Ngân hàng chỉ định thanh toán: “chiếc bánh ngon” bị san sẻ

Việc nhận tiền cọc, mua cổ phần của các đợt đấu giá lâu nay vẫn do một mình Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đảm nhận. Nhưng hôm 1/8, Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP. HCM bỗng thông báo từ nay sẽ nhờ ngân hàng khác làm hộ.

Theo quy trình đấu giá cổ phần mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành ngày 4//1/2005, để tham gia đấu giá cổ phần ở các Trung tâm Giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư phải nộp tiền đặt cọc (bằng 10% giá trị cổ phần đăng ký mua tính theo giá khởi điểm) về tài khoản của đại lý đấu giá (là các công ty chứng khoán tham gia vào việc tổ chức đấu giá). Chậm nhất 2 ngày làm việc trước ngày tổ chức đấu giá, đại lý phải chuyển toàn bộ tiền đặt cọc của nhà đầu tư về tài khoản của Trung tâm Giao dịch chứng khoán mở tại ngân hàng chỉ định thanh toán.

 

BIDV là đơn vị duy nhất được chọn là ngân hàng chỉ định thanh toán ở Việt Nam , chịu trách nhiệm phục vụ thanh toán các giao dịch chứng khoán tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán. Với quy trình đấu giá cổ phần kể trên, đương nhiên Trung tâm Giao dịch chứng khoán phải mở tài khoản đặt cọc đấu giá cổ phần tại BIDV.

 

Ngay trong năm 2005, dựa trên quy trình của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, BIDV và Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP HCM (VSE) đã cùng nhau xây dựng bản hướng dẫn thanh toán tiền đấu giá cổ phần, trong đó cũng ghi rõ tiền đặt cọc phải chuyển vào tài khoản của VSE tại một chi nhánh của BIDV (Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa).

 

Ngày 1/8 vừa qua, VSE bỗng gửi thông báo tới các đại lý tham gia đấu giá cổ phần, yêu cầu chuyển tiền cọc, tiền mua cổ phần của các đợt đấu giá về tài khoản mở tại Sở Giao dịch TP. HCM Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank). Thông báo có hiệu lực ngay từ ngày 1/8.

"Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ. Việc thay đổi ngân hàng phục vụ đột ngột, áp đặt của Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP. HCM gây tâm lý xáo trộn với nhà đầu tư, các đại lý đấu giá. Đây là một việc làm thiếu tính hợp tác, không minh bạch, có dụng ý không tốt", Tổng giám đốc BIDV Trần Bắc Hà tuyên bố.

 

BIDV cho biết, đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để đảm nhận vai trò ngân hàng phục vụ nhận tiền đặt cọc. Nay VSE lựa chọn ngân hàng khác sẽ gây lãng phí lớn cho Nhà nước. Hơn nữa, để quản lý tiền đấu giá của các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, ngân hàng phải uy tín, có nghiệp vụ và tiềm lực tài chính đủ lớn để xử lý biến cố, tránh gây đổ vỡ trên toàn hệ thống.

 

Câu chuyện tình và lý

 

Bức xúc trước sự thay đổi đột ngột của VSE, Tổng giám đốc BIDV Trần Bắc Hà cho biết, sẽ có tờ trình lên Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán và các cơ quan liên quan.

 

Một quan chức Ủy ban Chứng khoán cho hay, ông chưa được báo cáo về việc VSE thay đổi ngân hàng nhận tiền đặt cọc. Ông sẽ yêu cầu vụ chức năng rà soát lại các quy định hiện hành và có câu trả lời về vấn đề này trong ngày 6/8.

 

Trao đổi với báo chí chiều 4/8, Giám đốc Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP. HCM ông Trần Đắc Sinh cho hay, Trung tâm có quyền chọn ngân hàng để mở tài khoản đấu giá cổ phần. Trên cơ sở đó, các công ty chứng khoán làm đại lý sẽ chuyển tiền cọc, tiền đấu giá cổ phần về số tài khoản của Trung tâm tại ngân hàng đã thông báo. Ông Sinh cũng cho hay, Trung tâm không phải xin phép về chuyện thay đổi tài khoản đấu giá cổ phần.

 

Trên thực tế, trong quy chế mẫu về bán đấu giá cổ phần tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán do Ủy ban Chứng khoán ban hành ngày 13/2/2007, thay cho quy chế quỹ, yêu cầu nộp tiền đặt cọc về ngân hàng chỉ định thanh toán không được nhắc tới. Quy chế mới chỉ yêu cầu nhà đầu tư nộp tiền đặt cọc về các đại lý đấu giá, chứ không hề nhắc tới việc các đại lý đấu giá sẽ nộp tiền đặt cọc đó về đâu.

 

Hơn nữa, theo một cán bộ Ủy ban Chứng khoán, VSE sắp tách khỏi Ủy ban, trở thành một đơn vị hoạt động độc lập và có quyền chủ động trong việc tổ chức đấu giá, lựa chọn các đại lý, miễn là tuân thủ đúng các quy chế chung. "Trung tâm được chủ động lựa chọn nơi nào cung cấp dịch vụ tốt nhất. Vấn đề còn lại chính là yếu tố cạnh tranh trên thị trường", vị cán bộ này nói.

 

Theo giới quan sát, phản ứng của "ông lớn" cũng không quá khó hiểu sau thời gian dài BIDV cùng VSE vượt qua giai đoạn thị trường đìu hiu. Giờ đây, khi nhu cầu cổ phần hóa lớn, việc quản lý tiền đặt cọc trở nên tiềm năng hơn bao giờ hết. Nếu như từ năm 2005 đến nay, chỉ vài ba đợt IPO có khối lượng kha khá như Vinamilk, Đạm Phú Mỹ, Bảo Việt, thì sắp tới còn hàng chục doanh nghiệp nhà nước quy mô tương đương hoặc lớn hơn sẽ đấu giá cổ phần.

 

Chỉ tính đợt IPO của Đạm Phú Mỹ, với gần 140 triệu cổ phần đăng ký mua, giá khởi điểm 50.000 đồng/CP, vào lúc cao điểm BIDV nắm tới hơn 6.000 tỷ đồng tiền đặt cọc. Lượng tiền không lãi suất khổng lồ này chỉ được phép duy trì trong Ngân hàng ít ngày, song cũng đem đến lợi nhuận không nhỏ nếu khéo biết sử dụng.

 

Giám đốc một công ty chứng khoán cho hay, ngân hàng nào được Trung tâm Giao dịch chứng khoán chọn mở tài khoản nhận tiền đặt cọc sẽ có rất nhiều lợi ích. Số tiền cọc mà các nhà đầu tư nộp qua mỗi đợt đấu giá lớn có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng và ngân hàng có thể tận dụng cho vay qua đêm.


Vnexpress

Tin cùng chuyên mục