Ngân hàng rầm rộ chia cổ tức

(ĐTCK) Nếu như các năm trước, việc chia cổ tức là câu chuyện “khó nói” của các ngân hàng, khiến không ít cổ đông ấm ức, thì một năm trở lại đây, tình hình đã được cải thiện. Bởi nhờ kết quả hoạt động kinh doanh tích cực, nhiều nhà băng đã sớm chi trả cổ tức.
Với kết quả kinh doanh cải thiện, nhiều nhà băng mạnh tay chia cổ tức, tạo tác động tích cực lên tâm lý nhà đầu tư, nhất là khi cổ phiếu “vua” đã tăng so với trước Với kết quả kinh doanh cải thiện, nhiều nhà băng mạnh tay chia cổ tức, tạo tác động tích cực lên tâm lý nhà đầu tư, nhất là khi cổ phiếu “vua” đã tăng so với trước

Mới đây, Techcombank đã chốt chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 1:2, thời gian phát hành trong quý III/2018. Đây được xem là sự bù đắp xứng đáng cho cổ đông của nhà băng này sau nhiều năm không nhận được cổ tức. Theo đó, Đại hội đồng cổ đông bất thường của Techcombank ngày 14/6 đã chính thức thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ lên mức 34.965 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ sở hữu của Ngân hàng.

Mức vốn điều lệ dự kiến tăng thêm là 23.311 tỷ đồng, tương ứng với số lượng cổ phần dự kiến phát hành thêm là 2.331.061.440 cổ phần phổ thông có mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Sau khi phát hành, giá cổ phiếu TCB sẽ được điều chỉnh giảm 3 lần so với mức thị giá tại thời điểm được chia cổ tức. Cổ phiếu TCB hiện giao dịch quanh mức 105.000 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, VPBank cũng chốt quyền nhận cổ tức năm 2017 bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng vào ngày 19/6/2018. Cụ thể, Ngân hàng sẽ phát hành 925 triệu cổ phần, tương đương 9.256 tỷ đồng để trả cổ tức và tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ cổ phần phát hành thêm là 61,8%, trong đó 30,2% để chi trả cổ tức và 31,6% để tăng vốn điều lệ.

Bên cạnh trả và thưởng cổ phiếu, VPBank dự kiến mua lại cổ phần ưu đãi cổ tức làm cổ phiếu quỹ và chia cho các cổ đông. Cụ thể, HĐQT Ngân hàng vừa thông qua phương án mua lại 73,2 triệu cổ phiếu ưu đãi cổ tức (4,66%) làm cổ phiếu quỹ với giá 33.996,8 đồng/cổ phiếu. Số tiền ước tính chi cho thương vụ này là gần 2.500 tỷ đồng.

Ngày 5/7 tới, cổ đông HDBank sẽ được nhận cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 13%. Ngày đăng ký cuối cùng là 21/6/2018. Với gần 981 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến HDBank sẽ chi ra khoảng 1.275 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này. Trước đó, Đại hội đồng cổ đông HDBank đã thông qua tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt 15% với nguồn vốn 1.472 tỷ đồng. Ngoài ra, Ngân hàng cũng dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 20%, giá trị theo mệnh giá khoảng 1.962 tỷ đồng.

Tại hội nghị đầu tư diễn ra trong tuần đầu tháng 6/2018, lãnh đạo HDBank còn cho biết thêm, sau khi trả cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 13%, cổ đông sẽ được chia cổ tức tỷ lệ 22% ngay sau khi hoàn tất sáp nhập PG Bank. Với việc sáp nhập PG Bank thời gian tới, HDBank sẽ nâng mục tiêu lợi nhuận lên trên 4.712 tỷ đồng, thay vì mức 3.933 tỷ đồng trước đó.

Ngày 9/7, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) sẽ chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức và cổ phiếu thưởng tổng tỷ lệ 19%. Cụ thể, MB sẽ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức đợt 2 năm 2017 với tỷ lệ 5% (tương đương với 90.775.268 cổ phiếu, tức khoảng 907,75 tỷ đồng). Đồng thời, Ngân hàng phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần với tỷ lệ 14%, tương đương 254.170.750 cổ phiếu từ nguồn thặng dư vốn cổ phần (828,17 tỷ đồng) và từ lợi nhuận chưa phân phối các năm trước (1.713 tỷ đồng).

Trước đó, tháng 1/2018, MB đã chi hơn 1.000 tỷ đồng tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2017 bằng tiền mặt với tỷ lệ 6%. Như vậy, tổng mức chi trả cổ tức và chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông năm 2018 của MB lên tới 25%. Sau khi phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ của MB sẽ tăng từ trên 18.100 tỷ đồng lên trên 21.604 tỷ đồng.

Thực tế, trong mùa đại hội đồng cổ đông năm 2018 vừa kết thúc, nhiều nhà băng đã chia cổ tức “khủng” và chủ yếu bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, tiến tới đáp ứng các yêu cầu theo chuẩn Basel II.

Điều này cũng làm hài lòng các cổ đông, bởi nếu cách đây 2 năm, nhiều nhà đầu tư muốn nhận cổ tức bằng tiền mặt, do giá cổ phiếu ngân hàng sụt giảm thì hiện tại, tình hình đã đảo ngược. Với diễn biến giá cổ phiếu khởi sắc, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu được hưởng ứng tích cực. Thậm chí, tại đại hội đồng cổ đông một số nhà băng đang tiến hành tái cơ cấu, cổ đông còn đòi chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.

LS. TS Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP.HCM nhận định, với kết quả kinh doanh cải thiện, nhiều nhà băng mạnh tay chia cổ tức, tạo tác động tích cực lên tâm lý nhà đầu tư, nhất là khi cổ phiếu “vua” đã tăng so với trước.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục