Ngân hàng Nhà nước thận trọng với dự báo năm 2015

(ĐTCK) Chiều hôm qua (23/12), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) họp báo trước Hội nghị Tổng ngành ngân hàng năm 2014 được tổ chức vào sáng hôm nay (24/12). Một số kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2014, định hướng giải pháp điều hành năm 2015 đã được chia sẻ trong buổi họp báo.
Đến ngày 19/12, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tăng 11,8% Đến ngày 19/12, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tăng 11,8%

Hoàn thành các mục tiêu năm 2014

Bà Đỗ Thị Nhung, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, tính đến ngày 19/12/2014, tổng phương tiện thanh toán tăng 15,65% so với cuối năm 2013, phù hợp với chỉ tiêu định hướng tăng 14 - 16% đề ra từ đầu năm. Huy động vốn tăng 15,15%, trong đó huy động vốn bằng VND tăng 16,31%. Tăng trưởng tín dụng năm 2014 dự kiến đạt chỉ tiêu định hướng 12 - 14% đề ra từ đầu năm; trong đó, đến ngày 19/12, tín dụng tăng 11,8% so với cuối năm 2013.

Mặt bằng lãi suất hiện giảm 1,5 - 2%/năm so với cuối năm 2013, tiếp tục hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát được lạm phát, hỗ trợ ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối. Mặt bằng lãi suất huy động giảm 1,5 - 2%/năm, lãi suất cho vay giảm khoảng 2%/năm. Lãi suất của các khoản vay cũ được các tổ chức tín dụng (TCTD) tích cực điều chỉnh giảm; dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm chiếm khoảng 3,9% tổng dư nợ cho vay VND, giảm so với tỷ trọng 6,3% cuối năm 2013; dư nợ có lãi suất trên 13%/năm chiếm 10,65%, giảm so với tỷ trọng 19,72% cuối năm 2013.

“Đặc biệt, đường cong lãi suất hình thành rõ nét, qua đó tạo điều kiện cho các TCTD huy động được nguồn vốn kỳ hạn dài và ổn định hơn, giảm chênh lệch kỳ hạn giữa tài sản có và tài sản nợ và giúp cho việc phân bổ vốn hiệu quả trong nền kinh tế”, bà Nhung nói. 

VAMC phù hợp với bối cảnh hiện nay

Trả lời câu hỏi của ĐTCK về tình hình hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) tính đến thời điểm hiện nay, đặc biệt liên quan đến việc bán nợ, ông Đoàn Văn Thắng, Phó tổng giám đốc VAMC cho biết, từ ngày 1/10/2013, VAMC bắt đầu mua nợ và tính đến nay đã mua được 123.000 tỷ đồng dư nợ gốc nợ xấu. Trong đó, đến cuối năm 2013, VAMC mua 40.000 tỷ đồng dư nợ gốc và thời điểm này là hơn 80.000 tỷ đồng. Kế hoạch năm nay, NHNN giao cho VAMC mua nợ 80.000 tỷ đồng đến 120.000 - 125.000 tỷ đồng. Lãnh đạo VAMC nhấn mạnh, việc xử lý nợ xấu là nhiệm vụ khó khăn, là công việc của cả nền kinh tế, các cấp, các ngành mà VAMC chỉ là một công cụ.

“Đến thời điểm này, VAMC đã xử lý nợ xấu trong năm 2014 được khoảng hơn 4.000 tỷ đồng, bao gồm xử lý tài sản đảm bảo, bán nợ… là nỗ lực lớn của VAMC. Ngoài ra, VAMC còn tham gia hỗ trợ đắc lực các TCTD giải quyết nợ xấu như thực hiện cơ cấu nhiều khoản nợ cho khách hàng thông qua việc điều chỉnh lãi suất về mức thấp hơn. Trước đây, nhiều TCTD cho vay với lãi suất 15 - 20%/năm trong năm 2008, nay đã đưa về 10,02%/năm. Bên cạnh đó, cơ cấu điều chỉnh kỳ hạn, gia hạn trả nợ cho nhiều khách hàng với số tiền lên đến vài trăm tỷ đồng”, ông Thắng nói

Liên quan đến VAMC, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN chia sẻ, cần nhìn nhận thực tiễn nợ xấu là quá trình tích tụ do nhiều nguyên nhân, nên cách thức xử lý cần được triển khai đồng thời trên nhiều giải pháp, chứ không có một công cụ nào giải quyết triệt để. Thời gian qua, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp trong phạm vi hệ thống như tăng cường trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu; chính vì vậy, lợi nhuận các ngân hàng suy giảm. Trong quá trình cấp tín dụng mới, các TCTD và NHNN rất thận trong kiểm soát để hạn chế nợ xấu mới phát sinh.

“VAMC chỉ là một phương thức giải quyết nợ xấu, trong khi không nguồn ngân sách hỗ trợ, vậy cách thức diễn ra phù hợp với bối cảnh hiện nay”, bà Hồng nói. 

Định hướng năm 2015

Trước vấn đề đặt ra, NHNN có nên bỏ trần lãi suất huy động không, bà Hồng cho biết, trần lãi suất đã được dỡ bỏ đối với kỳ hạn trên trên 6 tháng và hiện nay, mức trần chỉ áp dụng với kỳ hạn dưới 6 tháng. Diến biến trên thị trường cho thấy, nhiều TCTD đã hạ lãi suất thấp hơn trần quy định, như vậy, trần lãi suất đóng vai trò là “barie” để từ đó các ngân hàng có lợi thế huy động với lãi suất thấp, còn những ngân hàng quy mô nhỏ hơn huy động ở mức sát trần.

“Trần lãi suất vẫn đảm bảo linh hoạt cho quy định lãi suất theo quan hệ cung cầu vốn trên thị trường và NHNN tiếp tục theo dõi sát, cân nhắc các yếu tố ổn định vĩ mô, an toàn hoạt động ngân hàng và khả năng kiểm soát mọi vấn đề để khi có điều kiện sẽ bỏ trần huy động”, bà Hồng nhấn mạnh.

Về điều hành công cụ lãi suất, bà Hồng cho hay, NHNN phụ thuộc nhiều vào kinh tế vĩ mô, đặc biệt là lạm phát. Dự báo chung năm 2015, lạm phát khoảng 2%, thậm chí có dự báo thấp hơn. Nhưng nhìn vào số liệu lạm phát bình quân của 11 tháng năm ngoái trên 4%, còn nhìn về tương lai mục tiêu Chính phủ đặt ra là 5%. Như vậy, NHNN điều hành bám sát mức lạm phát trung bình nên điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu 5% về cơ bản sẽ ổn định như hiện nay.

“NHNN sẽ bám sát diễn biến từng tháng, từng quý để có những điều hành chính sách phù hợp và về tăng trưởng tín dụng năm 2015, NHNN dự tính trong khoảng 13 - 15%”, bà Hồng nói.

Đặc biệt, bà Hồng chia sẻ những bài học kinh nghiệm của năm 2014 được NHNN rút ra cho năm 2015. Thứ nhất, đó là sự thống nhất và đồng thuận. Trong điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng có sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Còn trong Ban lãnh đạo NHNN, Thống đốc NHNN rất quyết liệt và toàn hệ thống đồng lòng trong việc triển khai, từ đó mọi nhiệm vụ đặt ra có kết quả tích cực.

Thứ hai, kiên định với mục tiêu đặt ra, từ đó các giải pháp, công cụ đều xoay quanh mục tiêu. Thứ ba, nâng cao khả năng phân tích, dự báo các chỉ tiêu vĩ mô, tiền tệ. Thứ tư, chính sách đưa ra cần phải tăng cường công tác thanh tra, giám sát. Thứ năm, vai trò của công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc giúp công chúng hiểu thực trạng hoạt động ngân hàng, chính sách tiền tệ.  

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục