Ngân hàng đua nóng lãi suất ngắn hạn tiền đồng

Sau những đợt tăng liên tiếp lãi suất tiền đồng dài hạn, hiện các ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất ở các kỳ hạn ngắn hơn. Bên cạnh đó, để tăng lãi suất thực nhận cho người gửi tiền, nhiều hình thức khuyến mãi đang được ồ ạt ra mắt.
Lãi suất ngắn hạn tiền Việt đang được nâng lên. (Ảnh: tintaichinh) Lãi suất ngắn hạn tiền Việt đang được nâng lên. (Ảnh: tintaichinh)

Động thái mới: tăng lãi suất ngắn hạn

 

Trong suốt 2 tháng qua, lãi suất tiền đồng chủ yếu được điều chỉnh ở những kỳ hạn dài trên 12 tháng. Tuy nhiên, khoảng nửa tháng trở lại đây, tăng lãi suất đã lan sang cả các kỳ hạn ngắn, cho thấy dấu hiệu căng thẳng vốn VND đang dâng lên.

 

Nếu trước tháng 7, kỳ hạn ngắn dưới 3 tháng phổ biến ở mức dưới 7%/năm, thậm chí chỉ từ 5%-6%/năm và có một khoảng cách khá xa so với các kỳ hạn dài. Nhưng nay, tất cả các kỳ hạn ngắn đồng loạt tăng, mức trên 7% đã trở nên phổ biến, thậm chí, không ít ngân hàng đã vượt mức 8,5%.

 

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tiếp tục điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm bậc thang VND và USD. Biểu lãi suất mới có sự điều chỉnh tăng ở hầu hết các kỳ hạn gửi với mức tăng dao động từ 0,05% - 0,25%/năm.

 

Với biểu lãi mới này, mức lãi suất tiết kiệm dành tiền đồng cho khách hàng cá nhân tại SHB thấp nhất là 8,2%/năm với kỳ hạn 1 tháng và cao nhất lên tới 9,7%/năm cho kỳ hạn 36 tháng. Như vậy, khác với những lần điều chỉnh trước, SHB đã điều chỉnh cả những kỳ hạn ngắn như 1 - 3 tháng.

 

Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank) đã đẩy lãi suất huy động thường kỳ hạn ngắn 3 tuần lên đến 8% và kỳ hạn 3 tháng đạt mức cao nhất là 8,5%. Mức lãi suất này có thể cao hơn nếu áp dụng các hình thức khuyến mãi. Mức tăng này là khá mạnh lên 0,2 - 0,5%.

 

Một ngân hàng khác có sự điều chỉnh mạnh các lãi suất ngắn hạn tính từ đầu tháng 8 là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Theo đó, lãi suất các kỳ hạn cực ngắn 1 - 3 tuần đã tăng rất mạnh, từ 0,3% - 0,8%/năm. Hiện kỳ hạn 3 tuần lên tới 7,5%/năm; kỳ hạn 1, 2, 3 tháng lần lượt là 8,2%, 8,3%, 8,4%/năm. HDBank, cũng đã đẩy kỳ hạn 3 tuần lên đến 7,6%.

 

Trong báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất giao dịch bình quân bằng VND trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần này có xu hướng tăng khá cao ở tất cả các kỳ hạn. Mức tăng thấp nhất là 0,68%/năm.

 

Đáng chú ý, lãi suất bình quân các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần và 12 tháng có mức tăng trên 1%/năm so với số liệu kỳ trước đó.  Cụ thể, lãi suất VND bình quân trên thị trường liên ngân hàng tuần này qua đêm là 7,2%/năm, 1 tuần lên tới 8,28%, 2 tuần là 8,61%, 1 tháng là 8,64%, 3 tháng 9,31%, 6 tháng 9,5% và 12 tháng là 9,5%/năm.

 

Những tín hiệu này cho thấy, bên cạnh những yếu tố mang tính cạnh tranh trên thị trường thì thực sự các ngân hàng đang có nhu cầu về vốn, khả năng căng thẳng trong thanh khoản vốn ngắn hạn cho những tháng cuối năm và dịp tết đã được các ngân hàng nhận thấy.

 

Áp lực vốn khiến các ngân hàng phải dự phòng trước. Trong khi đó, cùng với sự hồi phục của nền kinh tế, nhu cầu tiêu dùng cuối năm, nhất là sự tăng trưởng trở lại của các kênh đầu tư bất động sản, chứng khoán... khiến cho nhu cầu vốn tăng lên.

 

Khuyến mãi làm tăng lãi suất

 

Mặc dù nhu cầu tăng thu hút vốn đang tăng lên mà lãi suất cơ bản không thay đổi, các ngân hàng muốn tăng lãi suất nhưng cũng ngại đưa mức huy động lên sát ngưỡng cho vay tối đa cho phép 10,5%.

 

Để tránh được những câu hỏi nghi vấn từ thị trường, sự giám sát của cơ quan quản lý, các ngân hàng đã tung ra nhiều chương trình khuyến mãi trực tiếp bằng tiền hay tăng lãi suất cho khách hàng gửi tiền nhiều và gửi dài hạn.

 

Đầu tháng 8, Ngân hàng Quốc tế (VIBBank) đã có chương trình Gửi tiền, tặng tiền. Theo đó, khách hàng gửi tiền từ 20 triệu đồng hoặc 1.000USD được tặng tiền mặt theo các mức tương ứng. 

 

Gửi 10 tỷ đồng hoặc 550.000USD trở lên, với thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng, sẽ được tặng 2 triệu đồng. Khách hàng gửi từ 10 tỷ đồng hoặc 550.000 USD trở lên với thời hạn bằng hoặc trên 3 tháng, sẽ được tặng 3 triệu đồng.

 

Khách hàng được lợi hơn khi ngân hàng khuyến mãi bằng lãi suất. (Ảnh: tintaichinh)

 

Tặng lãi suất cũng là một hình thức được nhiều ngân hàng áp dụng. Chương trình trao may mắn, gửi niềm tin của SHB đang gây chú ý khi bên cạnh lãi suất cộng thưởng cao từ 0,1 - 2%, khách hàng còn được hưởng nhiều tiện ích như tặng ngay phiếu giảm lãi suất cho vay đến 0,5%/năm và được thấu chi đến 95% giá trị sổ tiết kiệm.

 

Một ngân hàng lớn là VietinBank cũng có nhiều hình thức khuyến mãi, ngoài sản phẩm “Tiết kiệm có kỳ hạn lãi suất thả nổi” dành cho cá nhân gửi tiết kiệm kỳ hạn 12, 18, 24 và 36 tháng, ngân hàng còn thu hút tiền gửi bằng việc phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh tặng thêm lãi suất 0,2 - 0,4%/năm.

 

HSBC cũng tặng thêm lãi suất 0,5%/năm đối với khoản tiết kiệm từ 30 triệu đồng trở lên. Tiền gửi tiết kiệm bằng USD được tặng thêm lãi suất 0,2%/năm. Còn tại Techcombank, với mức gửi từ 20 triệu đồng là khách có thể nhận một món quà… Ngoài ra, khách hàng gửi tiết kiệm còn được tặng thêm lãi suất 0,05% khi có thẻ Techcombank F@stAccess hoặc Techcombank Visa Debit.

 

Việc tặng lãi suất trực tiếp cho người gửi thực chất là hình thức tăng lãi suất để thu hút khách hàng. Trong thời kỳ cao điểm tăng lãi suất kỳ hạn dài của tháng trước, có ngân hàng đã đẩy mức lãi suất thưởng lên đến 0,5%. Đây có thể coi là mức thưởng lớn nhất mà các khách hàng áp dụng.

 

Thực tế, việc huy động đến trên 10% trong khi cho vay tối đa là 10,5% có thể khiến cho nhiều người đặt câu hỏi về lợi nhuận của các ngân hàng. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn kiếm lãi tốt qua các cửa cho vay tiêu dùng mà lãi suất thỏa thuận đã lên đến 16,5%.

 

Chính vì thế, ngoài chuyện thu hút vốn, các ngân hàng vẫn chấp nhận huy động đầu vào cao để giữ chân người gửi tiền, đồng thời tăng mạnh việc cho vay tiêu dùng.

 

Đầu năm 2008, khi đứng trước tình hình thanh khoản căng thẳng, tình trạng khuyến mãi làm tăng lãi suất xuất hiện nhiều, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản nhắc nhở cấm khuyến mãi nhằm mục đích tăng lãi suất.

 

Đến nay, tình trạng này lại xuất hiện, nhưng theo giám đốc nguồn vốn của một ngân hàng thì tình thế hai thời điểm là hoàn toàn khác nhau. Cách đây 1 năm, ngân hàng căng thẳng thanh khoản, cơ quan quản lý siết chặt và hút tiền về chống lạm phát, các ngân hàng bằng mọi cách huy động vốn để cứu thanh khoản.

 

Nay tình hình hoàn toàn khác, ngân hàng tăng lãi suất để chuẩn bị nguồn cho vay, vấn đề thanh khoản được đảm bảo. Hơn nữa, thời kỳ trước, chưa có cơ chế không chế lãi suất đầu ra thông qua cơ chế lãi suất cơ bản như hiện nay. Cho nên, các ngân hàng có thể khuyến mãi mà không sợ vướng quy định cũ.


VNN

Tin cùng chuyên mục