Ngân hàng mới đi về đâu?

(ĐTCK-online) Chỉ đạo của Thủ tướng về việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) chỉ được tham gia đầu tư, góp vốn vào một ngân hàng đang đặt Petro Vietnam trước hai sự lựa chọn: thoái 10% vốn tại Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu để tiếp tục theo đuổi kế hoạch thành lập Ngân hàng Hồng Việt hoặc ngược lại. Trong bối cảnh thị trường tài chính cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, phương án đổ thêm vốn đầu tư, tái cấu trúc một ngân hàng quy mô nhỏ đang được Petro Vietnam ưu tiên, thay vì đưa một ngân hàng mới tinh vào hoạt động.
Không ít rắc rối nảy sinh từ việc "mua lúa non" khi ngân hàng chưa hề có giấy phép hoạt động. Không ít rắc rối nảy sinh từ việc "mua lúa non" khi ngân hàng chưa hề có giấy phép hoạt động.

Tháng 12/2007, Ngân hàng TMCP Dầu khí (nay đổi thành Ngân hàng Hồng Việt) được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận nguyên tắc cấp giấy phép thành lập và hoạt động với vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng. Ngân hàng đã tiến hành ĐHCĐ  lần thứ nhất, bầu ra các thành viên HĐQT, Ban kiểm soát và Ban trù bị. Trong năm 2007, ngân hàng này được Petro Vietnam tập trung khá nhiều nhân lực, vật lực cho công tác chuẩn bị. Theo ông Lê Xuân Vệ, Trưởng ban tổ chức nhân sự Petro Vietnam, Ngân hàng đã tổ chức tuyển dụng hơn 100 nhân viên và mời gọi một số gương mặt sáng giá trong giới tài chính về đảm nhận những vị trí quản lý chủ chốt, số tiền đầu tư thuê địa điểm, hệ thống công nghệ cho Ngân hàng lên tới hàng trăm tỷ đồng, 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ cũng đã được huy động đủ và đang được phong tỏa tại các ngân hàng. Điều này có nghĩa là Hồng Việt đã sẵn sàng để đi vào hoạt động nếu được NHNN chấp thuận chính thức. Tuy nhiên, trước việc kinh doanh ngân hàng không còn dễ dàng, tình hình huy động vốn, cho vay và triển khai các dịch vụ ngân hàng hiện rất khó khăn, việc đưa Hồng Việt mới tinh, chưa có thương hiệu vào hoạt động khiến Petro Vietnam không khỏi cân nhắc.

Ông Lê Xuân Sơn, Trưởng ban trù bị Ngân hàng Hồng Việt cho hay, trong hai phương án nêu trên, Petro Vietnam đang nghiêng về lựa chọn dùng vốn, công nghệ và cả nhân lực của Hồng Việt tham gia tăng vốn, tái cấu trúc tại một ngân hàng đang hoạt động (ông Sơn không khẳng định, đó là Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu). Nếu được Chính phủ đồng ý  phương án này, Hồng Việt sẽ tiến hành họp ĐHCĐ lấy ý kiến của các cổ đông sáng lập như Ngân hàng VIB Bank, Tổng công ty Hàng không, Tập đoàn Hòa Phát, Công ty TNHH Đầu tư tài chính I.P.A và Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội. "Cũng đã có ngân hàng khác đề xuất mua lại toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất đã đầu tư của Ngân hàng Hồng Việt, nhưng chúng tôi tin tưởng rằng, những người vẫn còn tâm huyết với kinh doanh ngân hàng sẽ tiếp tục góp vốn tham gia tái cấu trúc ngân hàng mới, còn những ai chỉ coi đây là khoản đầu tư ngắn hạn thì họ có thể rút", ông Sơn nói.

Chưa biết số phận của Ngân hàng Hồng Việt ra sao, song trong tình hình kẹt vốn như hiện nay, vài trăm tỷ đồng cứ ách lại tại ngân hàng khiến cổ đông sáng lập không khỏi sốt ruột. Ông Lê Xuân Vệ cho biết, trong tuần này hoặc tuần sau, Petro Vietnam và các cổ đông sáng lập sẽ có cuộc họp để quyết định vấn đề này.

Một đề án xin thành lập ngân hàng do những cổ đông sáng lập bao gồm Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn, Tổng công ty Thép, Tổng công ty Giấy Việt Nam cũng đang hoãn lại. Hồ sơ xin thành lập ngân hàng đã được trình lên NHNN từ đầu năm 2008, trong đó vốn góp của Vinatex chiếm 12%. Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Vinatex cho biết, trong bối cảnh hoạt động của các ngân hàng thương mại khó khăn như hiện nay, các tập đoàn, tổng công ty nói trên đã quyết định dừng việc thành lập ngân hàng, đợi thị trường thuận lợi hơn thì mới tiếp tục,"Ở thời điểm này, NHNN có cấp phép thì chúng tôi cũng cân nhắc không tiếp tục nữa", ông Ân nhấn mạnh. Cũng may là ngân hàng này mới xin phép thành lập và chưa tiến hành vận động huy động vốn hay bất cứ hoạt động chuẩn bị tốn kém nào khác.

Trong tuần qua, thông tin "Ngân hàng Hồng Việt bị rút giấy phép" được nhiều NĐT truyền tai nhau khiến những người đã mua lại quyền mua cổ phiếu Ngân hàng Hồng Việt của cán bộ nhân viên Petro Vietnam không khỏi bất an. Tuy nhiên, theo ông Phạm Viết Muôn, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, "Ngân hàng Hồng Việt đã có giấy phép đâu mà rút!".

Theo quyết định của Petro Vietnam, tùy theo thâm niên và vị trí công tác, cán bộ, nhân viên trong Tập đoàn được tham gia góp vốn mua cổ phần Ngân hàng Dầu khí, với điều kiện sau 3 năm mới được chuyển nhượng. Trên thực tế, cuối năm 2007, việc mua - bán quyền góp vốn này trên thị trường OTC diễn ra rất sôi động. Mở các trang web về chứng khoán có thể thấy, khoản đầu tư này đã được trao tay qua nhiều người với giá gấp hai, gấp 3 lần mệnh giá, thậm chí NĐT còn kháo nhau, chỉ cần cái tên Ngân hàng Dầu khí (nay là Hồng Việt) giá cũng xứng 5 chấm (gấp 5 lần mệnh giá).

Với những trường hợp cán bộ, nhân viên đã tham gia góp vốn (bằng mệnh giá) vào Ngân hàng Dầu khí, ông Sơn cho hay, họ có thể lựa chọn hoặc tiếp tục tham gia đầu tư tái cấu trúc một ngân hàng mới với Tập đoàn hoặc rút lại vốn.  Còn những trường hợp NĐT bên ngoài mua lại những suất đầu tư trên là do hai bên tự thỏa thuận với nhau, Tập đoàn không chứng nhận cho những chuyển nhượng đó, nên không có trách nhiệm giải quyết.

Như vậy, rắc rối nảy sinh từ những hợp đồng trao tay tới vòng "F4", "F5" là không ít và trong trường hợp này, NĐT phải tự gánh chịu thiệt thòi (nếu Hồng Việt không ra đời). Đây cũng là bài học cho những NĐT liều lĩnh "mua lúa non" khi ngân hàng chưa hề có giấy phép hoạt động. Rút kinh nghiệm từ trường hợp của Hồng Việt, những NĐT tham gia góp vốn thành lập một ngân hàng khác (hồ sơ đang nằm trên bàn NHNN) trong tuần qua đã liên tục liên hệ với Ban trù bị để hỏi số phận về ngân hàng họ đang tham gia và cách giải quyết hậu quả nếu ngân hàng chậm ra đời tới 1 - 2 năm so với kế hoạch.         

Phong Lan
Phong Lan

Tin cùng chuyên mục