Ngân hàng lo khó xoay sở với vốn điều lệ mới

Cuộc chạy nước rút tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng vào cuối năm nay khiến không ít ngân hàng mướt mồ hôi. Song nỗi lo lớn hơn chính là thách thức quản trị và kinh doanh khi quy mô vốn tăng so với trước.
Ngân hàng sẽ đối mặt với nhiều thách thức mới sau khi tăng đủ vốn điều lệ pháp đinh Ngân hàng sẽ đối mặt với nhiều thách thức mới sau khi tăng đủ vốn điều lệ pháp đinh

>> Tăng vốn theo lộ trình: Ngân hàng nhỏ tăng tốc tìm cổ đông chiến lược

>> Lại bội thực cổ phiếu ngân hàng

>> Không đủ vốn pháp định, ngân hàng mất tư cách pháp nhân

 

Hiện vẫn còn gần 20 ngân hàng thương mại cổ phần có mức vốn khá thấp, buộc phải tăng mạnh để đạt mốc 3.000 tỷ đồng vào cuối năm nay. Ngân hàng Nhà nước ngày 10/5 đã có văn bản yêu cầu các nhà băng "trong vùng báo động" sớm có kế hoạch tăng vốn cụ thể. Hạn cuối để trình hồ sơ là ngày 30/6. Trường hợp không có khả năng tăng vốn để đảm bảo vốn pháp định, hạn cuối là ngày 30/9 phải có phương án chấm dứt tư cách pháp nhân theo luật định (bao gồm sáp nhập, hợp nhất, mua lại, tự giải thể…).

 

Hiện tất cả ngân hàng đều đã tiến hành đại hội cổ đông, trình và thông qua phương án tăng vốn điều lệ trong năm 2010 để đảm bảo yêu cầu. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex dự kiến mốc hoàn thành vào tháng 3/2011, với việc chuyển đổi 1.000 tỷ đồng từ trái phiếu chuyển đổi, bên cạnh kế hoạch phát hành tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng trong năm 2010. VietBank dự kiến trong quý IV sẽ từ mốc 1.000 tỷ tăng lên 3.000 tỷ đồng, còn Ngân hàng Tiên Phong vốn điều lệ từ 1.700 tỷ đồng tăng lên 2.000 tỷ đồng và hoàn thành mốc 3.000 tỷ đồng vào cuối năm nay.

 

Nhìn chung, phương án tăng vốn của các ngân hàng thương mại cổ phần chủ yếu tập trung vào sức mạnh của cổ đông hiện hữu, phát hành thêm ra bên ngoài, hay tiến hành niêm yết để có thể thuận lợi hơn khi gọi vốn… Ngoài ra, cũng có một số ít đơn vị có "tiền tích trữ" từ nguồn thặng dư vốn cổ phần và một số thì dựa vào nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thông qua phát hành riêng lẻ.

 

Tuy nhiên, giới nhà băng nhiều băn khoăn: liệu các ngân hàng có tiếp tục duy trì được hiệu quả kinh doanh khi từ mức vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng phải tăng lên 3.000 tỷ đồng. Dù biết rằng, việc tăng vốn điều lệ là tất yếu nhằm phục vụ cho mục đích mở rộng hoạt động kinh doanh, phát triển mạng lưới, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ và đứng vững hơn trước những rủi ro.

 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng, Đại học Mở TP HCM, nếu việc tăng vốn được thực hiện do nhu cầu phát triển của bản thân ngân hàng, thì nhà băng đã phải tính toán rất kỹ bài toán tăng vốn trên hai khía cạnh làm sao để vừa thực hiện thành công, vừa đảm bảo lợi tức cho các cổ đông trên cơ sở tính khả thi của phương án phát hành và phương án sử dụng vốn.

 

"Trong trường hợp phải thực hiện theo quy định bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước, thì các nhà băng đang ở vào thế bị động và tính khả thi của phương án phát hành cũng như phương án sử dụng vốn sẽ gặp không ít khó khăn", ông Thuận nói.

 

Trước hết, theo ông Thuận, là áp lực lợi nhuận và đảm bảo tỷ lệ cổ tức cho cổ đông ngân hàng khi vốn tăng quá nhanh. Cái khó nhất đối với các ngân hàng là vốn điều lệ tăng nhanh trong bối cảnh phải kiểm soát mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức thấp hơn năm trước, khoảng 25%. Trong khi việc mở rộng mạng lưới nhà băng cũng bị hạn chế hơn. Vì thế, các nhà băng sẽ rất khó đảm bảo được tỷ lệ cổ tức cho cổ đông ở mức cao như mong muốn của nhà đầu tư.

 

"Điều này làm cho hiệu quả đầu tư của các ngân hàng thấp xuống, buộc họ phải đẩy mạnh cạnh tranh và một số vấn đề không lành mạnh trong lãi suất cho vay, lãi suất huy động chắc chắn lại xuất hiện", ông Thuận nhấn mạnh.

 

Thừa nhận sẽ có thách thức sau khi tăng lên đủ mức vốn 3.000 tỷ đồng, ông Đào Trọng Khanh, Tổng giám đốc Ngân hàng Tiên Phong cho rằng, việc tăng vốn quá nhanh từ trên 1.000 tỷ vọt lên 3.000 tỷ đồng sẽ nảy sinh hai thách thức lớn. Thứ nhất là năng lực quản trị theo quy mô lớn và thứ hai là áp lực lợi nhuận trên đồng vốn. "Chắc chắn lợi nhuận trong những năm đầu sẽ ở mức thấp và chỉ có thể nâng dần trong những năm sau đó chứ không thể tăng song hành như tốc độ tăng vốn điều lệ", ông Khanh nói.

 

Trước những thách thức đó, ông Khanh cho biết sau khi tăng đủ vốn điều lệ, TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận tối thiểu trong năm nay sẽ tăng 13%.

 

Tuy nhiên, cũng có nhà băng cho rằng, yêu cầu tăng vốn điều lệ thật ra đã có sự chuẩn bị từ rất lâu nên hoàn toàn nằm trong khả năng điều hành của ngân hàng. Ông Nguyễn Duy Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng VietBank cho biết, lộ trình tăng vốn của ngân hàng trên thực tế đã được chuẩn bị ngay từ khi có Nghị định 141 của Chính phủ ban hành. Đại hội đồng cổ đông tháng 4/2010 chính thức thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng trong quý IV năm 2010. "Việc tăng vốn này hoàn toàn không đột ngột hay quá khó khăn vì ngân hàng đã chuẩn bị kỹ từ trước đó", ông Hưng nói.


Vnexpress

Tin cùng chuyên mục