Ngân hàng “giữ chân” nhân sự chủ chốt bằng cổ phiếu

(ĐTCK) Phát hành cổ phiếu thưởng, cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ, nhân viên là chính sách đang được nhiều ngân hàng triển khai nhằm giữ chân nhân sự, gia tăng trách nhiệm với ngân hàng của các “ông chủ” nhỏ. 
Mục tiêu của LienVietPostBank là từ lãnh đạo đến mỗi nhân viên đều sở hữu cổ phần của ngân hàng mình Mục tiêu của LienVietPostBank là từ lãnh đạo đến mỗi nhân viên đều sở hữu cổ phần của ngân hàng mình

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), ông Bùi Hải Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank cho biết, với kế hoạch tăng trưởng kinh doanh liên tục hàng năm, tăng trưởng nguồn vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ là yêu cầu thiết yếu để đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn, an toàn hoạt động cho Ngân hàng.

Theo đó, việc tăng vốn điều lệ để đáp ứng các nhu cầu hoạt động, kinh doanh bao gồm: Tăng trưởng nguồn vốn trung dài hạn để phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng tín dụng; cải thiện các chỉ số an toàn vốn và an toàn hoạt động; góp vốn vào các công ty con và hoặc góp vốn vào các lĩnh vực kinh doanh khác có thể bổ trợ và thúc đẩy hoạt động của Ngân hàng; đầu tư vào hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu phát triển của Hội sở và mạng lưới chi nhánh.

Kế hoạch tăng vốn điều lệ của VPBank được ông Quân cho biết sẽ chia thành 5 đợt, trong đó, đợt 2 là phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho cán bộ nhân viên (ESOP) với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tổng khối lượng phát hành là 33.695.094 cổ phiếu, tương đương 336.950.940.000 đồng, khoảng 4,14% lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Ngân hàng năm 2017.

“Mười năm nay, VPBank không có chương trình ưu đãi cho cán bộ nhân viên, trong khi kết quả kinh doanh của Ngân hàng những năm qua rất tốt, nên chia sẻ một phần cho cán bộ nhân viên nhằm khuyến khích họ tiếp tục nâng cao hiệu quả và trách nhiệm trong công việc.

Đồng thời, gắn kết lợi ích của cán bộ nhân viên với kết quả hoạt động của Ngân hàng cũng tạo động lực cho họ trong công việc. Và đây cũng là một trong những chính sách giữ chân những cán bộ, nhân viên có năng lực”, ông Quân nói.

Được biết, số cổ phần được bán cho cán bộ, nhân viên VPBank trong đợt này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Riêng Tổng giám đốc, thành viên Ban Kiểm soát bị hạn chế chuyển nhượng trong thời gian đảm nhiệm chức vụ theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông đầu tháng 3 vừa qua, cổ đông Techcombank đã thông qua chương trình lựa chọn phát hành, bán cổ phần cho người lao động. Nguồn phát hành được lấy từ nguồn cổ phiếu quỹ với khoảng hơn 17 triệu cổ phiếu. Người lao động được mua cổ phiếu ưu đãi này phải có ít nhất 1 năm làm việc tại ngân hàng này, ngoài ra còn đáp ứng một số tiêu chí khác về thành tích làm việc trong năm trước. Giá mua cổ phiếu này là 10.000 đồng/cổ phiếu.

VIB cũng đang lên kế hoạch phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động. Theo đó, Hội đồng quản trị dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông vào ngày 29/3 tới phương án sử dụng 1.975.500 cổ phiếu quỹ thưởng cho cán bộ nhân viên Ngân hàng. Năm ngoái, Đại hội đồng cổ đông ngân hàng này cũng đã thông qua kế hoạch chia cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên theo tỷ lệ 0,4% trên vốn điều lệ, tương đương gần 23 tỷ đồng.

Thông tin từ MBBank cho biết, trong tháng 10/2017, Ngân hàng đã phát hành hơn 17,12 triệu cổ phần (1% vốn điều lệ hiện hành) theo chương trình ESOP.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MBBank cho biết: “Cán bộ nhân viên Ngân hàng hưởng ứng nên chương trình này được triển khai tốt. Ngân hàng cũng đặc biệt ưu tiên nhân sự chủ chốt, cán bộ quản lý”. Được biết, tổng trị giá đợt phát hành ESOP theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần là hơn 171,27 tỷ đồng. Số cổ phiếu này cũng bị hạn chế chuyển nhượng trong 2 năm kể từ ngày phát hành.

Cũng liên quan đến việc chia sẻ quyền lợi cho nhân viên, còn nhớ cuối năm 2017, thị trường khá ồn ào trước việc ông Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank từ chối quyền mua cổ phiếu. Tuy nhiên, ông Hưởng cho biết: “Tôi muốn nhường quyền mua cổ phiếu LPB tới cán bộ, nhân viên LienVietPostBank để họ gắn bó với Ngân hàng, vì thực tế vừa qua họ được mua rất ít so với nhu cầu”.

Triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 7.500 tỷ đồng, LienVietPostBank đã phát hành cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu và cán bộ nhân viên, phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 1 năm.

Được biết, điểm chính trong kế hoạch phát hành cổ phiếu lần này là làm sao đảm bảo LienVietPostBank sẽ là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên mà tất cả các lãnh đạo cho đến mỗi nhân viên đều sở hữu cổ phần của ngân hàng mình.

“Chính sách này nhằm thúc đẩy mỗi thành viên trong hệ thống đều có trách nhiệm với “nồi cơm chung”, đều có ý thức bảo vệ thương hiệu chung LienVietPostBank. Khi tất cả cán bộ nhân viên đều là cổ đông thì việc đưa Ngân hàng phát triển cũng chính là trách nhiệm và lợi ích sát sườn của họ”, ông Hưởng nhấn mạnh.             

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục