Ngân hàng chỉ “cứu” DN khi trông thấy tương lai

(ĐTCK) Chủ tịch HĐQT một ngân hàng thương mại cho biết, ngân hàng chỉ “cứu” DN trên cơ sở phải nhìn thấy được tương lai, chứ không phải bơm tiền vào để tiền lại... mất hút.
Ngân hàng chỉ “cứu” DN  khi trông thấy tương lai

Cuối tuần trước, 7.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ đã được gọi thầu thành công tại Sở GDCK Hà Nội (HNX) với lãi suất trúng thầu dưới 10%/năm.

Trong đó, 3.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm có lãi suất trúng thầu 9,15%/năm; 3.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm có lãi suất trúng thầu 9,45%/năm và 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm được bán với lãi suất trúng thầu 8,95%/năm. Các mức lãi suất này đều thấp hơn so với phiên liền trước tương ứng 0,25%/năm, 1,03%/năm và 1,40%/năm.

Các mức lãi suất trên là khá thấp ngay cả so với lãi suất huy động của các ngân hàng. Đối với lãi suất cho vay, hiện nhiều ngân hàng công bố những mức lãi suất trên dưới 15%/năm, nhưng chỉ dành cho một vài đối tượng nhất định. Ví dụ, từ ngày 10/5 đến hết ngày 9/7/2012, các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu sẽ được tiếp cận nguồn vốn với mức lãi suất 14%/năm đối với VND và 4%/năm đối với USD tại LienVietPostBank. Agribank cũng điều chỉnh lãi suất cho vay ngắn hạn bằng lãi suất tiền gửi VND có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên cộng tối đa 3%/năm đối với lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, DN vừa và nhỏ…

Vấn đề đặt ra là, các ngân hàng đang chấp nhận đầu tư vào trái phiếu với lãi suất thấp mặc dù lỗ để giữ an toàn, còn hơn bung vốn cho vay vì sợ rủi ro. Đồng thời, ngân hàng cũng siết chặt chuẩn khách hàng để DN khó có thể tiếp cận được lãi suất ưu đãi? Có thể thấy, lãi suất có hạ, nhưng mức phổ biến hiện nay là bao nhiêu?

Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Hồng Long, Phó chủ tịch điều hành, Giám đốc Trung tâm kinh doanh và sản phẩm cấu trúc Techcombank cho rằng, câu chuyện mua trái phiếu nên tiếp cận ở nhiều khía cạnh. Có thể ngân hàng nhìn trái phiếu là khoản đầu tư dài hạn chứ không ngắn hạn như các khoản tiền gửi, mà ở góc độ dài hạn thì không hẳn là lỗ. Ví dụ, thứ nhất, lãi suất trái phiếu hiện tại là 11%, nhưng thời gian tới, nếu mức lợi suất này xuống còn khoảng 8% thì có nghĩa ngân hàng lãi 3%. Đồng thời, thị trường liên ngân hàng hiện đang giao dịch với mức lãi suất chỉ 3 -  4%/năm, nên nếu dư thanh khoản, ngân hàng vẫn phải mua trái phiếu.

“Cái nhìn đối với các công cụ đầu tư dài hạn sẽ ở góc nhìn dài hạn chứ không phải ngắn hạn. Ngoài ra, việc các ngân hàng đổ tiền vào trái phiếu cũng thể hiện tiền trên thị trường đang thừa, nhưng tiền thừa không có nghĩa ngân hàng không muốn cho DN vay mà không có đối tượng đủ điều kiện. Lý do bởi, nếu NHNN áp trần lãi suất cho vay 15%/năm thì các ngân hàng buộc phải lựa chọn đối tượng khách hàng tốt nhất, phù hợp với tiêu chí đề ra. Bên cạnh đó, thanh khoản trên thị trường tốt có thể chỉ là tạm thời do NHNN tăng cường mua ngoại tệ nhằm tăng dự trữ ngoại hối nên phải xuất tiền đồng trong khi chưa hút về tương ứng”, ông Long nhận định.

“Một nguyên nhân cơ bản khiến ngân hàng ứ vốn là nhu cầu vay vốn của chính khách hàng trong điều kiện kinh tế khó khăn cũng không nhiều. Do vậy, ngân hàng phải sử dụng tiền nhàn rỗi đầu tư vào trái phiếu và tín phiếu”, ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc HSBC Việt Nam nói.

Ngân hàng chỉ “cứu” DN  khi trông thấy tương lai ảnh 1

Chấp nhận mua trái phiếu với lãi suất thấp vì ngân hàng lo ngại rủi ro

Trong khi đó, chủ tịch HĐQT một NHTM chia sẻ, lãi suất thấp, thanh khoản dư, nhưng việc chọn lọc khách hàng vẫn rất quan trọng, bởi vì ngân hàng vẫn cần có những quy trình đánh giá rủi ro chuẩn, bám sát khách hàng để đảm bảo thu hồi được vốn. Ngân hàng chỉ “cứu” DN trên cơ sở phải nhìn thấy được tương lai, chứ không phải bơm tiền vào để tiền lại... mất hút.

“Để cho vay, ngân hàng buộc phải đánh giá tổng thể dựa trên nhiều yếu tố, chứ không thể cứ tiền trong ngân hàng dư là buộc phải cho DN vay”, vị chủ tịch trên nói.

Ông Trần Xuân Quảng, Phó tổng giám đốc thường trực Maritime Bank cho biết, ngân hàng này chỉ cho vay với các điều kiện: nếu trong 12 tháng vừa qua, DN không có nợ xấu tín dụng; DN có báo cáo kiểm toán và áp dụng cho nhóm khách hàng A, 2A, 3A theo hệ thống đánh giá tín dụng nội bộ của Maritime Bank. DN đảm bảo đủ các tiêu chí trên thì sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi.

“Điều này sẽ làm cho thông tin kinh tế có xu hướng minh bạch hơn, tốt hơn cho nền kinh tế nói chung. Ngoài ra, từ những DN tốt có thể tiếp cận được nguồn vốn với mức lãi suất này có thể tạo sự lan tỏa, vòng quay của vốn do đó cũng sẽ thuận lợi hơn”, ông Quảng nhấn mạnh.

Trong một tương quan khác, ông Long nhận định, bỏ qua một số chi phí huy động như dự trữ bắt buộc, bù thanh khoản... thì khoản chênh lệch chi phí đầu vào với đầu ra sẽ là margin. Margin cho vay trung bình của ngân hàng là bao nhiêu phụ thuộc vào độ rủi ro tín dụng của khách hàng. Có những DN tốt, margin thậm chí chỉ 1%, còn những khách hàng khác, biên độ dao động từ mức 3 - 5%/năm, hay đối với những DN hoạt động trong lĩnh vực có tính rủi ro cao thì margin chắc chắn còn cao hơn nữa. Điều này có nghĩa, margin là bao nhiêu sẽ tùy vào chính sách của từng ngân hàng chứ không có mức chuẩn.

Ông Hải cho rằng, mỗi ngân hàng có một chiến lược hoạt động khác nhau, tính hiệu quả trong việc quản lý chi phí đầu vào khác nhau, nên lợi nhuận biên thu về cũng khác nhau. Nhiều ngân hàng lớn, có uy tín và quản trị chi phí tốt, không cần phải trả lãi suất tiền gửi kịch trần huy động nên có thể lợi nhuận biên sẽ lớn hơn và ngược lại.

“Với việc các ngân hàng chấp nhận bỏ lượng lớn vốn vào thị trường trái phiếu và khá chặt chẽ trong việc quản lý tiêu chuẩn khách hàng, lãi suất cho vay thực tế trên thị trường hiện nay bao nhiêu là điều không khó đoán”, một chuyên gia kinh tế nói.           

Hồng Dung
Hồng Dung

Tin cùng chuyên mục