Ngân hàng chạy nước rút tất toán dư nợ vàng

Đua nhau mua vàng đấu thầu, thuyết phục khách chuyển đổi dư nợ sang tiền đồng... là cách các ngân hàng đang ráo riết thực hiện để đóng trạng thái trước 30/6.
Ngân hàng chạy nước rút tất toán dư nợ vàng

Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước báo cáo Quốc hội cuối tuần trước, đến 3/5, các tổ chức tín dụng đã tất toán trên 80% số dư huy động vốn bằng vàng, tương đương hơn 100 tấn. 25 tấn nợ còn lại tiếp tục được tất toán gấp rút trong suốt tháng qua mà theo một nguồn tin có thẩm quyền, số dư tính tới đầu tháng 6 đã giảm đáng kể.

Phần lớn số vàng các ngân hàng mua để tất toán thời gian qua đều được thực hiện thông qua đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước. Sau hơn 20 phiên kể từ cuối tháng 3, tổng cộng cơ quan này đã bơm 632.100 lượng vàng ra thị trường, tương đương 24,3 tấn.

 Ngân hàng chạy nước rút tất toán dư nợ vàng ảnh 1

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến đầu tháng 5 lượng vàng còn lại cần tất toán vào khoảng 25 tấn.

 

Nếu như đầu năm nay, có hơn 10 ngân hàng còn dư nợ vàng thì đến tháng sáu, chỉ còn 5-6 đơn vị. Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần quy mô lớn trên địa bàn TP HCM thừa nhận trạng thái vàng của nhà băng ông vẫn còn âm một lượng khá lớn. Theo nhìn nhận của ông, lần này khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ không trì hoãn thời điểm thực hiện việc đóng trạng thái vàng vào 30/6. Vì thế, ngân hàng bằng mọi giá phải dành khoản tiền khá lớn để mua vàng thực hiện việc đóng trạng thái theo quy định. Theo tiết lộ của ông, số tiền này lên đến vài trăm tỷ đồng.

Tổng giám đốc một nhà băng khác chia sẻ, việc trích khoản tiền lớn ra mua vàng tất toán với giá cao hơn so với mức giá đã bán ra trước đó chắc chắn sẽ khiến cho lợi nhuận trong năm nay giảm sút. Tuy nhiên, ngân hàng nhìn nhận kinh doanh thắng thua là chuyện thường tình nên cũng không quá bi quan. "Trước đây việc chuyển đổi vàng ra tiền đồng cho vay và các hoạt động liên quan đã mang lại khoản lợi nhuận không nhỏ cho nhà băng nên giờ thua lỗ cũng không phải quá nặng nề", ông nói.

Trong khi đó, lãnh đạo cấp cao của một ngân hàng trước đây từng được mệnh danh là "đại gia vàng" cũng đang đau đầu xoay sở. Ông cho biết, bên cạnh việc mua vàng đấu thầu, nhà băng còn thu gom trên thị trường, hoặc tìm cách thương lượng với khách chấp nhận chuyển đổi dư nợ huy động vàng sang tiền đồng với lãi suất cao.

Riêng SCB, lãnh đạo của nhà băng không tiết lộ về số vàng chính thức phải tất toán tính đến thời điểm này nhưng ông cho biết vẫn còn khá nhiều. Đồng thời, ông cho rằng không nên đánh đồng nhà băng mình với các ngân hàng khác vì SCB là trường hợp đặc biệt đang trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu.

Ông lý giải, sở dĩ SCB âm trạng thái vàng lớn là do trong năm 2011, ngân hàng rơi vào tình trạng mất thanh khoản tiền đồng, nên huy động được bao nhiêu vàng, nhà băng phải bán hết để chuyển sang tiền đồng giải quyết thanh khoản. Vì thế, với đề án tái cơ cấu đang được SCB đẩy mạnh thì việc còn âm trạng thái nguồn vàng có thể cần cơ chế xử lý riêng cho ngân hàng. Trước đó, theo báo cáo tài chính của SCB, thời điểm cuối năm 2012, tổng trạng thái âm nguồn vàng của nhà băng là 247.031 lượng vàng (tương đương 9,5 tấn vàng).

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM cũng cho rằng nên có cơ chế xử lý riêng với SCB. Ngoài ra, ông Minh thông tin, lượng vàng tồn quỹ của các ngân hàng trên địa bàn hiện đáp ứng khoảng 90% số vàng phải chi trả cho người dân. Còn một số nhà băng chưa đủ vàng để tất toán cũng đang gấp rút tất toán trạng thái vàng. 

Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) Lê Hùng Dũng khẳng định, nhà băng ông đang ráo riết tất toán trạng thái dư nợ huy động vàng. "Dù bất cứ thế nào, chúng tôi cũng sẽ tất toán trạng thái vàng đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước", ông Dũng nói.

Theo thông điệp từ Ngân hàng Nhà nước, việc yêu cầu các nhà băng chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng để chuyển sang quan hệ mua bán đã tạo nguồn vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, loại trừ cơ bản rủi ro về huy động và cho vay vốn bằng vàng trong hoạt động của hệ thống ngân hàng. Từ đó, nó có thể loại trừ khả năng đổ vỡ tổ chức tín dụng, làm ảnh hưởng dây chuyền đến toàn hệ thống có nguồn gốc từ hoạt động huy động và cho vay bằng vàng, góp phần kiềm chế đầu cơ và tình trạng “vàng hóa”.

Ngân hàng Nhà nước cũng coi hoạt động huy động, cho vay và kinh doanh vàng tài khoản nước ngoài của các ngân hàng là kẽ hở cho hoạt động đầu cơ, tạo sóng. Cơ quan này hy vọng khi các ngân hàng đoạn tuyệt với những hoạt động rủi ro đó, nhu cầu về vàng sẽ giảm đáng kể, thị trường sẽ cân bằng hơn, giá trong nước sẽ không còn chênh tới 5-6 triệu đồng so với thế giới như hiện nay.

Theo kế hoạch từ nay đến cuối tháng, Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì kế hoạch đấu thầu 3 phiên mỗi tuần nhằm cung ứng vàng cho thị trường và hỗ trợ các ngân hàng sớm tất toán. Phương án điều hành và can thiệp thị trường sau 30/6 cũng đang được cơ quan này cân nhắc, khi áp lực về cầu đã giảm bớt.


VnExpress

Tin cùng chuyên mục