thế giới, Việt Nam được nhận định là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế và dân số như hiện nay, nhu cầu sử dụng điện sẽ còn cao hơn nữa. Trong khi đó, việc khai thác các nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt.

Chưa kể các vấn đề về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến bầu khí quyển toàn cầu, khiến vấn đề an ninh năng lượng càng trở nên cấp thiết. Trong bối cảnh này, nguồn năng lượng sạch và ổn định đang được xem là giải pháp tối ưu.

Vài năm gần đây, điện mặt trời đang tạo nên cơn sốt tại Việt Nam, nhất là từ giữa năm ngoái, sau khi có quy định về giá bán điện là 9,35 Uscent/kWh (khoảng 2.086 đồng/kWh), cao hơn đáng kể so với giá hiện tại từ 1.500 đến 1.700 đồng/kWh.

Với những ưu đãi từ chính phủ, bên cạnh EVN, nhiều doanh nghiệp khác đã tích cực tham gia vào lĩnh vực này như BIM Group, TTC Group, Xuân Cầu, Bamboo Capital, TTVN Group… Đồng thời, các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Thái Lan, Hàn Quốc… cũng thể hiện sự quan tâm lớn đến thị trường điện mặt trời của Việt Nam.

Vào đầu tháng 10, Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) và CTCP Điện Gia Lai (GEC) đã khánh thành Nhà máy Điện mặt trời TTC Phong Điền, dự kiến đến năm 2019 mở rộng công suất thêm 29,5 MW với diện tích 38,5 ha, đáp ứng được một phần nhu cầu tiêu thụ điện năng trong tương lai.

Ngoài việc khánh thành Nhà máy TTC Phong Điền, dự kiến vào trong quý IV/2018, GEC cũng sẽ chính thức đưa Nhà máy điện mặt trời TTC Krông Pa tại tỉnh Gia Lai đi vào hoạt động.

Dự án có công suất 49 MW, tổng vốn đầu tư trên 1.406 tỷ đồng. Dự án này của SEC cũng được các ngân hàng tham gia tài trợ vốn.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC), đơn vị sở hữu GEC cho biết, TTC đang triển khai 6 nhà máy được bổ sung quy hoạch, vận hành trước tháng 6/2019. Kế hoạch chiến lược đến năm 2020, TTC sẽ nâng tổng công suất lên khoảng 1.000 MW tại các tỉnh thành có nhiều tiềm năng phát triển điện mặt trời…

Cơn sốt điện mặt trời ở Việt Nam đang kéo theo cuộc chạy đua cung cấp tín dụng cho các dự án này giữa các ngân hàng như: VCB, Vietinbank…

Cụ thể, Vietinbank vừa tài trợ 1.000 tỷ đồng cho Dự án điện mặt trời TTC 01 tại Tây Ninh, có quy mô 68,8 MW và tổng đầu tư 1.600 tỷ đồng. Agribank Bình Thuận triển khai gói tín dụng sử hệ thống điện mặt trời cho cây thanh long tại Bình Thuận.

Theo ông Huỳnh Tấn Nam - Giám đốc Agribank Bình Thuận, việc thực hiện dự án điện mặt trời góp phần phát triển nguồn năng lượng sạch phục vụ việc chong đèn để cây thanh long ra hoa trái vụ; ứng dụng công nghệ cao nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế của việc trồng thanh long; giảm phụ tải tiêu thụ cho ngành điện trong thời kỳ cao điểm.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục